4
18
/
1100197
Trực chiến ở Bệnh viện số 2
longform
Trực chiến ở Bệnh viện số 2

Chúng tôi vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyển 4 bệnh nhân F0 người Philippines đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương theo chỉ đạo của cấp trên. Trong số những bệnh nhân này, có bệnh nhân 294.045 khá nặng. 

Bệnh nhân 294.045 là thuyền viên nhập cảnh, xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2. Ngày 24/8, bệnh nhân xuất hiện khó thở, thở gắng sức nên được chuyển vào Bệnh viện số 2 điều trị. Chỉ sau 4 tiếng vào viện, tình trạng bệnh nhân nặng lên rất nhiều, phải thở máy, lọc máu. Từ đó, kíp bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý chúng tôi túc trực 24/24h, thực hiện chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân. 

Bệnh nhân là người nước ngoài, xa quê hương, người thân. Dù trong tình trạng nằm bất động, nhưng chắc hẳn trong tâm thức anh ấy sẽ cảm thấy rất cô đơn. Bệnh nhân SARS-CoV-2 là như vậy: Một mình chiến đấu với bệnh tật, không có người thân bên cạnh. Đã chăm sóc nhiều bệnh nhân như thế, nên chúng tôi hiểu sự thiệt thòi của bệnh nhân và cố gắng điều trị, chăm sóc tốt nhất cho người bệnh. Một điều may mắn là Quảng Ninh vẫn đang là "vùng xanh" an toàn, chưa có ca lây nhiễm trong cộng đồng, chỉ có số ít ca Covid-19 nhập cảnh, do đó, đội ngũ nhân viên y tế chúng tôi có điều kiện chăm sóc cho bệnh nhân tốt hơn.

Khi có quyết định của cấp trên về chuyển toàn bộ 4 bệnh nhân F0 người Philippines lên tuyến trên, chúng tôi tiếp tục đối mặt với thử thách: Làm sao để di chuyển bệnh nhân 294.045 đi quãng đường xa với máy móc, nhất là máy thở ô xy, máy lọc máu phải luôn bên cạnh; xử lý thế nào với trường hợp bệnh nhân có diễn biến xấu hơn…? Cuối cùng giải pháp đặt ra là “diễn tập”: Chúng tôi thực hiện như thật quá trình đưa bệnh nhân từ phòng hồi sức cấp cứu vào thang máy rồi lên ô tô; căn giờ thực hiện và tính toán lượng ô xy cần thiết để khi chuyển bệnh nhân đi, phải rút máy thở, lọc máu..., bệnh nhân vẫn an toàn. Sau khi làm đi làm lại, đưa ra các giải pháp tối ưu, cuối cùng, chúng tôi đã chuyển bệnh nhân 294.045 lên tuyến trên an toàn.

 Chiều tối ngày 31/8 

Bệnh viện số 2 không còn bệnh nhân F0.

Ngày hôm sau, anh em nhân viên y tế chúng tôi bước sang hoàn thiện hồ sơ, bệnh án... và chuẩn bị cho đợt cách ly 14 ngày sau khi tham gia điều trị F0. Anh em tranh thủ đọc sách, cắt tóc cho nhau. 

Từ khi có Covid-19, việc vào-ra Bệnh viện số 2 trở nên thường xuyên hơn đối với tôi. Thông thường một đợt điều trị cho bệnh nhân kéo dài hơn 1 tháng, thậm chí 2,3 tháng nếu có nhiều bệnh nhân ra, vào liên tục. Sau mỗi đợt điều trị ấy, tôi được chuyển ra khu cách ly 14 ngày, sức khoẻ bình thường, âm tính với SARS-CoV-2, lại tiếp tục quay lại Bệnh viện, tham gia đợt điều trị mới.

