Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 15:28 (GMT +7)
Số ca mắc COVID-19 tăng mạnh tại Mỹ, Hàn Quốc ghi nhận 1/10 số ca nhiễm mới là người nước ngoài
Thứ 6, 20/08/2021 | 08:12:52 [GMT +7] A A
Đến sáng 20/8, thế giới có trên 210,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,41 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 38,1 triệu ca mắc và hơn 641.800 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 84.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Sự lây lan đáng báo động của biến thể Delta đang khiến số ca mắc COVID-19 tăng mạnh tại Mỹ. Các bệnh viện và nhân viên y tế một lần nữa lại rơi vào tình trạng quá tải. Trong tháng 8, một số bang của Mỹ như Mississippi, Florida, Louisiana đã ghi nhận số ca nhập viện COVID-19 kỷ lục, các phòng chăm sóc đặc biệt hoạt động gần hết công suất và phải tìm kiếm viện trợ y tế từ Chính phủ liên bang.
Sự lây lan đáng báo động của biến thể Delta đã khiến Mỹ lập thêm kỷ lục u ám khác. Trong ngày 17/8, Mỹ đã ghi nhận thêm hơn 1.000 ca tử vong do COVID-19, tức cứ 1 giờ có khoảng 42 bệnh nhân không qua khỏi, mức cao nhất kể từ tháng 3.
Ngày 19/8, hãng tin CNN (Mỹ) đăng phân tích mới chỉ ra rằng, phần lớn người dân Mỹ sinh sống tại những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 cao nhưng tỷ lệ nhập viện và tử vong đặc biệt cao hơn tại các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất. Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, gần 93% dân số nước này sống tại khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 19/8, nước này ghi nhận hơn 37.300 ca mắc mới COVID-19 và 559 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 32,3 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 433.600 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Một số bang của Ấn Độ đang gấp rút bổ sung giường bệnh nhi và bình oxy y tế do lo ngại trẻ em trở lại trường học mà không được tiêm phòng COVID-19. Đây sẽ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đợt lây nhiễm thứ 3. Các cơ quan y tế Ấn Độ đang thận trọng trước thông tin số trẻ em nhập viện vì COVID-19 tại Mỹ tăng cao nhất từ trước đến nay trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng ở những người chưa tiêm chủng.
Trong làn sóng lây nhiễm thứ 2 ở Ấn Độ, cao điểm là tháng 4 và tháng 5 vừa qua, hàng trăm nghìn người đã tử vong do thiếu oxy y tế và giường bệnh. Lo ngại làn sóng thứ 3 bùng phát trong những tháng mùa đông, chính quyền bang Maharashtra đã dự trữ thuốc cũng như bổ sung giường bệnh nhi và oxy y tế tại các trung tâm tiếp nhận điều trị mới ở thành phố Mumbai và Aurangabad.
Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận gần 36.000 ca mắc COVID-19. Đến nay, hơn 572.600 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số gần 20,5 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này. Brazil là nước có só người thiệt mạng vì COVID-19 cao thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ.
Ở Đức, số ca nhiễm mới COVID-19 hàng ngày đang tăng mạnh trong những tuần qua. Theo thống kê, trung bình tuần qua, Đức có hơn 8.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, tăng hơn 30% so với tuần trước. Tỷ lệ mắc bệnh trên 100.000 dân cũng tăng. Các nhà dịch tễ học cảnh báo, Đức có thể phải đối mặt với thách thức y tế trong những tuần tới.
Nước này dự kiến sẽ áp dụng quy định nghiêm ngặt hơn về giấy chứng nhận sức khỏe, chỉ những người được tiêm chủng, phục hồi hoặc xét nghiệm âm tính mới được tiếp cận các không gian công cộng.
Giới chức y tế Bỉ quyết định sẽ tiêm mũi tăng cường thứ 3 vaccine phòng COVID-19 cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch trong những tháng tới. Người được cho là bị suy giảm hệ miễn dịch là những người đang lọc máu, nhiễm HIV, người mắc một số loại bệnh ung thư hoặc đang dùng thuốc làm giảm khả năng miễn dịch của họ. Kế hoạch này liên quan đến khoảng 300.000 đến 400.000 người dân Bỉ.
