4
531
/
1100193
Siết chặt "vành đai thép" trên biên giới
longform
Siết chặt "vành đai thép" trên biên giới

Hơn 1 năm đại dịch Covid-19 tung hoành khắp thế giới, cũng là hơn 500 ngày đêm Đội vũ trang, Đồn biên phòng Pò Hèn liên tục bám chắc địa bàn vùng biên ải, quyết tâm cao để ngăn dịch xâm nhập vào nội địa. Công việc mỗi ngày tuy vất vả, nhưng các anh vẫn động viên nhau nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, để một ngày không xa, Covid-19 sẽ được đẩy lùi, cuộc sống an toàn trở lại như trước kia.

5h sáng ngày 2/9, tiếng kẻng vang lên là hiệu lệnh để toàn đơn vị thức dậy, điểm danh quân số. Đã thành nền nếp sinh hoạt theo thời gian biểu, những người lính nhanh chóng ổn định trật tự, dành 30 phút cho việc tập thể dục, sau đó là vệ sinh cá nhân và ăn sáng.

Thiếu tá Hà Thanh Nam

6h15, sau khi làm lễ chào cờ, đơn vị tổ chức sinh hoạt tại hội trường để tiếp tục quán triệt nhiệm vụ trong giai đoạn cao điểm. Nhiều CBCS vẫn đang làm nhiệm vụ trực tại 10 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 thuộc quản lý của đơn vị, họ sẽ được chỉ huy đơn vị quán triệt đầy đủ nội dung sinh hoạt sau khi đã đổi ca trực, về nghỉ tại đồn.

Đồn biên phòng Pò Hèn làm lễ thượng cờ...

Theo kế hoạch, hôm nay, Thiếu tá Hà Thanh Nam, Phó Đội trưởng Đội vũ trang, Đồn biên phòng Pò Hèn và đồng đội tiến hành tuần tra đường biên, cột mốc. 5 phút trước giờ xuất phát, toàn tổ tuần tra lưu động tập hợp trước sân, chỉnh đốn trang phục theo điều lệnh, kiểm tra lại công cụ hỗ trợ và quán triệt lại phương án tuần tra cụ thể. Đúng 7h sáng, các anh lên đường làm nhiệm vụ.

và sinh hoạt tại hội trường trong buổi sáng ngày 2/9.

Đồn biên phòng Pò Hèn nằm tại xã Hải Sơn, TP Móng Cái – vị trí đóng quân xa nhất trên tuyến biên giới của tỉnh Quảng Ninh. Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý hơn 12km đường biên giới, với 11 cột mốc từ 1346 đến 1352.

Những con đường đất khúc khuỷu, từng góc bờ suối nơi xác định ranh giới hai nước Việt - Trung... đều đã trở nên thân thuộc với những người lính nơi đây. Bởi việc tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, triển khai lực lượng chốt chặn các đường mòn, lối mở... được các anh duy trì thường xuyên, liên tục, đảm bảo cho an ninh ở khu vực biên giới luôn được giữ vững.

Thiếu tá Hà Thanh Nam cùng tổ tuần tra lưu động.

Thiếu tá Hà Thanh Nam trong tổ tuần tra lưu động tuần tra dọc theo tuyến biên giới Việt - Trung.

9h sáng ở xã biên giới Hải Sơn, cứ chốc chốc lại đổ một cơn mưa trắng trời, rồi tạnh cũng rất nhanh, nắng nóng gay gắt. Tổ tuần tra 7 người vẫn tiến đều, vững từng bước chân trên con đường mòn trơn trượt. Những ánh mắt nghiệp vụ nhìn xuyên qua màn mưa, quét lên từng lùm cây, hốc đá nhằm phát hiện mọi dấu hiệu bất thường, nghi ngờ có người nhập cảnh trái phép.

“Hầu hết người nhập cảnh trái phép là công dân nước mình qua Trung Quốc làm thuê kiếm tiền. Họ đều không có giấy tờ tùy thân nên lúc về nhập cảnh trái phép. Họ đi liều chứ không biết đường, mà địa hình biên giới thì núi đồi liền sông suối phức tạp, lại còn sỏi đá trơn trượt, cây cối rậm rạp... nguy hiểm lắm. Chúng tôi tuần tra dọc tuyến cả đêm cả ngày, nếu phát hiện thì đưa ngay họ vào khu cách ly tập trung theo quy định. Như vậy, vừa là chặn đứng nguy cơ dịch xâm nhập địa bàn, vừa để đảm bảo an toàn cho chính bản thân họ” - Thiếu tá Hà Thanh Nam chia sẻ.

