Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 23:04 (GMT +7)
Sạt lở bờ biển dài hơn 100km, Cà Mau kêu gọi khẩn cấp xây dựng kè
Thứ 5, 14/09/2023 | 10:18:04 [GMT +7] A A
Hơn 10 năm qua, biến đổi khí hậu làm nước biển dâng và các hình thái thời tiết cực đoan khác đã làm cho bờ biển từ đông sang tây của tỉnh Cà Mau bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Trên 100km bờ biển đang bị sạt lở
Tỉnh Cà Mau có tổng chiều dài 254km bờ biển, nhưng đến nay đã có trên 100km bị sạt lở. Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2011 - 2021, sạt lở bờ biển đã làm mất đất và rừng phòng hộ với diện tích khoảng 5.250ha, tương đương diện tích của một xã.
Báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Cà Mau, tổng chiều dài bờ biển đang tiếp tục bị sạt lở trên 105km gồm: Bờ biển Tây 33km, bờ biển Đông trên 72km. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm trên 43km (bờ biển Tây 11km, bờ biển Đông hơn 32km); sạt lở nguy hiểm hơn 62km (bờ biển Tây 22km, bờ biển Đông hơn 40km).
Các đoạn bờ biển này có tốc độ sạt lở hằng năm bình quân từ 25m đến trên dưới 50m, đặc biệt có những nơi lên đến 80m; tổng chiều dài các đoạn sạt lở nguy hiểm với chiều dài khoảng 58km, với tốc độ sạt lở hằng năm bình quân từ 20m đến trên dưới 40m.
Gần đây nhất, ngày 24.8.2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở bờ biển tỉnh Cà Mau, với 6 điểm, tổng chiều dài hơn 29km. Trong số 6 điểm vừa được công bố tình huống khẩn cấp, huyện Ngọc Hiển đã có đến 4 điểm gồm: Đoạn cửa biển Hốc Năng, chiều dài 2.500m; đoạn từ kênh Năm đến kênh Chùm Gọng, chiều dài 4.100m; đoạn từ kênh Năm Ô Rô đến Vàm Xoáy, chiều dài 7.150m; đoạn từ Kiến Vàng đến Ông Tà, chiều dài 6.400m. Hai điểm còn lại thuộc danh mục công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở bờ biển tỉnh Cà Mau nằm trên địa bàn huyện Đầm Dơi và huyện Năm Căn. Cụ thể là đoạn cửa biển tại ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi (đoạn L3), chiều dài 1.000m và đoạn từ Hố Gùi đến Bồ Đề, huyện Năm Căn, chiều dài 8.000m.
Một mình khó đối phó với thiên tai
Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Trần Hoàng Lạc cho biết: “Huyện có 4/6 điểm thuộc danh mục công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở bờ biển. Sau khi Chủ tịch UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp, huyện đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan triển khai các kế hoạch để lập các hồ sơ, thủ tục tổ chức triển khai và được ghi vốn triển khai công trình khẩn cấp. Trước mắt, huyện tổ chức cắm biển cảnh báo đối với khu vực đang sạt lở để cho người dân biết, di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo tài sản, tính mạng”.
Đối với khu vực bờ biển phía Đông, tình hình sạt lở diễn ra rất nghiêm trọng, xuyên suốt, nhất là mùa đông gió từ biển thổi vào, gây sóng lớn nên mức độ sạt lở càng nghiêm trọng hơn ở hầu hết tuyến bờ biển, chứ không riêng 4 khu vực thuộc danh mục công bố tình huống khẩn cấp. Việc chủ động phòng, chống sạt lở ở bờ biển Đông rất khó khăn, nên tạm thời chủ yếu thực hiện giải pháp di dời dân và cảnh báo những khu vực sạt lở. Giải pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống sạt lở chỉ có thể là xây dựng kè để chống sóng, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Trần Hoàng Lạc cho biết thêm.
Cuối tháng 8.2023, UBND tỉnh Cà Mau đã có báo cáo gửi Bộ Tài chính về việc khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, đối với bờ biển Đông, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo khẩn trương tập trung đầu tư khắc phục đối với các đoạn bờ biển sạt lở đặc biệt nghiêm trọng; nghiên cứu đầu tư kè kết hợp với mặt đường đối với các đoạn bờ biển có thể khai thác du lịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, hiện tại nguồn kinh phí dự kiến là rất lớn, tỉnh Cà Mau không thể bố trí nguồn vốn để thực hiện đồng bộ.
Sạt lở bờ biển tại tỉnh Cà Mau không còn theo mùa, theo quy luật. Người dân nơi đây cho biết, biển ngoạm đất liền ngày càng nghiêm trọng. Nếu chậm xây dựng kè, khôi phục rừng phòng hộ thì sạt lở sẽ dài thêm ra, chứ không dừng lại con số hơn 100km như hiện nay.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()