4
18
/
1100196
Những người "tìm bắt" SARS-CoV-2
longform
Những người "tìm bắt" SARS-CoV-2

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh là đơn vị y tế tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước được cấp phép thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR và xét nghiệm khẳng định từ tháng 3/2020. Sau khi được tỉnh đầu tư, trang sắm thêm thiết bị, CDC Quảng Ninh hiện có thể xét nghiệm được 5.000-6.000 mẫu/ngày.

Chị Trần Thị Làn

Sinh năm 1985

Sống tại TP Hạ Long

Kỹ thuật viên Khoa Vi sinh - Huyết học, CDC Quảng Ninh

 6:00 

Tôi thường thức dậy lúc 6 giờ sáng. Sau khi chuẩn bị đồ ăn sáng cho các con, tôi rời nhà vào lúc 6 giờ 40 phút để bắt đầu một ngày làm việc.

Do vậy, mọi công việc còn lại trong gia đình tôi đều do chồng làm thay, các con cũng tự giác hơn khi biết mẹ bận rộn công việc. Đó là nguồn động viên, chia sẻ rất lớn khi mà gần 2 năm qua lịch làm việc của tôi thường xuyên thay đổi, đi sớm, về muộn. Không những vậy, chồng và hai con tôi luôn thấy tự hào về công việc mà tôi đã lựa chọn.

 7:00 

Dù có hay không những làn sóng dịch bệnh thì tôi cùng 16 nhân viên y tế của Khoa Vi sinh - Huyết học của mình đã dần quen với việc bắt đầu công việc sớm hơn quy định từ 30-40 phút để chuẩn bị cho việc đón tiếp người dân đến xét nghiệm; chuẩn bị đồ dùng phòng hộ, dụng cụ xét nghiệm; báo cáo công việc.

Tôi đã quen với việc bắt đầu công việc sớm hơn quy định từ 30-40 phút.

Và trong gần 2 năm qua, công việc chính của chúng tôi đều xoay quanh thực hiện xét nghiệm Covid-19.

Ngày làm việc hôm nay đúng dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 nên Khoa chỉ có một nửa nhân lực làm việc. Tôi được phân công làm ngày 2 và 3/9.

Nếu như trước khi có dịch Covid-19, có lẽ tôi cũng sẽ thấy hụt hẫng khi bỏ lỡ ngày nghỉ lễ cùng gia đình. Nhưng gần 2 năm qua thì kỳ nghỉ lễ, Tết nào trong năm cũng trở nên “xa xỉ” với tôi và các đồng nghiệp. Bởi hơn lúc nào hết, mọi người đều ngóng chờ những tin tức an toàn sau mỗi mẫu xét nghiệm mà chúng tôi thực hiện. Đi làm vào những ngày lễ trong thời điểm dịch bệnh quả thực tôi lại cảm thấy vô cùng trách nhiệm và thiêng liêng.

Hôm nay là ngày lễ nên không có quá nhiều người dân chờ xét nghiệm dịch vụ hay những cuộc điện thoại thúc giục trả kết quả xét nghiệm, tôi cho phép mình ăn thật ngon chiếc bánh mì cho bữa sáng.

 7:30 

Khi bắt đầu công việc thì khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ là những vật bất ly thân với chúng tôi. Bởi đây là loại virus lây lan nhanh nên đòi hỏi công tác phòng hộ vô cùng quan trọng. Được trang bị đồ phòng hộ tốt nhất nên tôi vô cùng yên tâm khi chiến đấu với “kẻ thù giấu mặt” SARS-CoV-2 luôn rình rập.

Cũng như mọi ngày, tôi và 2 đồng nghiệp bắt đầu làm việc ở phòng tách chiết RNA. Các mẫu bệnh phẩm này thuộc danh sách ưu tiên trong chương trình phòng, chống dịch được gửi từ các địa phương Hạ Long, Hải Hà, Móng Cái, Bình Liêu, Ba Chẽ... Mỗi khi mẫu về đến Trung tâm, bất kể đêm ngày, mỗi người mỗi việc như đã lập trình sẵn, chúng tôi nhanh chóng bắt tay vào công việc.