Từ đầu năm đến nay, Đồn biên phòng Pò Hèn đã kịp thời phát hiện, đưa đi cách ly tập trung 14 vụ/18 trường hợp người nhập cảnh trái phép, đảm bảo tốt các yếu tố an toàn phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt là đã bắt, khởi tố 1 vụ/1 đối tượng người nước ngoài có hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Ngoài ra còn có các trường hợp khác vi phạm về vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới... đã bị phát hiện, xử lý kịp thời.

Thiếu tá Hà Thanh Nam gọi điện hỏi thăm gia đình trong giờ nghỉ trưa.
Thiếu tá Hà Thanh Nam gọi điện hỏi thăm gia đình trong giờ nghỉ trưa.

Thiếu tá Hà Thanh Nam quê ở thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội. Vợ và 2 con gái đang sống trong vùng dịch, còn anh thì trực tại đơn vị suốt năm mới được về nhà 1 lần, rồi lại tiếp tục trực chiến tại đơn vị với nhiệm vụ kép: Chống dịch và bảo vệ biên cương. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, anh gọi điện thoại về hỏi thăm gia đình. Cả nhà dù phải xa nhau nhưng vẫn luôn yêu thương, đoàn kết. Nụ cười ấm áp từ hậu phương giúp người lính thêm vững vàng tay súng.

12h45, giờ nghỉ trưa cũng là lúc mà Thiếu tá Đỗ Văn Long, nhân viên Đội phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn biên phòng Pò Hèn, tranh thủ gọi điện về cho gia đình tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Từ ngày địa bàn Hà Nam xuất hiện các ca dương tính, việc học của 2 con gái và vợ bị ảnh hưởng. Cuộc sống cũng bị xáo trộn khi người đàn ông trụ cột gia đình phải ở lại đơn vị suốt nhiều tháng vẫn chưa có dịp về thăm nhà. Những cuộc gặp qua màn hình điện thoại là cách để cả gia đình thêm yên tâm, vơi nỗi nhớ giữa mùa dịch vẫn còn kéo dài.

Thiếu tá Đỗ Văn Long gọi điện hỏi thăm gia đình.
Thiếu tá Đỗ Văn Long tranh thủ thời gian gọi điện hỏi thăm gia đình.

Gắn bó với màu áo lính hàng chục năm, chuyện xa nhà đối với những người lính biên phòng như Thiếu tá Đỗ Văn Long là không thể tránh khỏi. Trải qua liên liếp những đợt cao điểm chống dịch, cũng có lúc, họ không thể giấu nỗi nhớ vợ, thương con. Nhưng hơn hết, các anh hiểu rằng, bản thân cần có lập trường tư tưởng kiên định, rèn luyện sức khỏe tốt, yên tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao... Khi biên cương còn vững vàng, dịch bệnh được chặn đứng từ bên ngoài, thì đó cũng là cách để họ bảo vệ an toàn cho gia đình thân yêu nơi quê nhà.

Sáng nay, Thiếu tá Đỗ Văn Long đã tham gia trực tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, làm nhiệm vụ canh gác không để lọt bất kỳ người nhập cảnh trái phép, trốn tránh cách ly, hoặc phương tiện vi phạm nào xâm nhập địa bàn. Khi đổi ca trực, anh trở về đơn vị và có 2 tiếng rưỡi để ăn trưa và nghỉ trưa. Sau đó, anh tiếp tục cùng tổ công tác tỏa ra các khu dân cư nơi đơn vị đứng chân, làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống dịch.

Đúng 14h, Thiếu tá Đỗ Văn Long chuẩn bị đầy đủ các tài liệu tuyên truyền, rồi lên xe máy di chuyển đến khu dân cư xóm họ Đặng, thôn Pò Hèn. Đối với nhân dân biên giới, những người lính biên phòng đều thân quen, gần gũi như người nhà. Có khó thì cùng giúp, đến ngày lễ tết hội hè lại cùng chung vui. Nhưng không vì thế mà chủ quan, công tác vận động quần chúng luôn được Đồn biên phòng Pò Hèn đẩy mạnh. Phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới được Đồn Biên phòng Pò Hèn thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, cán bộ tuyên truyền của đơn vị sẽ “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, phát tờ rơi tuyên truyền để giúp bà con hiểu rõ về mức độ nguy hiểm và cách phòng, chống dịch Covid-19.

