Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 12:08 (GMT +7)
Cây làm giàu của nông dân Đầm Hà
Thứ 7, 30/12/2023 | 08:56:55 [GMT +7] A A
Trồng và chế biến củ cải được coi là nghề truyền thống của huyện Đầm Hà. Cây củ cải từ chỗ trồng để “lấp chỗ trống” trong cơ cấu cây trồng vụ đông, đến nay đang là cây làm giàu của nông dân Đầm Hà.
Với trên 20ha trồng củ cải, xã Quảng Tân là “thủ phủ” của cây củ cải Đầm Hà. Loại đất màu pha cát ở xã Quảng Tân tơi xốp, rất hợp với cây củ cải, nên chỉ sau chưa đầy 2 tháng trồng đã cho thu hoạch. Củ cải ở Quảng Tân to, mịn, trắng đều, ngậm nước, thơm ngọt, sử dụng ngay như một loại rau xanh, hay dùng để chế biến thành sản phẩm củ cải khô, củ cải phên, củ cải muối... đều ngon.
Ngoài xã Quảng Tân, các xã như Đầm Hà, Đại Bình, Tân Lập, Tân Bình... cũng đều trồng và chế biến củ cải. Tổng diện tích trồng củ cải trên toàn huyện Đầm Hà là khoảng 100ha, tổng sản lượng mỗi năm gồm khoảng 15 tấn củ tươi, 30 tấn củ cải phên, 10 tấn củ cải khô (10kg củ cải tươi chế biến được 1kg củ cải khô).
Trước đây củ cải Đầm Hà vào mùa thu hoạch được phơi nắng trên sân, trên mái nhà, bờ rào, trên các phiến đá dọc bờ sông, suối... Giờ thì người dân đóng cọc, chăng dây để phơi củ cải. Cũng từ đây củ cải phơi dây của Đầm Hà đã trở thành thương hiệu.
Các sản phẩm củ cải muối, củ cải phên của Đầm Hà cũng được người dân từng bước cải tiến trong khi chế biến bằng cách giảm độ mặn, tăng độ giòn, ngọt; sản phẩm được đóng gói, hút chân không, được làm lạnh, nên có thể bảo quản được lâu. Người dân Đầm Hà có bí quyết chế biến củ cải, tuy nhiên một nguyên tắc không đổi là không dùng chất bảo quản. Chính vì vậy, có nhiều sản phẩm củ cải muối trôi nổi giá rất rẻ, nhưng vẫn không cạnh tranh được với củ cải của Đầm Hà.
Hiện nay củ cải Đầm Hà là sản phẩm OCOP đạt 3 sao, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Với giá bán 5.000 đồng/kg đối với sản phẩm tươi, 150.000 đồng/kg đối với củ cải khô, các cơ sở chế biến củ cải đạt tỷ lệ lợi nhuận 10-20% doanh thu, tùy vào chủng loại, số lượng sản phẩm xuất bán. So với các mô hình canh tác khác, trồng, chế biến củ cải có ưu thế thời gian thực hiện ngắn, doanh thu cao, giá trị mang lại lớn, tạo được việc làm cho lao động lớn tuổi và tăng hiệu suất đất đai.
Hiện nay, ưu điểm và cũng là nhược điểm của củ cải Đầm Hà chính là quá trình chế biến sản phẩm phụ thuộc vào môi trường tự nhiên. Củ cải muốn ngon phải hong phơi ngoài nắng gió, tuy nhiên chỉ cần một cơn mưa bóng mây là những lát củ cải đang phơi chuyển sang thâm đen, mốc, đắng, không sử dụng được.
Thời gian gần đây đã có nhiều mô hình trồng, chế biến củ cải được hình thành, hoạt động theo hướng liên kết các hộ trồng củ cải, tạo thành vùng nguyên liệu, đồng thời ứng dụng thiết bị máy móc tiên tiến, khoa học công nghệ vào các khâu thái cắt, ngâm ủ, sấy khô, đóng gói... Tuy nhiên, sự đổi mới này cũng đang ở giai đoạn bước đầu và các khâu cải tiến trong chế biến củ cải chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Từ thực tế trên cho thấy, các đơn vị chức năng cần thiết phải có những nghiên cứu nghiêm túc và những mô hình điểm hiệu quả liên quan đến khâu chế biến củ cải Đầm Hà, đảm bảo cho loại nông sản này tiếp tục mang lại giá trị, lợi nhuận cho người dân.
Việt Hoa
- Đầm Hà: Hiệu quả từ Đề án 06
- Đầm Hà: Triển vọng từ mô hình thí điểm trồng chanh leo
- Đầm Hà: Phát huy nội lực, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2023
- Đầm Hà: Tăng cường trách nhiệm giải quyết kiến nghị, khiếu nại của người dân
- Đầm Hà: Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 4.350 USD/người năm 2024
- Đâm hai người tử vong khi phát hiện vợ choàng vai bạn nhậu
Liên kết website
Ý kiến ()