Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 11:18 (GMT +7)
Sôi nổi vào vụ trồng rừng chính trong năm
Thứ 3, 20/02/2024 | 10:50:34 [GMT +7] A A
Năm 2024, mục tiêu trồng rừng của Quảng Ninh là 950.000 cây phân tán tại khu vực đô thị, nông thôn và trồng 13.250ha rừng tập trung, trong đó có 1.000ha cây gỗ lớn là lim, giổi, lát...
Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" xuân Giáp Thìn 2024 được tỉnh tổ chức phát động, ra quân thực hiện đồng loạt vào ngày 15/2 vừa qua (ngày 6 tháng Giêng). Kết quả, đã có gần 137ha được phủ xanh bằng 153.000 cây xanh các loại, trong đó bao gồm gần 37.000 cây gỗ lớn (lim, giổi, lát hoa...).
Khí thế phấn khởi này đã mở đầu cho vụ trồng rừng chính của năm 2024 trên phạm vi toàn tỉnh, với định hướng tiếp tục phát triển rừng bền vững và hưởng ứng Đề án trồng 1 tỉ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ phát động. Đồng thời qua đó tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của hành động trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng, gắn liền với phát triển KT-XH, góp phần giảm nhẹ ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Phát huy khí thế thi đua đầu xuân mới, tại buổi phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" vừa qua, huyện Tiên Yên đã ra quân trồng được gần 2.400 cây lim, phủ xanh diện tích đất gần 2,12ha thuộc xã Hà Lâu. Đây được kỳ vọng sẽ là khởi đầu thuận lợi để huyện tiếp tục hoàn thành mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững trong cả năm 2024.
Trong đó, huyện xác định yếu tố quan trọng nhất là tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của chính người dân. Đó là thông qua những việc làm cụ thể như: Hăng hái thi đua trồng cây, trồng rừng trong vụ xuân - vụ trồng rừng chính trong năm để tranh thủ điều kiện tốt nhất cho cây trồng sinh trưởng, phát triển; chung tay ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật; chuyển đổi rừng keo sang trồng cây gỗ lớn, cây bản địa...
Gần 1/3 diện tích rừng trồng của Quảng Ninh nằm trên địa bàn huyện Ba Chẽ. Bằng các giải pháp đưa phát triển kinh tế rừng trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế, năm 2024, huyện Ba Chẽ xác định đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; đồng thời nhân rộng các mô hình kinh tế rừng trồng đã có hiệu quả, sát thực với điều kiện canh tác, sản xuất của người dân. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ Khiếu Anh Tú, để triển khai tốt đề án trồng rừng gỗ lớn, huyện tập trung đẩy mạnh rà soát diện tích đất rừng đã giao cho cộng đồng thôn quản lý, diện tích đất theo bản đồ khoanh vùng trồng rừng gỗ lớn để bám sát mục tiêu đã đề ra. Kế hoạch của huyện phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ đạt tổng diện tích trên 15.000ha rừng trồng tập trung, bao gồm cả rừng gỗ lớn.
Toàn tỉnh Quảng Ninh đang có trên 434.000ha rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp, chiếm 70% diện tích đất tự nhiên, trong đó có 175.000ha rừng trồng và rừng sản xuất. Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu thực hiện trồng 13.250ha rừng tập trung, trong đó có 1.000ha trồng lim, giổi, lát và trồng 950.000 cây lâm nghiệp phân tán; tiếp tục giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đạt 55% - mức cao so với trung bình của cả nước.
Với chiến lược phát triển bền vững, tỉnh xác định trọng tâm là phát triển vốn rừng, trồng rừng tập trung, khoanh vùng bảo vệ, giao đất, giao rừng cho các thành phần kinh tế. Đồng thời, lấy người nông dân làm chủ thể trung tâm, kết hợp giữa phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững gắn với dịch vụ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, khai thác dịch vụ môi trường rừng và bản sắc văn hoá dân tộc để tạo ra giá trị kinh tế cao nhất dựa trên tiềm năng, thế mạnh từng vùng...
Quảng Ninh bước vào vụ trồng rừng chính trong năm với tinh thần sôi nổi, quyết tâm, tràn đầy niềm tin trong những ngày đầu xuân mới. Đây là nền tảng quan trọng để các kế hoạch, mục tiêu phát triển rừng bền vững được thực hiện thắng lợi, đúng với định hướng mà tỉnh đề ra.
Hiện nay, diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh được bảo vệ tốt, trong đó có gần 71.000ha rừng tập trung được bảo vệ nghiêm ngặt tại các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, đơn vị quốc phòng và các công ty lâm nghiệp; còn lại trên 51.350ha được quản lý, bảo vệ bởi các doanh nghiệp, UBND các xã và cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật. Đối với Quảng Ninh, rừng không chỉ có vị trí đặc biệt quan trọng trong phòng hộ, bảo vệ đầu nguồn, vùng ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học, hạn chế thiên tai, tạo nguồn sinh thủy, đảm bảo chiến lược an ninh nguồn nước, mà còn đóng vai trò quan trọng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đưa du lịch phát triển bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Với quan điểm đó, tỉnh có nhiều quyết sách quan trọng mang tính chiến lược nhằm phát triển bền vững rừng. Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW (ngày 12/1/2017) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU (ngày 28/11/2019) "Về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030". Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành được nghị quyết chuyên đề về phát triển lâm nghiệp bền vững.
Ngày 3/8/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2216/QĐ-UBND về phê duyệt kết quả nhiệm vụ lập Đề án Phát triển bền vững một số loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến 2030. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đến nay có 5 địa phương xây dựng Đề án phát triển rừng trồng lim, giổi, lát giai đoạn 2020-2025: Móng Cái, Bình Liêu, Tiên Yên, Hạ Long, Ba Chẽ. Các địa phương khác đang triển khai thực hiện.
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()