Ngoài phòng tách chiết RNA, chúng tôi còn có phòng khuếch đại (chạy máy Realtime-PCR), phòng pha mix (pha hóa chất, sinh phẩm làm môi trường để xét nghiệm Covid-19). Ba phòng này được tạo thành khu vực xét nghiệm sinh học phân tử đạt mức an toàn sinh học cấp II, nơi chúng tôi có hệ thống xét nghiệm Realtime-PCR để xét nghiệm Covid-19.

Công việc tại phòng tách chiết RNA.

Các mẫu bệnh phẩm xét nghiệm được đưa vào và ra theo 1 chiều nhằm tránh lây nhiễm chéo. Các mẫu bệnh phẩm dù có kết quả âm tính hay dương tính đều được xử lý bằng cách hấp trong nồi hấp ướt ở nhiệt độ 120 độ C trong 30 phút trước khi đưa vào hệ thống xử lý chất thải chung lĩnh vực y tế.

 7:45 

Sau khi thực hiện kiểm tra, rà soát và quét mã code các ống mẫu bệnh phẩm trên hệ thống phần mềm quản lý xét nghiệm và chuẩn bị xong các sinh phẩm, hóa chất, chúng tôi bắt tay vào công đoạn tách chiết trong tủ an toàn sinh học cấp II. Kỹ thuật viên phải làm động tác hút dung dịch trong ống mẫu bệnh phẩm rồi phối trộn với hóa chất liên tục. Ở công đoạn này, tôi trực tiếp tiếp xúc với mẫu bệnh phẩm mà chưa biết mẫu đó có virus SARS-CoV-2 hay không.

Công đoạn hút dung dịch trong mẫu bệnh phẩm tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.

Có thể khi nhắc tới việc tiếp xúc với mẫu bệnh phẩm thì nhiều người rất lo sợ. Nhưng với những nhân viên y tế đã được đào tạo bài bản, tập huấn kỹ càng thì không riêng với virus SARS-CoV-2, mà nhiều virus nguy hiểm khác trước đây đều được chúng tôi tách chiết trong tủ an toàn sinh học một cách an toàn nhất. Bởi mỗi khâu, mỗi bước trong quy trình xét nghiệm SARS-CoV-2 theo khung tiêu chuẩn ISO 15189:2012 nên không thể xảy ra sai sót.

Sau khi phối trộn bệnh phẩm và hóa chất xong thì sẽ đưa các mẫu này vào trong máy tách chiết tự động, với thời gian chạy máy trong 30 phút. Máy tự động tách chiết nhằm làm ly giải các vật chất mô, tế bào, protein (trong mẫu bệnh phẩm), làm kết tủa, lọc để chắt được RNA sạch.

Máy tách chiết tự động.

Còn nhớ những ngày đầu triển khai xét nghiệm Covid-19 do chưa có máy tách chiết ARN tự động nên bước này các kỹ thuật viên thực hiện bằng tay tại buồng an toàn sinh học cấp II. Đây cũng là bước nguy hiểm nhất do phải tiếp xúc với nguồn lây nhiễm. Trong khi đó, mỗi mẫu phẩm phải qua 16 bước điều chế. Do đó, thời gian tách chiết thủ công rồi mới chạy mẫu phải mất 4-5 giờ đồng hồ và cũng có thể nhiều hơn thời gian như vậy khi lượng mẫu về nhiều. Được sự quan tâm đầu tư của các cấp lãnh đạo nên chúng tôi hiện đã có 5 máy tách chiết tự động vừa đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, vừa nâng cao được công suất xét nghiệm.

 8:30 

Trong 1 giờ đồng hồ, 64 mẫu gộp 5 đã được tách chiết xong và được đưa vào cửa giao nhận sang khu vực khuếch đại (chạy máy Realtime-PCR) theo quy trình 1 chiều để tránh lây nhiễm chéo.

2 khu vực tách chiết và khuếch đại tách biệt với nhau, nếu muốn sang khu vực khuếch đại thì tôi phải thay quần áo bảo hộ mới.