Thiếu tá Hà Thanh Nam gọi điện hỏi thăm gia đình trong giờ nghỉ trưa.
Thiếu tá Đỗ Văn Long tham gia tuyên truyền phòng, chống Covid-19 tại thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn.

Đồn biên phòng Pò Hèn được giao trực tiếp quản lý địa bàn xã Hải Sơn với trên 1.500 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao và Sán Chỉ. Ở đây có địa bàn rừng núi, dân cư thưa thớt, đường biên giới kéo dài... Do đó, những người dân sinh sống dọc theo đường biên giới sẽ là lực lượng quan trọng, tham gia tích cực cùng bộ đội biên phòng để giữ vững địa bàn an toàn. Đến nay, Đồn đã phối hợp vận động 67 hộ dân khu vực biên giới đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc. Người dân được tập huấn cùng bộ đội biên phòng, nên đã có thể xác định rất thuần thục về vị trí các cột mốc, hướng đi của đường biên giới, biển báo, cũng như nhận biết các hành vi vi phạm quy định khu vực biên giới. Từ đó, họ có thể nhanh chóng phát hiện, cung cấp thông tin tố giác về tội phạm buôn lậu, vượt biên, vi phạm phòng chống dịch... cho bộ đội để có kế hoạch đấu tranh kịp thời, hiệu quả.

Nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch được Thiếu tá Đỗ Văn Long trình bày dễ hiểu, dễ nhớ để thuận tiện nhất cho bà con thực hiện. Trong đó tập trung về vấn đề chủ quyền lãnh thổ quốc gia, về Thông điện 5K của Bộ Y tế. Đặc biệt là tại địa bàn biên giới thì cần thực hiện nghiêm 3 không: “Không xuất, nhập cảnh trái phép; không bao che, tiếp tay cho hành vi xuất, nhập cảnh trái phép; không tổ chức, đưa đón người xuất, nhập cảnh trái phép”. Nội dung này cùng với số điện thoại của Đồn được đưa vào trong bản cam kết, giao cho các gia đình để luôn ghi nhớ và thực hiện.

17h30, cơn mưa vừa dứt cũng là lúc Thiếu tá Đỗ Văn Long cùng tổ tuyên truyền kết thúc công việc và trở về đơn vị. Tối nay, anh sẽ lại lên chốt kiểm soát để thay ca trực cho các đồng đội làm nhiệm vụ suốt buổi chiều được về nghỉ ngơi. Kíp trực đêm tức là người lính phải thức trắng canh gác, tập trung cao độ để kiểm soát mọi diễn biến trong khu vực phụ trách khi xung quanh chỉ là một màn đêm đen đặc của núi rừng.

Cứ thế trong đợt cao điểm nghỉ lễ này, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 kéo dài, toàn thể CBCS Đồn biên phòng Pò Hèn càng nỗ lực gấp đôi ngày thường, duy trì lực lượng trực 24/24h tại toàn bộ 10 điểm chốt, kiểm soát chặt dọc tuyến biến giới và toàn bộ đường mòn, lối mở. Công việc mỗi ngày tuy vất vả, nhưng các anh vẫn động viên nhau nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, để một ngày không xa, Covid-19 sẽ được đẩy lùi, cuộc sống an toàn trở lại như trước kia.


Chỉ đạo sản xuất: Thùy Linh

Thực hiện: Nguyễn Chiến - Hoàng Giang

Kỹ thuật đồ họa: Hải Anh


Trực chiến ở Bệnh viện số 2
Từ một bác sĩ làm việc ở Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Phổi Quảng Ninh, tôi được điều động công tác ở Bệnh viện số 2 - nơi tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân mắc SARS-CoV-2.  
   
Những người "tìm bắt" SARS-CoV-2
Những đợt dịch bùng phát căng thẳng, chúng tôi làm thông buổi trưa, thậm chí “xuyên đêm” để kịp thời có kết quả nhanh nhất phục vụ công tác phòng, chống dịch.    
   
"Thanh bảo kiếm" bảo vệ tuyến đường thủy
Tàu neo cố định giống như ngôi nhà, là nơi đi về mỗi khi hết ca trực.    
   
Truyền năng lượng thông tin tích cực để “chống giặc” Covid
Bằng dòng tin nhanh nhất, chính xác nhất, truyền năng lượng thông tin tích cực tạo sức mạnh toàn dân “chống giặc” Covid.