Quyết định trên được đưa ra dựa trên khuyến nghị từ một báo cáo của Trung tâm Giám định Liên bang Bỉ về Chăm sóc sức khỏe và lực lượng đặc nhiệm tiêm chủng được công bố vào ngày 17/8 vừa qua.
Australia đã tạm chuyển các chuyến bay xuất phát từ New Zealand đến Australia từ trạng thái không phải cách ly bắt buộc sang phải cách ly bắt buộc 14 ngày. Động thái diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại cả hai quốc gia. Theo thông báo mới, mọi du khách từ New Zealand đến Australia đều sẽ phải thực hiện quy định cách ly tập trung tại khách sạn 14 ngày. Quy định sẽ có hiệu lực ít nhất đến hết ngày 23/8.
Theo giới chức y tế Australia, New Zealand đã ghi nhận một số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng và đang điều tra nguồn gốc cũng như mức độ lây lan của dịch bệnh. Vì vậy, Australia sẽ cần thêm thời gian để xác định được nguy cơ tiềm ẩn của những hành khách từ New Zealand đến Australia.
Bộ Y tế Israel ngày 19/8 thông báo đã phát hiện 10 trường hợp đầu tiên nhiễm chủng AY3 của biến thể Delta. AY3 là một trong những chủng đột biến mới của biến thể Delta được phát hiện trước đó, được cho là nguy hiểm hơn các chủng khác.
Trước việc phát hiện chủng AY3 của biến thể Delta, Bộ Y tế Israel đã thông báo Quốc hội nước này về tính nguy hiểm của chủng virus mới và khuyến nghị khả năng phong tỏa toàn quốc lần thứ 4 nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh COVID-19.
Bất chấp việc đã tiêm chủng cho khoảng 62% dân số, trong vài tuần gần đây, Israel đã chứng kiến tỷ lệ virus kháng vaccine ngày một tăng với hơn 6.000 ca mắc mới và đã sớm vượt mốc 500 - 600 ca trong tình trạng nguy kịch mỗi ngày. Tính đến hết ngày 19/8, Israel ghi nhận tổng cộng 970.607 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 6.748 người tử vong.
Các nhà khoa học Singapore vừa phát hiện ra rằng, những người đã từng mắc bệnh SARS và khỏi bệnh hồi năm 2003 giờ nếu được tiêm vaccine Pfizer-BioNTech sẽ có thể tạo ra kháng thể: chống lại được mọi loại biến thể virus SARS-CoV-2 hiện có, kể cả biến thể Delta.
Ngày 19/8, Bộ Y tế Singapore (MOH) cho biết, bắt đầu từ ngày 30/8, nước này sẽ triển khai thí điểm việc áp dụng cách ly tại nhà đối với những bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Bệnh nhân và người nhà phải đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt như những người sinh sống trong gia đình phải được tiêm chủng đầy đủ, không thuộc nhóm dễ bị tổn thưởng. Bệnh nhân sẽ được điều trị tại cơ sở y tế trong một vài ngày đầu, sau đó chuyển về cách ly điều trị tại nhà khi lượng virus giảm. Các thành viên trong gia đình sẽ phải tự cách ly tại nhà cho đến khi bệnh nhân khỏi bệnh; được theo dõi qua các thiết bị điện tử và phải xét nghiệm nhanh hàng ngày.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết, chương trình thí điểm cách ly điều trị tại nhà này là "bước đi quan trọng" trong lộ trình hướng tới việc sống chung với "bệnh đặc hữu COVID-19" (từ ngữ giới chức Singapore mô tả đại dịch COVID-19 cuối cùng sẽ trở thành bệnh thông thường như cúm, sốt xuất huyết…).
Người phát ngôn của Chính phủ Indonesia về dịch COVID-19, bà Reisa Broto Asmoro, cho biết mục tiêu của chương trình tiêm chủng quốc gia là cung cấp 50 triệu liều vaccine trong vòng 7 tuần kể từ cuối tháng 8. Mục tiêu này chắc chắn sẽ đạt được vì Indonesia đang sở hữu hơn 190 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Chính phủ đã cam kết cung cấp khoảng 425 triệu liều vaccine cho 208,2 triệu dân trên 12 tuổi.