Việc tiếp nhận các mẫu tách chiết sang khu vực khuếch đại (chạy máy Realtime-PCR) đảm bảo quy trình 1 chiều.

Lúc này, đồng nghiệp của tôi sẽ tiếp tục thực hiện tiếp khâu tra mẫu trong phòng khuếch đại. Sau đó, các mẫu bệnh phẩm tiếp tục được đưa vào máy Realtime-PCR.

Hiện chúng tôi cũng đã được đầu tư 6 máy Realtime-PCR nên công suất xét nghiệm được nâng cao tới 5.000-6.000 mẫu/ngày.

CDC Quảng Ninh có 6 máy Realtime-PCR với công suất xét nghiệm 5.000-6.000 mẫu/ngày.

Khi có máy móc hỗ trợ, áp lực đối với chúng tôi được giảm bớt. Nhưng không vì thế mà mọi người lơ là, chủ quan. Bởi tôi và đồng nghiệp của mình - những người “bắt” virus SARS-CoV-2 hiểu hơn ai hết sự nguy hiểm của chúng.

 10:30 

Sau 2 giờ, máy Realtime-PCR đã chạy xong. Nhân viên xét nghiệm sẽ nhận phần kết quả từ máy Realtime-PCR kết nối với máy tính để phân tích trường hợp nào âm tính hay dương tính với virus SARS-CoV-2.

Kết quả xét nghiệm được kết nối trực tiếp với máy tính.

Sau đó, kíp làm các thủ tục xác nhận kết quả trên phần mềm, gửi cho trưởng khoa và lãnh đạo CDC ký duyệt bằng chữ ký số, cuối cùng là khâu trả kết quả cho các đơn vị gửi mẫu xét nghiệm.

Như vậy từ lúc tiếp nhận bệnh phẩm đến khi trả kết quả đã giảm xuống còn 3-4 giờ; trước kia từ 6-7 giờ.

 11:00 

Sau khi khử khuẩn, thay đồ bảo hộ, tôi sẽ ra khu vực hành chính để trả kết quả cho các đơn vị gửi mẫu xét nghiệm qua phần mềm.

Nếu như vào ngày thường, tôi tiếp tục có mặt ở khu vực tiếp nhận người dân đến xét nghiệm dịch vụ để trực tiếp lấy mẫu bệnh phẩm. Riêng với mẫu bệnh phẩm từ các đơn vị y tế địa phương gửi về thì chúng tôi không phải lấy mẫu bệnh phẩm mà chỉ làm xét nghiệm.

Là đơn vị y tế dự phòng tuyến tỉnh, ngoài xét nghiệm Covid-19 thì Khoa Vi sinh - Huyết học của chúng tôi còn đảm đương rất nhiều công việc khác như xét nghiệm máu, nước tiểu; xét nghiệm tế bào chẩn đoán ung thư cổ tử cung; xét nghiệm về da liễu, xét nghiệm HIV, sởi, rubella, sốt xuất huyết, não mô cầu...; xét nghiệm nước, môi trường, an toàn thực phẩm. Do đó, tôi cũng tham gia làm các xét nghiệm này.

 12:00 

Chúng tôi không có giờ ăn cố định, ai xong việc lúc nào ăn lúc đấy. Làm công việc xét nghiệm, tôi và các đồng nghiệp cũng quen rồi, dù không có dịch Covid-19 cũng khó tránh khỏi những lúc ăn cơm muộn.

Bữa cơm trưa vội vã của các nhân viên y tế CDC Quảng Ninh.

Trong thời điểm Quảng Ninh ở “vùng xanh” như hiện nay, mọi người có khoảng 1 tiếng để nghỉ trưa.

Còn những đợt dịch bùng phát căng thẳng, chúng tôi làm thông buổi trưa, thậm chí “xuyên đêm” để kịp thời có kết quả nhanh nhất phục vụ công tác phòng, chống dịch.

 13:00 

Chúng tôi bắt đầu làm việc buổi chiều.

