Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 06:27 (GMT +7)
Siết chặt quản lý tài nguyên khoáng sản
Thứ 6, 02/04/2021 | 07:10:15 [GMT +7] A A
Thời gian qua, TP Uông Bí đã triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý nguồn tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép.
Người và phương tiện qua Trạm 36 Uông Thượng - Vàng Danh đều được kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ. |
Phường Vàng Danh (TP Uông Bí) hiện có 3 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh than, gồm: Công ty CP Than Vàng Danh, Công ty PT. Vietmindo, Công ty Than Uông Bí. Các mỏ than nằm xa khu vực trung tâm, địa hình đồi núi phức tạp. Trên địa bàn phường còn có tuyến đường sắt chuyên dụng vận chuyển than ra bến bãi tập kết. Điều này gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng lợi dụng khai thác, kinh doanh khoáng sản trái phép dưới nhiều hình thức. Để siết chặt khâu quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản, ranh giới mỏ, hằng năm phường Vàng Danh đều ký hợp đồng phối hợp bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội với 3/3 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh than.
Đặc biệt, từ giữa năm 2019 đến nay, phường còn phối hợp với các đơn vị, ngành chức năng cử cán bộ tham gia trực 24/24h tại Trạm 36 Uông Thượng - Vàng Danh. Trong đó, lực lượng công an, dân quân tự vệ ở địa phương cùng với lực lượng bảo vệ của các công ty than tham gia tuần tra, xử lý vận chuyển than trái phép; đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực, kiểm soát tình hình, báo cáo cơ quan chức năng khi có tình huống phát sinh, mất an ninh trật tự.
Ông Bùi Huy Thục, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Vàng Danh, cho biết: Cùng với tăng cường quản lý hoạt động khai thác, công tác quản lý vận chuyển, tập kết, chế biến than trên địa bàn ngày càng được siết chặt hơn. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và doanh nghiệp, nên 5 năm gần đây trên địa bàn phường không có tình trạng khai thác, kinh doanh than trái phép.
Hoạt động khai thác đất tại Dự án khai thác đất làm vật liệu san lấp mặt bằng tại phường Bắc Sơn (TP Uông Bí). |
Theo thống kê của TP Uông Bí, trên địa bàn hiện có 5 đơn vị thực hiện khai thác, kinh doanh than; 1 đơn vị có chức năng vận chuyển và tiêu thụ than; 4 cơ sở khai thác và chế biến đá vôi; 3 cơ sở khai thác và chế biến sét; 2 khu vực khai thác đất phục vụ san nền mặt bằng dự án. Thành phố đã đẩy mạnh kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện đúng nội dung giấy phép khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp; xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường các khu vực đã kết thúc khai thác khoáng sản, nhằm đảm bảo cảnh quan môi trường theo nội dung các dự án, đề án đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Hằng năm tổ chức các cuộc kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thực hiện trách nhiệm liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản, đồng thời xử lý các vi phạm nếu các đơn vị không nghiêm túc chấp hành.
Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản được tăng cường từ thành phố đến xã, phường có tài nguyên; kịp thời phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động khoáng sản để ngăn chặn, xử lý các vi phạm trong đào bới, thăm dò, khai thác và vận chuyển khoáng sản. Riêng năm 2020, TP Uông Bí đã phối hợp với lực lượng chức năng xử phạt 52 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản với tổng số tiền gần 200 triệu đồng.
Thời gian qua, thành phố đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông kết nối, khu đô thị, nhà ở, như: Tuyến đường ven sông (kết nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng chạy qua địa bàn TP Uông Bí); khu biệt thự Sông Uông; tuyến đường Trần Hưng Đạo giai đoạn 2; sửa chữa, nâng cấp tuyến đường từ ngã 3 Tân Lập (phường Phương Đông) đến đầu tuyến đường vào Nhà máy xử lý chất thải rắn Khe Giang (phường Thanh Sơn)...
Vì vậy, nhu cầu sử dụng vật liệu đất để san nền triển khai các công trình tương đối cao. Để quản lý chặt các nguồn vật liệu san lấp, các lực lượng chức năng của thành phố thường xuyên kiểm tra hoạt động của các đơn vị được cấp phép khai thác các mỏ đất san nền; yêu cầu doanh nghiệp đăng ký giấy phép vận chuyển, cung đường vận chuyển để kiểm soát tốt tình hình đảm bảo hoạt động khai thác được thực hiện theo đúng quy hoạch cũng như quy định về bảo vệ môi trường, không để thất thoát nguồn tài nguyên.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục chỉ đạo phòng, ban, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các vị trí khai thác đất, đá làm vật liệu san lấp mặt bằng. Đồng thời, chỉ đạo các xã, phường duy trì phối hợp với các doanh nghiệp trong công tác trao đổi thông tin, quản lý, bảo vệ tài nguyên, khoáng sản, ranh giới mỏ; giám sát, cải tạo phục hồi môi trường đối với các khu vực đã kết thúc khai thác, kết thúc đổ thải...
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()