Hiện Indonesia ghi nhận trên 3,9 triệu ca mắc COVID-19 sau khi báo cáo 22.053 người mắc mới trong ngày 19/8 và 122.633 trường hợp thiệt mạng.
Bộ Y tế Philippines ngày 19/8 ghi nhận 14.895 ca mắc mới COVID-19, mức cao thứ hai kể từ khi bùng phát dịch ở nước này. Như vậy, tổng số ca mắc tại nước này đến nay là trên 1,79 triệu người, trong khi số bệnh nhân tử vong đã tăng lên 30.881 ca sau khi ghi nhận thêm 258 trường hợp.
Philippines đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc biến thể Lambda đầu tiên. Ngoài ra, biến thể Delta được cho là nguyên nhân khiến số ca mắc mới tăng mạnh ở khu vực thủ đô Manila. Nhiều cơ sở y tế rơi vào tình trạng quá tải do số bệnh nhân nặng phải nhập viện ngày càng đông.
Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Ong Ye Kung ngày 19/8 cho biết, nhiều khả năng Singapore sẽ khởi động chiến dịch tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 bổ sung trong thời gian tới và có thể sẽ tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi vào đầu năm 2022. Phát biểu tại họp báo chiều 19/8, Bộ trưởng Ong Ye Kung cho biết, hệ miễn dịch của nhiều người đã không thể tạo ra đủ kháng thể chống COVID-19 sau hai mũi tiêm vaccine nên việc nghiên cứu tiêm thêm mũi bổ sung là cần thiết.
Theo Bộ trưởng Ong Ye Kung, Singapore có thể sẽ triển khai chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi vào đầu năm 2022 sau khi nghiên cứu toàn diện về khía cạnh hiệu quả và an toàn. Tính tới hết ngày 17/8, Singapore đạt tỷ lệ 77% dân số tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.
Chính quyền thành phố Phnom Penh, Campuchia đang xem xét kéo dài lệnh giới nghiêm để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, đặc biệt là biến thể Delta sau khi phát hiện một loạt ca lây nhiễm biến thể này trong cộng đồng.
Tính đến ngày 17/8, Campuchia đã phát hiện 715 ca nhiễm biến thể Delta, trong đó có 513 ca nhiễm biến thể này tính đến ngày 13/8. Như vậy chỉ trong 4 ngày, số ca nhiễm biến thể Delta tại Campuchia đã tăng hơn 200 ca, trong bối cảnh hàng nghìn lao động di cư Campuchia tiếp tục vượt biên giới Thái Lan về nước, mang theo nguy cơ lây nhiễm.
Trong khi đó, thống kê chính thức cho thấy số ca mắc mới COVID-19 tại Campuchia hiện dao động trong khoảng 500 - 600 ca/ngày. Bộ Y tế Campuchia ngày 19/8 ra thông cáo xác nhận có 533 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua (gồm 145 người nhập cảnh và 388 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng) và 17 bệnh nhân tử vong. Như vậy, đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 87.723 ca mắc COVID-19, trong đó 83.298 người hồi phục và 1.747 trường hợp không qua khỏi.
Campuchia thông báo phát hiện hơn 600 ca nhiễm mới COVID-19 tại một trung tâm cai nghiện ma túy. Sở Y tế tỉnh Banteay Meanche cho biết đã phát hiện 601 ca mắc COVID-19 trên tổng số 660 bệnh nhân đang điều trị cai nghiện ma túy tại Trung tâm Cuộc sống mới Phnum Bak, thành phố Serey Sophorn, tỉnh Banteay Meanchey.
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trong nước và khu vực vẫn diễn biến phức tạp, Chính phủ Lào ngày 19/8 tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa thêm 15 ngày kể từ ngày 20/8. Đây là lần thứ 8 Lào gia hạn lệnh phong tỏa được áp dụng từ ngày 22/4 vừa qua. Theo đó, Lào tăng cường kiểm soát người xuất, nhập cảnh, ngăn chặn vượt biên trái phép, đóng các cửa khẩu quốc tế với hộ chiếu phổ thông, đóng cửa các tụ điểm giải trí, karaoke, spa, hoạt động chơi thể thao tiếp xúc ở nơi có dịch, cấm người ra vào vùng đỏ khi không được phép.
Một số hoạt động được nới lỏng như cho phép mở lại chợ, siêu thị, cửa hiệu cắt tóc với điều kiện phải đảm bảo quy định phòng dịch, cho phép đi lại giữa các tỉnh không có dịch. Ngoài ra, các trường học ở Lào được phép mở cửa trở lại.
Bộ Y tế Lào ngày 19/8 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 284 ca mắc mới, trong đó ngoài 265 người nhập cảnh được cách ly ngay, còn có 19 trường hợp mắc trong cộng đồng. Chính quyền tỉnh Bokeo (Bắc Lào) đang lên kế hoạch đưa lao động cả trong và ngoài nước rời khỏi đặc khu kinh tế Tam giác Vàng ở huyện Ton Pheung, nơi đang bùng phát dịch và bị phong tỏa từ đầu tháng 8. Theo đó, tất cả lao động bao gồm cả lao động Lào và lao động nước ngoài đều phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi rời đặc khu. Các lao động Lào sắp rời đặc khu được yêu cầu phải cách ly tại trung tâm của tỉnh Bokeo trước khi về địa phương. Ban quản lý đặc khu cũng được giao thành lập trung tâm cách ly phù hợp cho người lao động chuẩn bị rời khỏi đây, kể cả đối với lao động không có giấy tờ hợp pháp.
Mặc dù đã ban bố tình trạng khẩn cấp và áp dụng các biện pháp trọng điểm tại nhiều địa phương, dịch COVID-19 tại Nhật Bản vẫn không có dấu hiệu giảm mà số ca mắc mới còn tăng cao kỷ lục. Để cải thiện tình hình, Chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi người dân cần hợp tác chặt chẽ với Chính phủ để thực hiện các biện pháp phòng dịch, một trong số đó là hợp tác để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
Ngày 19/8, các chuyên gia cố vấn cho Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cảnh báo, dịch COVID-19 ở nước này đang đang lây lan với tốc độ chưa từng có, nguyên nhân chính là do biến chủng Delta. Theo thống kê, trong ngày 19/8, Nhật Bản đã phát hiện thêm 23.918 ca mắc mới, cao nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý, có tới 25 trong tổng số 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản có số ca mắc mới cao kỷ lục. Riêng thủ thủ đô Tokyo số ca mắc chiếm hơn 1/4 số người nhiễm mới của cả nước với 5.386 trường hợp. Đáng chú ý, số thai phụ mắc COVID-19 ở thủ đô Tokyo cũng tăng cao kỷ lục, lên gần 100 người chỉ trong tháng 7, cao gần gấp 2 lần so số liệu ghi nhận trong tháng 5 vừa qua.
Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc sửa đổi các tiêu chí để dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 với hy vọng dỡ bỏ trước thời hạn tình trạng khẩn cấp lần thứ 4. Các tiêu chí mới sẽ chú trọng nhiều hơn tới những chỉ số như tình hình tiêm chủng và số bệnh nhân nguy kịch thay vì số ca mắc mới.
Theo các chuyên gia y tế tại Nhật Bản, ngoài việc thúc đẩy tiêm chủng, Chính phủ Nhật Bản cần phải thay đổi cơ chế để người dân phải hoàn toàn tuân thủ các biện pháp phòng dịch khác, như vậy tình hình dịch bệnh mới sớm được kiểm soát.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, hơn 1/10 số ca nhiễm mới COVID-19 trong 2 tuần qua là người nước ngoài sinh sống ở nước này (959 ca là ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận, 420 người ở các vùng khác của Hàn Quốc). Hầu hết trong độ tuổi 20 - 30 và đến từ các quốc gia châu Á.
Những dữ liệu hiện tại cho thấy, các mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 là không cần thiết. Theo WHO, hiện có đủ vaccine trên khắp thế giới, nhưng lại không đến đúng địa điểm theo đúng thứ tự. Việc tiêm đủ 2 mũi cần được áp dụng với tất cả những nước dễ bị tổn thương nhất, trước khi mũi thứ 3 tăng cường được áp dụng với những người đã tiêm đủ 2 mũi. WHO cho rằng, còn phải mất khá lâu nữa thế giới mới đạt được mức độ đó.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()