Ngoài làm công tác chuyên môn, chúng tôi còn phải nắm rõ các phần mềm công nghệ thông tin để kết nối, ứng dụng trong quản lý các mẫu xét nghiệm Covid-19. Chúng tôi hiện đã triển khai, ứng dụng phần mềm quản lý mẫu Covid-19 ở khâu nhận mẫu và trả kết quả xét nghiệm.

Nhập số liệu các mẫu bệnh phẩm vào hệ thống phần mềm.

Trong thời gian này, tôi tiếp tục nhập số liệu các mẫu bệnh phẩm được gửi về từ các đơn vị vào hệ thống phần mềm. Đồng thời trả kết quả xét nghiệm qua phần mềm có kết nối Internet tới các đơn vị gửi mẫu.

 14:00 

Sau khi đồng nghiệp đã xử lý xong phần tách chiết RNA, tôi tiếp tục làm việc ở khâu khuếch đại (chạy máy PCR) để xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm cho dịch vụ xét nghiệm Covid-19.

Chúng tôi hiện chia các khung giờ: 10h, 14h, 19h để làm dịch vụ xét nghiệm Covid-19.

Với 17 cán bộ nhân viên ở khoa chúng tôi, khi có bất cứ kỹ thuật mới nào được triển khai thì mọi người đều được tập huấn, đào tạo. Do đó khi triển khai xét nghiệm Covid-19, tất cả nhân viên y tế của Khoa Vi sinh - Huyết học đều có thể đảm đương ở mọi khâu xét nghiệm Covid-19. Nhờ vậy, chúng tôi có thể luân phiên thay ca sao cho có kết quả sớm, chính xác nhất.

Hầu hết các cán bộ, nhân viên đều có thể đảm đương mọi khâu trong công tác xét nghiệm.

Việc có kết quả xét nghiệm nhanh chóng, chính xác không những giúp các lực lượng bên ngoài nhanh chóng triển khai các phương pháp cách ly ngay từ những giờ đầu và điều trị hiệu quả cho bệnh nhân mà còn góp phần chia sẻ với nỗi mong đợi của bác sĩ, gia đình bệnh nhân và sự lo lắng của cả cộng đồng.

 17:00 

Hôm nay, ngoài trực lễ thì tôi còn có ca trực đêm. Trong ca trực đêm, chúng tôi chỉ có 2 người làm việc. Mỗi người thường trực ca đêm từ 1-2 buổi trong tuần.

Dù thường xuyên vắng nhà nhưng chồng và các con luôn là chỗ dựa vững chắc cho tôi.

Ở nhà lúc này, chồng và 2 con của tôi cũng dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm cho bữa tối. Vì mẹ vắng nhà nên cô con gái 11 tuổi cũng thường xuyên giúp bố nấu cơm, rửa bát; còn con trai út 8 tuổi cũng luôn tự giác học bài. Có nhiều đêm nhớ mẹ hai chị em lại ngồi vẽ tranh về mẹ và chụp ảnh rồi nhờ bố gửi qua điện thoại để động viên. Bởi vậy, tôi thực sự yên tâm hơn khi làm việc.

 21:00 

Có mẫu nguy cơ cao, thuộc danh sách ưu tiên cần khẳng định kết quả để có biện pháp khoanh vùng, xử lý kịp thời nên chỉ có 1 mẫu hay nhiều mẫu chúng tôi cũng phải làm ngay. Danh sách “ưu tiên” càng dài, áp lực của nhân viên xét nghiệm càng lớn.

Khu vực xét nghiệm luôn hoạt động bất kể ngày, đêm.

Lúc này, chỉ có 2 nhân viên y tế trực tại Khoa nên chúng tôi sẽ làm tất cả các công đoạn từ nhận mẫu, tách mẫu đến tra mẫu, chạy mẫu, đọc kết quả và cuối cùng là trả kết quả.

Mặc dù là 1 mẫu nhưng thời gian để ra kết quả cũng chỉ giảm 15-30 phút so với làm mấy chục mẫu.