Đã lâu rồi, chúng tôi gần như không có ngày nghỉ lễ, Tết. Như đợt Tết Nguyên đán vừa rồi, chúng tôi ở hẳn trong Bệnh viện số 2 và quay cuồng trong công việc điều trị cho 74 ca F0 và hơn 200 người là F1. Đợt dịch bùng phát ở Vân Đồn, Đông Triều khi ấy khiến cho Bệnh viện số 2 “full” giường. Bệnh nhân có cả người già, trẻ em, phụ nữ. Hầu như ai cũng lo lắng vì lần đầu tiên đối mặt với con virus quái ác SARS-CoV-2. Lại thêm việc đi viện đúng vào ngày Tết cổ truyền, nhà cửa bỏ lại, gia đình, người thân không bên cạnh nên nhiều bệnh nhân nóng ruột, lo lắng. Cùng với việc điều trị các triệu chứng cho bệnh nhân, chúng tôi gần gũi, trò chuyện, sẻ chia với họ, giúp họ vơi bớt nỗi lo thường trực.

Tôi cùng các đồng nghiệp làm việc liên tục 3 tháng trong bệnh viện, đến tháng 4 mới ra ngoài cách ly, sau đó nghỉ ngơi ít ngày rồi quay trở lại bệnh viện, tiếp tục guồng quay công việc.

 Ngày 2/9 

Hôm nay là Quốc khánh. Chúng tôi vừa nhận được lời động viên, thăm hỏi của Ban Giám đốc Bệnh viện. Mọi người chúc mừng nhau, mừng vì giờ này bệnh viện không còn ca F0. Vậy mà chỉ một lúc sau, chúng tôi nhận được thông tin ghi nhận 1 thuyền viên tàu NEW GOLD từ Philippines vào cảng Hòn Gai, dương tính SARS-CoV-2, hiện đang làm thủ tục nhập cảnh để vào điều trị tại Bệnh viện số 2.

Vậy là chỉ sau 1 ngày không còn F0, Bệnh viện số 2 lại sẵn sàng để đón nhận ca bệnh mới.

Những ca F0 bất ngờ đến đã không còn là điều lạ với anh em nhân viên y tế. Mỗi đợt điều trị cho bệnh nhân F0 có thể là 1 tuần, nửa tháng, có khi rất lâu, tuỳ thuộc vào tình trạng của người bệnh. Có người không có triệu chứng, có người chỉ ho, sốt nhẹ, nhưng cũng có người vừa vào viện vài tiếng là đã nguy kịch nếu không được can thiệp kịp thời.

Vậy là chỉ còn vài tiếng nữa, chúng tôi lại vào “cuộc chiến” mới. Tranh thủ ít thời gian nghỉ ngơi, mấy anh em cùng gọi điện thoại về nhà. Bây giờ điều kiện thông tin rất tốt, gia đình, anh em có thể kết nối qua màn hình điện thoại chỉ sau vài giây bấm máy. Nhìn thấy nhau, trò chuyện với nhau, biết mọi người ở nhà vẫn khoẻ là chúng tôi thêm phần yên tâm làm việc. Ở trong Bệnh viện phải tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19, nguy cơ lây nhiễm cao, có khi đông bệnh nhân phải làm việc từ 10-12 tiếng liên tục không nghỉ, nhưng tất cả chúng tôi đều được người nhà ủng hộ, động viên, chăm lo mọi việc ở nhà để chúng tôi yên tâm công tác. Sự hậu thuẫn tuyệt vời của gia đình khiến chúng tôi bớt đi áp lực, toàn tâm toàn ý chăm lo cho người bệnh.

Chúng tôi lại vừa nhận thêm một bệnh nhân Covid-19, là một lái xe tải từ Tiền Giang ra Móng Cái. Vậy là trong bệnh viện có 2 F0. Anh em chúng tôi đùa nhau: “Lại chưa biết ngày nào được ra viện rồi”.

Quảng Ninh là tỉnh thực hiện rất tốt công tác phòng, chống dịch; đã hơn 2 tháng nay địa bàn an toàn, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, chỉ có ca nhập cảnh. Niềm vui này lan toả tới mọi người, mọi nhà. Chúng tôi cũng vậy. Số lượng F0 ít nên nhân viên y tế giảm được áp lực công việc, có thời gian, điều kiện chăm sóc bệnh nhân tốt hơn; trang thiết bị y tế để điều trị cho họ cũng luôn sẵn sàng, không bị thiếu thốn. Ở trong bệnh viện, chúng tôi thấu hiểu hơn hết nỗi vất vả của nhân viên y tế và cả các bệnh nhân. Vì vậy, khi mỗi ngày cập nhật tin tức về tình hình dịch Covid-19, đặc biệt là thông tin ở các tỉnh phía Nam, chúng tôi rất cảm phục sự hi sinh, vất vả của cá đồng nghiệp. Mỗi khi có thời gian gọi điện về nhà, chúng tôi không quên nhắc nhở gia đình, người thân phải luôn chú ý thực hiện tốt, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Mỗi người là một "pháo đài" chống dịch sẽ góp phần đẩy lùi dịch bệnh, góp phần giúp chúng tôi sớm được về nhà.

