Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 06:56 (GMT +7)
Quảng Ninh trong sáng tác thơ, nhạc của ông Vũ Mão
Thứ 7, 21/01/2023 | 13:55:44 [GMT +7] A A
Bên cạnh vai trò của một chính trị gia, ông Vũ Mão còn được biết đến với vai trò một nhạc sĩ, một nhà thơ. Trong những sáng tác văn chương và âm nhạc của ông có nhiều tác phẩm viết về mảnh đất Quảng Ninh nơi ông đã từng gắn bó.
Ông Vũ Mão (1939-2020), nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, từng có khoảng 10 năm công tác gắn bó với Quảng Ninh trên nhiều cương vị, như: Trưởng ty Thủy lợi, Bí thư Tỉnh Đoàn, Bí thư Huyện ủy Tiên Yên. Vì vậy, với Quảng Ninh, ông có nhiều tình cảm đặc biệt và sự quan tâm sâu sắc.
Ông Vũ Mão quê gốc ở Nam Định. Năm 1949, ông làm liên lạc viên của Quân giới Việt Nam. Năm 1951, ông tham gia Thiếu sinh quân Việt Nam, sau đó đi học ở Trường Thiếu sinh quân Việt Nam tại Quế Lâm và học văn hóa tại Nam Ninh (Trung Quốc) từ năm 1954 đến năm 1957.
Cuối năm 1957, ông về nước và học hoàn tất chương trình trung học tại Trường Ngô Quyền (Hải Phòng). Năm 1960, ông theo học ngành thủy nông và quy hoạch thủy lợi tại Học viện Thủy lợi Điện lực (nay là Trường Đại học Thuỷ lợi). Năm 1964, tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại trường.
Năm 1962, khi người vợ trẻ đang công tác ở Móng Cái, tỉnh Hải Ninh, ông Vũ Mão đã sáng tác một bài thơ tặng vợ trong nỗi nhớ nhung hòa cùng tình yêu quê hương đất nước:
Ngày ấy Ka Long dòng mát xanh
Pò Hèn - Thán Phún biếc trong lành
Mênh mang Trà Cổ hoàng hôn tím
Thủy mặc chan hòa đẹp bức tranh
Chinh chiến dấu xưa còn ghi khắc
Dâng trào nhựa sống thuở hùng anh
Đôi mươi xa ngái hồn thơ mộng
Biên ải điệp trùng còn đẫm xanh.
Năm 1971, ông Vũ Mão được điều chuyển về công tác tại Ty Thủy lợi Quảng Ninh làm đội trưởng đội quy hoạch. Cuối năm đó, ông được bổ nhiệm làm Phó ty Thủy lợi. Năm 1976, ông là Tỉnh ủy viên, Trưởng ty Thủy lợi.
Là Trưởng ty Thuỷ lợi, ông Vũ Mão đã cùng chuyên gia khảo sát và xây dựng hồ Yên Lập, một công trình thuỷ lợi quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hồ Yên Lập đã giải quyết cơ bản nguồn nước sinh hoạt, nước tưới tiêu cho vùng sản xuất nông nghiệp rộng lớn của huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên), thị xã Uông Bí (nay là thành phố Uông Bí) và huyện Hoành Bồ (nay là thành phố Hạ Long). Tuyến đường dẫn nước từ hồ Yên Lập về qua sông Chanh, cấp nước cho người dân các xã đảo Hà Nam; thực hiện việc khai hoang, lấn biển ở Sông Khoai đã làm đổi thay kỳ diệu cuộc sống người dân nơi đây.
Tháng 1/1979, ông Vũ Mão được tăng cường ra Tiên Yên làm Bí thư Huyện ủy kiêm Chính ủy các lực lượng vũ trang trên địa bàn Tiên Yên. Năm 1980, ông về làm Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ninh.
Vốn là người có máu văn chương nên ông Vũ Mão đã sáng tác nhiều tác phẩm khi công tác tại mảnh đất ngã ba vùng Đông Bắc. Cuốn sách "Một thời Đông Bắc" là tập bút ký chính luận ghi chép những kỷ niệm sâu sắc của Vũ Mão trong thời gian ông đứng mũi chịu sào, gánh vác trọng trách nặng nề ở Tiên Yên. Nhà văn Ma Văn Kháng, một người bạn từng là thiếu sinh quân với ông Vũ Mão, đánh giá: "Một thời Đông Bắc" là sản phẩm tinh thần của một ngọn lửa hợp thành từ hai nguồn cháy sáng: Nhiệt thành chính trị và phẩm tính thơ mộng của thi nhân họ Vũ.
Về Tiên Yên, với Vũ Mão chính trị gia và nghệ sĩ, không chỉ là cuộc gặp gỡ với một vùng đất được thiên nhiên ban tặng những ưu đãi, một miền núi non kỳ vĩ, một bờ biển tươi đẹp, một vùng đồng bằng trù phú, một huyền thoại, một vùng đất phong thủy tốt đẹp hữu tình, một địa bàn cư trú lâu đời của 13 dân tộc anh em với bản sắc văn hóa đặc sắc.
Tiên Yên với Vũ Mão trong những ngày tháng lịch sử ấy còn là nơi người cán bộ chính trị trẻ tuổi say sưa lý tưởng có những cuộc gặp gỡ kỳ lạ. Nguyễn Đức Tâm, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh là con người in dấu bóng hình lồng lộng trong thơ Vũ Mão:
Thủa thiếu thời lòng kiên trinh chí lớn
Nghĩa tình dân vượt ghềnh thác gian lao
Bước tung hoành phong sương trời Đông Bắc
Lưu dấu đời ngời tâm đức sáng sao…
Trang sách của Vũ Mão còn viết về chiến công của nữ liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm, cô gái mậu dịch viên quê ở Bình Ngọc, Móng Cái, khi quân xâm lược nổ súng đánh chiếm đồn Công an vũ trang 209, đã tự động cầm vũ khí chiến đấu cho đến viên đạn cuối cùng, hy sinh ở tuổi 25. Viết về vùng Đông Bắc, Vũ Mão nhận định: "Có thể tự hào mà nói rằng những thời điểm nóng bỏng của đất nước, ở nơi tuyến đầu đã hội tụ các anh tài của đất nước”.
Ông Vũ Mão đã sống một thời điểm lịch sử đặc biệt không chỉ của riêng Quảng Ninh mà của đất nước. Ông viết trong hồi ký của mình: “Bốn mươi năm trước đây, ngày 17/2/1979, Trung Quốc xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta. Thời điểm ấy, tôi là Bí thư Huyện ủy kiêm Chính ủy các lực lượng vũ trang thống nhất của huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Một thời gian khổ đã qua và rất đỗi tự hào”.
Miền Đông Bắc năm 1979 hiện ra trong sách của Vũ Mão thật hào hùng và anh dũng, dù tình hình kinh tế, xã hội khi ấy còn rất khó khăn. Ông đã dành cho Tiên Yên những dòng thân thương trong trang sách của mình: "Những năm tháng công tác ở huyện Tiên Yên đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Tuy bận rộn với việc củng cố, xây dựng địa phương vững mạnh, sẵn sàng đối phó với kẻ xâm lược, nhưng trong tôi vẫn đau đáu về ý nghĩa của tên gọi Tiên Yên. Vì thế tôi thường hỏi các cụ già và thường nhận được câu trả lời rất đơn giản là từ xưa đã gọi như thế rồi. Mãi về sau này, tôi cứ nghĩ để tìm được một giả thuyết vui về địa danh này. Thời gian tôi công tác ở huyện Tiên Yên không dài, nhưng những năm tháng gắn bó với Tiên Yên vẫn còn mãi trong tôi với nhiều cảm xúc...".
Ông Vũ Mão còn là một nhà thơ, một nhạc sĩ với nhiều ca khúc, bài thơ đáng chú ý về Tiên Yên, về Quảng Ninh. Ông đã viết bài thơ với một tiêu đề ngắn gọn và giản dị - Tiên Yên:
Con sông nhỏ Tiên Yên
Dòng nước trôi êm đềm
Một màu xanh biêng biếc
Mang dáng hình nàng Tiên
Khói lam chiều lan xa
Tiếng mõ chiều ngân nga
Bóng hình người thôn nữ
Trong sắc màu phôi pha
Năm tháng đã qua đi
Mà sao vẫn thầm thì
Dòng sông trong ký ức
Vẫn trong xanh diệu kỳ
Núi đồi vẫn xanh xanh
Con sông vẫn trong lành
Biển xanh vẫn còn đó
Em mãi là của anh.
Trên nền bài thơ ấy, ông đã phổ nhạc và được giới thiệu trên Đài Truyền hình Việt Nam trong chuyên mục: “Giới thiệu tác phấm mới” do nhạc sĩ Thiên Sơn làm đạo diễn và với lời bình của nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân. Trong bài thơ cũng như bản nhạc ấy, có câu kết: “Em mãi là của anh”. Ông Vũ Mão từng kể lúc sinh thời: "Nhiều người hỏi tôi: “Chắc là ở nơi ấy có một mối tình sâu nặng nào đó?”. Tôi chỉ cười vui, không thanh minh mà cũng không giải thích. Nhưng quả thật, huyện Tiên Yên, dòng sông Tiên Yên mãi mãi là tình yêu của tôi".
Tháng 11/1980, ông Vũ Mão về Hà Nội, đảm nhiệm Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (1980-1987), phụ trách công tác tổ chức và là Bí thư Đảng ủy Cơ quan Trung ương Đoàn. Từ tháng 4/1982, ông là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa V đến khóa IX, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước (1987-1992), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (1992-2007), Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (1992-2002), Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội (2002-2007) rồi Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Ông mất ngày 30/5/2020, hưởng thọ 82 tuổi. Từ khi chia tay Quảng Ninh cho đến khi giã từ cõi tạm, ông Vũ Mão đã trở lại Vùng mỏ nhiều lần và luôn canh cánh trong lòng phải làm điều gì đó để tri ân vùng đất thân thương mà mình đã gắn bó.
Sinh thời, trong một cuộc trò chuyện với tác giả bài viết, ông Vũ Mão chia sẻ: Tôi yêu mảnh đất và con người nơi này. Mảnh đất Quảng Ninh giàu truyền thống và nhiều danh thắng. Người Quảng Ninh thân thiện, cởi mở và mang tư duy, tác phong công nghiệp của giai cấp công nhân, nên luôn tìm tòi, đổi mới và không cục bộ. Quảng Ninh có một truyền thống tốt đẹp với những khát khao phát triển. Điều đó đã tạo cho tôi những cảm xúc để sáng tác. Khi về thăm lại nơi này, tôi đã sáng tác một số bài thơ, ca khúc ca ngợi Quảng Ninh. Tôi nhận ra Quảng Ninh có đầy đủ sắc thái địa lý rất cụ thể. Trong bài hát “Bài ca tuổi trẻ Quảng Ninh”, tôi đã viết về điều đó: “Biển rộng dạt dào/ Lớp lớp sóng xô nhấp nhô muôn hòn đảo nhỏ/ Trên tầng cao/ Lớp lớp than đen lấp lánh như muôn vì sao/ Xa xa bao la núi đồi bát ngát/ Cây xanh xanh/ Dòng suối âm vang...”. Hay như tôi viết về con sông Tiên Yên: “Một màu xanh biêng biếc/ Mang dáng hình nàng tiên…”. Nói tóm lại, Quảng Ninh có tiềm lực lớn trong phát triển kinh tế, đồng thời luôn chứa đựng những khát khao tươi đẹp.
Lê Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()