 0:30 

Lúc này, mẫu bệnh phẩm đã có kết quả âm tính. Mọi người đều thở phào nhẹ nhõm và kết quả cũng được nhanh chóng thông báo cho các đơn vị.

 1:00 

Tôi cũng tranh thủ chợp mắt, nghỉ ngơi. Nhưng có thể chỉ vừa mới chợp mắt thiu thiu ngủ, nhận cuộc gọi khẩn cấp, chúng tôi lại bật dậy xử lý công việc ngay.

Khi làm đêm, nhiều lúc “thèm” ngủ quá, tôi thường tận dụng khoảng thời gian 20- 30 phút giữa các công đoạn để ra một góc ngủ thêm, có chuông báo lại bật dậy làm tiếp. Hay cách khác là chúng tôi hay dùng là uống cà phê để tỉnh táo hơn.

Nhớ nhất đợt dịch Covid-19 bùng phát năm 2020, nhu cầu xét nghiệm lớn bởi lúc đó, chúng tôi là đơn vị duy nhất trong tỉnh được phép xét nghiệm Covid-19. Ca làm việc của chúng tôi thường xuyên “thông trưa” hay “xuyên đêm”, kéo dài 8-10 giờ.

Các nhân viên y tế CDC Quảng Ninh tiếp nhận mẫu xét nghiệm từ Bắc Giang trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh của tỉnh bạn.

Ngay cả đợt bùng phát và lây lan dịch Covid-19 đầu năm 2021 ở Quảng Ninh, có ngày kỷ lục, chúng tôi làm tới 4.000-5.000 mẫu bệnh phẩm. Thời điểm đó, dịch xảy ra trong thời điểm Tết Nguyên đán, hầu như cán bộ của Khoa không có Tết, ngày đêm cuốn vào guồng quay của công việc, sẵn sàng ứng trực, để thời gian sum họp với những người thân, gia đình ở lại phía sau.

Tháng 5/2021 khi dịch bệnh bùng phát ở tỉnh Bắc Giang, CDC Quảng Ninh cũng đã hỗ trợ CDC Bắc Giang làm xét nghiệm Covid-19, có ngày làm đến 3.000 mẫu nhằm giảm tải cho tỉnh bạn. Dù chỉ góp phần nhỏ bé nhưng tôi và các đồng nghiệp của mình cảm thấy rất vui và tự hào.

Mỗi ngày trôi qua, trút bỏ bộ áo quần bảo hộ xuống, điều làm tôi vui nhất đó là những kết quả âm tính đầy hy vọng. Chúng tôi trở về với tổ ấm của mình thấy trong lòng nhẹ nhàng hơn bởi đã được đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào bảo vệ tỉnh ở “vùng xanh” an toàn. Đó cũng là động lực để mỗi nhân viên y tế chúng tôi quyết tâm đẩy lùi đại dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giúp xã hội tốt đẹp hơn.

Ngày làm việc của các cán bộ, nhân viên y tế CDC Quảng Ninh

Chỉ đạo sản xuất: Hoàng Quý

Thực hiện: Nguyễn Hoa

Ảnh - Clip - Kỹ thuật đồ họa: Đỗ Quang


Trực chiến ở Bệnh viện số 2
Từ một bác sĩ làm việc ở Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Phổi Quảng Ninh, tôi được điều động công tác ở Bệnh viện số 2 - nơi tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân mắc SARS-CoV-2.  
   
Siết chặt "vành đai thép" trên biên giới
Khi biên cương vững vàng, dịch bệnh được chặn đứng từ bên ngoài, thì đó cũng là cách để họ bảo vệ an toàn cho gia đình thân yêu nơi quê nhà.   
   
"Thanh bảo kiếm" bảo vệ tuyến đường thủy
Tàu neo cố định giống như ngôi nhà, là nơi đi về mỗi khi hết ca trực.    
   
Truyền năng lượng thông tin tích cực để “chống giặc” Covid
Bằng dòng tin nhanh nhất, chính xác nhất, truyền năng lượng thông tin tích cực tạo sức mạnh toàn dân “chống giặc” Covid.  

.

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu