Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:53 (GMT +7)
Sầu riêng Bình Phước: Bao giờ có thương hiệu?
Thứ 4, 27/10/2021 | 12:30:39 [GMT +7] A A
Bình Phước có diện tích canh tác sầu riêng khá lớn với chất lượng thơm ngon không thua kém bất kỳ địa phương nào trong cả nước. Biến đổi khí hậu dẫn đến hiện tượng thời tiết cực đoan khiến không phải nơi nào cũng trồng được sầu riêng và đây chính là lợi thế để Bình Phước phát triển diện tích loại “trái cây vua” này. Điều đáng tiếc là đến nay, Bình Phước vẫn chưa có trang trại sầu riêng nào xây dựng được thương hiệu để xuất khẩu trực tiếp. Đã đến lúc ngành nông nghiệp tỉnh phải tính toán xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng - dù muộn cũng phải làm để hỗ trợ nông dân tìm thị trường tiêu thụ ổn định.
Loay hoay xây dựng thương hiệu
Trang trại sầu riêng của ông Trương Văn Đảo ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín, TX. Phước Long có tổng diện tích 10 ha, được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là một trong 15 trang trại sầu riêng của Hợp tác xã (HTX) Cây ăn trái Bàu Nghé với diện tích 200 ha, trong đó 100 ha đang cho thu hoạch với sản lượng 1.500 tấn mỗi năm.
Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, việc tiêu thụ nông sản của cả nước gặp không ít khó khăn, sầu riêng cũng không ngoại lệ. Để tự cứu mình, chủ trang trại sầu riêng Ba Đảo đã không ngần ngại đầu tư 10 tỷ đồng xây dựng hệ thống máy cấp đông và kho lạnh. Toàn bộ trái sầu riêng trong tổng 10 ha của trang trại ông được công nhân bóc lấy cơm mang đi cấp đông ở nhiệt độ -400C, sau đó đưa vào kho lạnh bảo quản. Khi thị trường khan hiếm, sầu riêng đông lạnh của trang trại Ba Đảo nhanh chóng có được thị trường tiêu thụ với giá cao.
Nhờ cách làm này, thương hiệu sầu riêng Ba Đảo được thị trường trong Nam, ngoài Bắc đón nhận. Đầu ra cho sản phẩm sầu riêng của trang trại ông không còn phải lo mỗi khi thị trường biến động.
Ông Trương Văn Đảo cho rằng: Kho lạnh đang là cứu tinh cho nhiều loại nông sản mỗi khi thị trường có bất trắc. Cái lợi của hệ thống kho lạnh không chỉ giúp nhà nông chủ động giải quyết đầu ra cho nông sản mà còn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Thế nhưng, việc đầu tư hệ thống kho lạnh không phải chuyện dễ đối với năng lực tài chính của mỗi HTX, bởi để đầu tư cho một hệ thống từ máy cấp đông đến kho lạnh cho mỗi HTX phải mất ít nhất 100 tỷ đồng. Do vậy, các HTX đang rất cần cơ chế vốn vay lãi suất thấp từ phía ngân hàng.
Cũng đang loay hoay trong xây dựng thương hiệu là nhà nông Nguyễn Văn Hùng ở xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng. Ông gắn bó với cây sầu riêng đến nay đã hơn 24 năm, có 9 vườn sầu riêng gồm 82 ha, trong đó có 3 vườn được chăm sóc theo quy trình đạt chuẩn châu Âu (GlobalGAP) với hơn 30 ha. Chưa kể kinh phí đầu tư sản xuất, để có được giấy chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP, mỗi khu vườn phải đầu tư ít nhất 200 triệu đồng thuê tư vấn độc lập và phí cấp giấy chứng nhận.
Từ lúc trồng đến khi cho sản phẩm và được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP, người nông dân đã dần hoàn thành 70% giá trị thương hiệu cho một sản phẩm nông nghiệp. Thế nhưng, 30% còn lại là một chặng đường rất dài và xa. Nhà nông Nguyễn Văn Hùng dẫn chứng thực tế: Do chưa làm được mã vạch, mã vùng nên chưa thể xây dựng thương hiệu và chưa có thương hiệu, nhãn mác nên sầu riêng sạch cũng như chưa sạch, giá bán cũng như nhau. Sau gần 2 năm được cấp giấy chứng nhận, giá bán sầu riêng của nhà nông Nguyễn Văn Hùng cũng như bao người trồng sầu riêng khác. “Quy trình chăm sóc sầu riêng của tôi ở đây hoàn toàn theo tiêu chuẩn GlobalGAP, nghĩa là được chăm sóc theo hướng hữu cơ hoàn toàn nên chi phí khá cao so với cách chăm sóc dùng phân bón, thuốc hóa học. Thế nhưng, giá bán cũng như bao vườn sầu riêng khác nên rất thiệt thòi cho những nhà nông canh tác theo chuẩn hữu cơ” - ông Hùng nói.
Tương lai của sầu riêng
Bình Phước hiện có trên 12.300 ha cây ăn trái, trong đó hơn 3.000 ha sầu riêng. Theo đánh giá của các nhà nông học, trước thực trạng của biến đổi khí hậu, diện tích đất nông nghiệp chuyên sản xuất cây ăn trái thuộc các tỉnh miền Tây sẽ bị ảnh hưởng do ngập mặn. Do vậy, các tỉnh miền Đông Nam bộ, trong đó có Bình Phước, sẽ dần thay thế trở thành vựa cây ăn trái miền Nam. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa có thương hiệu cây ăn trái nào, nhất là trái sầu riêng đang là thế mạnh của Bình Phước có thể xuất khẩu trực tiếp. Nhiều doanh nghiệp đến nay vẫn không biết Bình Phước là địa phương có nhiều diện tích trồng sầu riêng với chất lượng thơm ngon không thua kém bất kỳ vùng miền nào trong cả nước. Thế nhưng với cách làm nhỏ lẻ, manh mún của các HTX như hiện nay thì khó có thể đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Theo tính toán của các nhà nông, mỗi hécta sầu riêng từ năm thứ 8 trở đi sẽ cho năng suất dao động từ 15-20 tấn nếu được đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Với mức giá bình quân 50.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi hécta sầu riêng sẽ cho thu nhập cả tỷ đồng. Con số này đủ sức hấp dẫn nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh. Nếu như huyện Bù Đăng, năm 2015 diện tích cây sầu riêng chưa được 1.000 ha thì đến nay đã tăng gần 2.000 ha. Còn huyện Phú Riềng chỉ trong vòng 5 năm đã có trên 500 ha sầu riêng được trồng mới. Trong số hơn 3.000 ha sầu riêng (chưa tính diện tích trồng mới trong vụ mùa xuống giống năm nay) của tỉnh có đến 1.500 ha đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Điều đó cho thấy, nhu cầu trồng mới cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh đang ngày một tăng cao. Trong khi đó, việc đầu tư công nghệ, xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng hiện vẫn chưa được chú trọng đúng mức để nâng cao giá trị vốn có của trái sầu riêng.
Trong xu thế hội nhập toàn cầu, thương hiệu được xem là giấy thông hành cho mỗi sản phẩm khi bước ra thị trường thế giới. Do vậy, việc xây dựng thương hiệu cho cây ăn trái nói chung và sầu riêng của Bình Phước nói riêng cho dù có muộn cũng phải làm. Bởi xây dựng thương hiệu, không chỉ để bán sản phẩm mà giá trị lớn hơn chính là để quảng bá hình ảnh cho tỉnh.
Theo Đông Kiểm/Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()