Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 20:20 (GMT +7)
Sáng tạo trong phát huy giá trị di sản
Chủ nhật, 14/04/2024 | 13:26:24 [GMT +7] A A
Song song với hoạt động bảo tồn thì việc phát huy giá trị di sản sẽ giúp di sản gần gũi hơn với cuộc sống, góp phần lan tỏa giá trị và thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. Việc phát huy cần có những cách làm sáng tạo, ngược lại để không làm phương hại, biến dạng di sản là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm.
Nhiều cách làm sáng tạo
Với 637 di sản văn hoá vật thể, 362 di sản văn hoá phi vật thể, Quảng Ninh tự hào khi là một trong số ít địa phương có hệ thống di sản văn hóa phong phú, là nguồn tài nguyên quý giá, bền vững của tỉnh. Trong những năm qua, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực đầu tư tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản. Qua đó, góp phần tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Một trong những địa phương làm tốt công tác này là Bình Liêu. Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, trong đó có người Tày ở Bình Liêu, đã được ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại; và hát Soóng cọ của người Sán Chỉ được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Theo đó, huyện đã nhân rộng mô hình các câu lạc bộ hát dân ca tại các xã, thôn, khu; đưa loại hình nghệ thuật này vào chương trình giảng dạy, học tập tại các trường học trên địa bàn; thường xuyên tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn, giao lưu gắn với các hoạt động lễ hội truyền thống, hội diễn nghệ thuật quần chúng ở cả trong và ngoài địa phương, phục vụ phát triển du lịch…
Ông Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bình Liêu, cho biết: Thời gian qua, huyện Bình Liêu dành nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn di sản thông qua các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, truyền dạy, đưa di sản hiện hữu hàng ngày trong đời sống, sinh hoạt cộng đồng. Các hoạt động văn hóa, lễ hội đều có sự tham gia trực tiếp của chính đồng bào. Từ đây, nhiều di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ thoát khỏi nguy cơ mai một mà còn được giới thiệu, quảng bá, biết đến nhiều hơn, trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc của Bình Liêu.
Cùng với đó, các địa phương như Hạ Long, Vân Đồn, Đông Triều, Uông Bí... cũng thực hiện bảo tồn, phát huy một số bộ môn nghệ thuật dân tộc trở thành sản phẩm văn hóa phục vụ khách du lịch, như: Múa rối, hát chèo, các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc thiểu số đã được biểu diễn tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, trên Vịnh Hạ Long hay tại các lễ hội, hành trình, tuyến điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Hay như tại Khu Di tích - Danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí), các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian, làng nghề truyền thống tại Làng Nương; trình diễn áo dài trong sân khấu thực cảnh tại Yên Tử trong khuôn khổ Festival Áo dài Quảng Ninh 2022 với sự tham gia của khách mời là Đại sứ các nước cùng gia đình và đại diện các tổ chức thế giới như UNESCO, WHO tham gia trình diễn… được tổ chức định kỳ và mang lại hiệu quả. Tất cả đã góp thêm một sắc màu, không gian trải nghiệm văn hóa mới mẻ, hấp dẫn ngay trong lòng di sản.
Toàn tỉnh hiện có 118 lễ hội, trong đó có 80 lễ hội truyền thống. Trong đó, nhiều lễ hội đã được phục dựng thành công, bài bản, đúng bản sắc truyền thống của các dân tộc thiểu số như Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu... Đặc biệt, dựa trên nền tảng văn hoá truyền thống, những năm qua, Quảng Ninh đã tổ chức nhiều lễ hội mới như: Lễ hội Carnaval, Lễ hội hoa anh đào - mai vàng Yên Tử, Hội hoa sở, Hội trà hoa vàng, lễ hội ẩm thực… Có thể thấy, bên cạnh những lễ hội truyền thống thì việc sáng tạo các lễ hội mới giàu tính văn hóa, gắn với đặc trưng văn hóa bản địa trở thành điểm hẹn của đông đảo người dân và du khách cũng chính là cách phát huy mang tính tiếp nối để di sản luôn giữ được dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân và du khách.
Thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, để có tính cạnh tranh, công nghiệp văn hóa cần phải có bản sắc riêng. Bản sắc không gì khác hơn là xây dựng trên nền tảng di sản văn hóa dân tộc. Quảng Ninh tự hào là mảnh đất giàu truyền thống và đa dạng văn hóa. Song để tài nguyên di sản văn hóa thực sự trở thành nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, và để có các sản phẩm, dịch vụ mang bản sắc, phải cần đến quá trình sáng tạo. Do đó, việc định hình hoạt động sáng tạo di sản là hết sức cần thiết, giúp việc sáng tạo thật sự làm “giàu” thêm giá trị di sản, đem lại giá trị kinh tế cho xã hội, cộng đồng. Ðồng thời, ngăn chặn những nguy cơ làm sai lệch, ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị di sản.
Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, nhằm tiếp tục khơi dậy quyết tâm, khát vọng phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh, tạo động lực phát triển ngành công nghiệp văn hóa trên cơ sở mỗi người dân Quảng Ninh chính là chủ nhân của các di sản văn hóa, chủ thể sáng tạo và cũng là đối tượng thụ hưởng, tiêu dùng văn hóa.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục tạo cân bằng giữa khai thác và đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa; giữ gìn và phát huy đặc trưng tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; các giá trị đặc sắc về văn hóa biển đảo, văn hóa “Kỷ luật và đồng tâm” của công nhân Vùng mỏ; khắc sâu, nhân rộng những truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.
Đồng thời, xây dựng, khôi phục các làng nghề truyền thống có tiềm năng gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, khai thác có hiệu quả thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số; lựa chọn, phát triển các sản phẩm OCOP nâng tầm thành nghệ thuật từ khâu sản xuất đến thưởng thức, kết nối thành điểm đến của khách du lịch và hướng tới xuất khẩu ẩm thực truyền thống vùng, miền.
Đặc biệt, xây dựng chiến lược lâu dài tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên các lĩnh vực: Điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật, thời trang, âm nhạc, mỹ thuật, triển lãm, ẩm thực, dịch vụ vui chơi giải trí,... tạo động lực làm phong phú thêm các loại hình du lịch. Từ đây, không ngừng khai thác hiệu quả di sản văn hóa, hiện thực hóa mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
Nguyễn Dung
- Để di sản "sống" cùng thành phố
- Đệ trình UNESCO hai di sản văn hóa phi vật thể
- Gia tăng giá trị du lịch từ Cây di sản
- Giáo dục di sản phi vật thể trong trường học
- Hồ sơ đề cử di sản thế giới Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đảm bảo các yêu cầu của UNESCO
- Yên Tử trước cơ hội trở thành di sản thế giới
- Đưa di sản văn hóa đến gần hơn với lớp trẻ
Liên kết website
Ý kiến ()