Nếu giờ có người hỏi: Ở trong Bệnh viện số 2, điều chúng tôi mong muốn nhất là gì? Chắc chắn bất kỳ ai, dù là nhân viên y tế hay bệnh nhân, sẽ đều có câu trả lời giống nhau: Muốn được về nhà.

Nếu được về nhà, bác sĩ Nguyễn Đức Đợi sẽ được bế và chơi với bé con mà khi bé ra đời, anh đang làm nhiệm vụ ở Bệnh viện số 2, không thể ở bên cạnh vợ, con. Nếu Covid-19 không xuất hiện, chắc chắc bác sĩ Đỗ Thị Băng Ngân đã “yên bề gia thất” mà không phải hoãn cưới tới 3 lần để xung phong điều trị cho bệnh nhân. Còn bác sĩ Nguyễn Chí Viễn sẽ không phải tổ chức ăn hỏi theo cách đặc biệt: Gia đình hai bên tổ chức ăn hỏi nhưng anh và vợ chưa cưới (cũng làm trong ngành Y tế) tham dự “online”, bởi cả hai đều đang tham gia điều trị bệnh nhân Covid. Còn tôi, cũng rất mong được về nhà, bởi tôi dự định sau đợt điều trị này, khi được về nhà cũng sẽ tổ chức lễ ăn hỏi. Chúng tôi chờ ngày này cũng lâu rồi...

Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh trôi qua nhanh chóng. Ngày Khai giảng, đồng nghiệp của tôi gọi điện thoại về dặn dò, nhắc nhở con đến trường đúng giờ. Covid-19 đã lấy đi quá nhiều thứ, kể cả những điều đơn giản nhất của mỗi bậc phụ huynh: Được đưa con tới trường đón chào năm học mới. 

Sáng 5/9, học sinh toàn tỉnh Quảng Ninh được đến trường dự lễ khai giảng. Đây là niềm hạnh phúc, một sự bình an hiện hữu mà không phải nơi nào cũng có được kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện trên thế giới này.

Nhìn ra khuôn viên bệnh viện, chúng tôi cảm nhận được sự giao mùa. Mùa khai trường, mùa thu đến. Trời cao và trong xanh hơn; gió thổi nhẹ hơn. Bước vào khu cách ly đặc biệt điều trị bệnh nhân Covid-19, tôi nhắc mình tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong trận chiến đánh "giặc Covid", để góp một phần tô màu cho tỉnh thêm "xanh"...


Chỉ đạo sản xuất: Lan Hương

Thực hiện: Hoàng Quý - Hùng Sơn

Kỹ thuật đồ họa: Hùng Sơn


Những người "tìm bắt" SARS-CoV-2
Những đợt dịch bùng phát căng thẳng, chúng tôi làm thông buổi trưa, thậm chí “xuyên đêm” để kịp thời có kết quả nhanh nhất phục vụ công tác phòng, chống dịch.    
   
Siết chặt "vành đai thép" trên biên giới
Khi biên cương vững vàng, dịch bệnh được chặn đứng từ bên ngoài, thì đó cũng là cách để họ bảo vệ an toàn cho gia đình thân yêu nơi quê nhà.   
   
"Thanh bảo kiếm" bảo vệ tuyến đường thủy
Tàu neo cố định giống như ngôi nhà, là nơi đi về mỗi khi hết ca trực.    
   
Truyền năng lượng thông tin tích cực để “chống giặc” Covid
Bằng dòng tin nhanh nhất, chính xác nhất, truyền năng lượng thông tin tích cực tạo sức mạnh toàn dân “chống giặc” Covid.  

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu