4
18
/
1100188
Truyền năng lượng thông tin tích cực để “chống giặc” Covid
longform
Truyền năng lượng thông tin tích cực để “chống giặc” Covid

Dịp nghỉ lễ 2-9 năm nay hòa cùng với không khí thi đua 100 ngày, đêm của hàng nghìn công nhân trên các công trường xây dựng 3 dự án trọng điểm của tỉnh, cùng hiệu lệnh vào ca sản xuất của hàng nghìn thợ mỏ vùng than Uông Bí, Cẩm Phả, Đông Triều, Hạ Long, chúng tôi một lực lượng tuyến đầu quyết tâm góp phần để giữ bằng được vùng “xanh”, địa bàn an toàn, bằng dòng tin nhanh nhất, chính xác nhất, truyền năng lượng thông tin tích cực tạo sức mạnh toàn dân “chống giặc” Covid.

Gần cuối buổi chiều ngày 2-9, nhận thông tin CDC Quảng Ninh vừa tiếp nhận các mẫu xét nghiệm từ một tàu biển chuẩn bị cập cảng Quảng Ninh để làm hàng có các thuyền viên là người nước ngoài có khả năng nhiễm Covid-19, Nguyễn Trang, Thanh Tùng, Nguyễn Soái - kíp phóng viên “chiến trường” trong “cuộc chiến chống giặc Covid-19” của Phòng Thời sự (Trung tâm truyền thông tỉnh) lập tức đến CDC để có được thông tin sớm, chuẩn xác về kết quả xét nghiệm, cũng như muốn ghi lại hình ảnh ngày làm việc trong dịp nghỉ lễ Tết độc lập đặc biệt 2021 của các “chiến sĩ” CDC Quảng Ninh. Đối với Tùng, Trang, Soái hay hơn 100 phóng viên của Trung tâm truyền thông tỉnh việc sẵn sàng đồ nghề lên đường tác nghiệp bất kể nơi đâu khi có thông tin về tình hình dịch bệnh đã là việc thường trực đối với các đồng nghiệp của tôi trong 4 mùa dịch qua. Vì vậy, ngày nghỉ lễ đón Tết Độc lập năm nay đối với chúng tôi vẫn là những ngày tác nghiệp cùng cả tỉnh căng mình phòng chống, quyết tâm giữ bằng được “tỉnh xanh” an toàn.

Kíp phóng viên Tùng, Trang, Soái phỏng vấn cán bộ làm nhiệm vụ xét nghiệm tại Trung tâm CDC Quảng Ninh.

Vừa mặc đồ bảo hộ để vào tác nghiệp tại khu vực làm mẫu của các kỹ thuật viên, Thanh Tùng kể: Mặc bộ đồ chống dịch này tác nghiệp trong nhà là thoải mái lắm rồi, chứ hồi đầu năm 2021 khi “cắm chốt” ở vùng dịch Đông Triều, ngày nào cũng mặc bộ quần áo bảo hộ cùng các lực lượng chức năng đi truy vết, lấy mẫu hàng nghìn trường hợp F1, F2, F3 và F4, dù là thời tiết mùa đông nhưng cảm giác như mình đang quấn vài cái chăn bông trên người. Mồ hôi ướt đẫm quần áo, chảy xuống giày lép bép như đã ngâm nước cả ngày. Có tuần đi theo đoàn cả ngày, đêm mình tụt mood xuống mức thấp nhất, mệt đứt hơi, lúc đó đuối thực sự luôn nhưng nhiệm vụ cơ quan giao, như người lính trên chiến trường, nhiệm vụ của mình là thông tin truyền về cơ quan phải nhanh nhất, vì vậy lúc nào dừng nghỉ lại tranh thủ mở máy tính gõ tin gửi về. Có lúc trong điều kiện không thể ngồi mở máy tính gõ được, mình vừa đi vừa nói qua điện thoại cho biên tập viên ở cơ quan soạn lại hộ.

PV Thanh Tùng và Thành Công chụp ảnh trước khi tác nghiệp xuyên đêm ở tâm dịch Đông Triều.

Thời điểm đó Đông Triều bùng phát số lượng ca F0 liên quan đến nhà máy ở Chí Linh (Hải Dương) nhiều nên một ngày làm việc của các lực lượng truy vết có thể kéo dài tới 20 tiếng đồng hồ. Ở trong tâm dịch mình biết vòng ngoài rất lo lắng, mong ngóng thông tin từng giờ, từng phút nên khi lực lượng truy vết chưa nghỉ thì mình cũng không dám nghỉ. Thật hạnh phúc là những thông tin mình và các đồng nghiệp chuyển về từ tâm dịch Đông Triều luôn nhanh, chính xác, định hướng dòng thông tin về dịch bệnh xảy ra thời điểm đó, góp phần rất quan trọng vào việc làm chủ thông tin cả trên báo chí chính thống và trên không gian mạng của tỉnh không gây hoang mang trong nhân dân.

PV Nguyễn Trang tác nghiệp ngay trên xuồng cao tốc trước khi ra khu vực neo đậu của các tàu biển quốc tế tại phao số 0.

Vừa nghe Tùng kể, tôi vừa quan sát Trang thuần thục mặc bộ quần áo bảo hộ y tế. Là phóng viên nữ nhưng cô ấy dường như có tinh thần “chiến binh” rất mạnh trong cuộc chiến chống giặc covid này. Từ năm 2020 đến nay trải qua 4 đợt dịch thì cả 4 đợt cô ấy đều đã tác nghiệp ở tâm dịch. Lần gần đây nhất khi kíp của Trang tác nghiệp tại tàu Hony World – tàu đang neo đậu tại phao số 0 để chuẩn bị cập Cảng Quảng Ninh thì phát hiện trên tàu có các thủy thủ mắc Covid-19. Xuyên đêm cùng các kiểm dịch viên của Trung tâm Y tế quốc tế lấy mẫu tại tàu là thử thách tinh thần “chiến binh” của Trang. Bởi ai cũng biết đợt dịch lần thứ 4 này với biến chủng Delta nguy cơ lây là rất lớn nếu không thuần thục các biện pháp vừa tác nghiệp vừa tuân thủ các quy trình phòng chống dịch khi tiếp xúc với số thủy thủ trên tàu.

Quay phim Lý Cường leo thang dây lên tàu biển quốc tế để thực hiện ghi hình.

“Hôm đó là đêm 24/7, mình cùng phóng viên quay phim Lý Cường được cùng đoàn kiểm dịch viên quốc tế thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và đưa các F0 về bệnh viện điều trị. Hình dung con tàu chở hàng xuyên đại dương lừng lững như tòa nhà 5 – 6 tầng, trong đêm tối mặc quần áo bình thường leo đã khó rồi, giờ còn bộ đồ bảo hộ y tế trên người, thang dây thì đung đưa leo rất khó, ngửa mặt nhìn lên thì boong tàu vẫn vời vợi phía trên, cúi nhìn xuống thì biển hun hút thăm thẳm phía dưới, lúc đó mình không dám nghĩ gì, cứ cắm đầu cắm cổ bám chắc thang lên từng nấc, từng nấc. Hành trình đu thang đã là một thử thách rồi, lên tàu còn là tình huống tác nghiệp nguy hiểm hơn gấp trăm lần những lần trước. Bởi với số lượng thuyền viên bị nhiễm nhiều như vậy rất có thể cả con tàu là một ổ virut khổng lồ của biến chủng Delta. Mình thận trọng từng bước chân, tuyệt đối tuân thủ các quy trình theo hướng dẫn của các kiểm dịch viên để hỗ trợ cho bạn quay phim thực hiện nhiệm vụ theo đoàn. Gần sáng công việc lấy mẫu của đoàn cũng xong, kíp của mình thu được thành quả là phóng sự thực sự chân thực và xúc động về sự vất vả thầm lặng của lực lượng kiểm dịch viên quốc tế, cũng như những giải pháp thặt chặt rất quyết liệt của tỉnh trong ngăn chặn dịch từ tuyến biển” – Trang kể về chuyến tác nghiệp xuyên đêm của mình cũng giống như hàng trăm chuyến tác nghiệp khác của cô ấy trong gần 2 năm qua mà tôi đã phần nào chứng kiến và đồng hành.

Có những lúc tưởng như tai nạn nghề nghiệp đã rơi trúng vào cô ấy. Đó là chuyến Trang tham gia tác nghiệp phản ánh công tác truy vết 7 F0 là du khách nước ngoài tham quan vịnh Hạ Long đầu năm 2020. Cả ngày đi làm theo đoàn, tối về Trang có biểu hiện của người bị ốm, sốt, đau họng, nuốt nước miếng khó khăn. Chúng tôi lo lắng cho Trang 5, thì Trang lo 10 bởi cô ấy có tiếp xúc với cậu con trai bé bỏng khi về nhà. Cũng may kết quả xét nghiệm âm tính, có lẽ do thời tiết lạnh, lại chạy xe máy suốt cả ngày nên cô ấy chỉ bị cảm sốt thông thường.

Dựng hình ngay trong đêm đã trở thành cv quen thuộc của PV Nguyễn Trang sau gần 2 năm phản ánh các tin bài về dịch.

Có thể bị ốm, có thể bị nghi ngờ phơi nhiễm virut nhưng trong gần 2 năm những phóng viên như Trang, Tùng, Soái, Cường hay hơn 100 phóng viên của cơ quan tôi, luôn luôn sẵn sàng tham gia tác nghiệp ở tất cả những nơi được coi là “nóng” hoặc tâm dịch. Chúng tôi quyết tâm giữ dòng thông tin chính thống chính xác, nhanh, lan tỏa dòng năng lượng truyền thông tích cực nhất tạo sức mạnh đoàn kết toàn dân chống dịch.

19h30p ngày 2-9 chúng tôi kết thúc công việc tác nghiệp tại CDC Quảng Ninh, thu dọn đồ đạc về cơ quan dựng tin để kịp lên sóng bản tin cuối ngày, cũng là lúc 2 kỹ thuật viên của CDC hoàn thành công việc trong ngày của mình. Chia sẻ với nhau một ngày đón Tết độc lập thật đặc biệt, chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, Khoa Vi sinh - Huyết học nói: Công việc của chúng mình đòi hỏi độ chính xác cao, từ khâu lấy bệnh phẩm đến tách chiết vật liệu di truyền, chạy máy, phân loại, thông tin cá nhân, ghi phiếu dịch tễ… tất cả các quy trình này đòi hỏi tỉ mỉ, chuẩn xác và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, lây nhiễm. Mỗi lần có thông tin trường hợp nghi nhiễm Covid-19 ai cũng rất sốt ruột đợi kết quả xét nghiệm cuối cùng từ CDC. Nhờ có các bạn truyền thông mà thông tin đến được với người dân nhanh nhất, dư luận không bị hoang mang đồn đoán.

Phóng viên Quốc Thắng tác nghiệp xuyên đêm tại Vân Đồn.

“Mình tác nghiệp chống dịch đúng là có vất vả, cũng có nguy hiểm nhưng không đáng gì so với các lực lượng ở tuyến đầu như các bác sỹ trong các bệnh viện điều trị bệnh nhân F0, các chiến sỹ biên phòng trên tuyến biên giới ngày đêm trầm mình trong mưa nắng ngăn chặn dịch xâm nhập vào địa bàn, các lực lượng tham gia trực chốt chặn các tuyến đường vào tỉnh ngày này qua tháng khác âm thầm lặng lẽ hy sinh đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh, làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng để giữ cho chúng ta ở bên trong được bình an. Mỗi ngày được đem đến cho nhân dân thông tin về tình hình diễn biến dịch bệnh, về những tấm gương lặng thầm hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ “bình an” này để cùng hun đúc niềm tự hào, tinh thần “kỷ luật và đồng tâm” của người vùng Mỏ là vinh dự của chúng mình – những “chiến sỹ” thông tin trên trận chiến chống dịch Covid -19 như chống giặc” – Thanh Tùng hào hứng nói khi nhận thông tin tất cả các kết quả xét nghiệm chiều ngày 2-9 tại CDC Quảng Ninh đều âm tính. Quảng Ninh vẫn đang được bình an!

Phóng viên đang tác nghiệp tại phòng xét nghiệm của Trung tâm CDC Quảng Ninh.
Kíp phóng viên Thanh Tùng và Nguyễn Trang xem lại hình ảnh vừa tác nghiệp tại Trung tâm CDC Quảng Ninh.
Đôi bàn tay ướt đẫm mồ hôi của các PV sau khi tác nghiệp xong.


Chỉ đạo sản xuất: Lan Hương

Thực hiện: Thu Chung - Hoàng Nga

Kỹ thuật đồ họa: Tất Đạt


Trực chiến ở Bệnh viện số 2
Từ một bác sĩ làm việc ở Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Phổi Quảng Ninh, tôi được điều động công tác ở Bệnh viện số 2 - nơi tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân mắc SARS-CoV-2.  
   
Những người "tìm bắt" SARS-CoV-2
Những đợt dịch bùng phát căng thẳng, chúng tôi làm thông buổi trưa, thậm chí “xuyên đêm” để kịp thời có kết quả nhanh nhất phục vụ công tác phòng, chống dịch.    
   
Siết chặt "vành đai thép" trên biên giới
Khi biên cương vững vàng, dịch bệnh được chặn đứng từ bên ngoài, thì đó cũng là cách để họ bảo vệ an toàn cho gia đình thân yêu nơi quê nhà.   
   
"Thanh bảo kiếm" bảo vệ tuyến đường thủy
Tàu neo cố định giống như ngôi nhà, là nơi đi về mỗi khi hết ca trực.