Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 03:32 (GMT +7)
Sự phát tán theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang của coronavirus trong các căn hộ chung cư
Thứ 5, 12/08/2021 | 16:33:45 [GMT +7] A A
Sự phát tán theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang của coronavirus trong các căn hộ chung cư
Đứng trước sự lây lan nhanh chóng qua không khí của các chủng coronavirus hiện nay, đại dịch SARS-CoV-2 đang gây ra một áp lực đối với sức khoẻ của tất cả các quốc gia, khu vực trên thế giới. Chủng ngừa bằng vaccine đang là phương pháp được ưu tiên hàng đầu, nhằm tạo miễn dịch cho mỗi cá nhân, giúp tăng khả năng phản ứng của cơ thể khi có virus xâm nhập. Tuy nhiên, việc chủng ngừa vaccine hoàn toàn không phải là lá chắn bảo vệ chúng ta khỏi sự xâm nhiễm của virus. Vì vậy, biện pháp khả dĩ mà một số quốc gia đưa ra đó là việc giãn cách xã hội, hạn chế các tiếp xúc giữa người với người. Việc này lại dấy lên một mối lo ngại, đó là liệu có sự phát tán của virus bên trong các chung cư, nhà cao tầng, văn phòng hay không? Một số nghiên cứu về khả năng phát tán virus trong các toà nhà chung cư đã được thực hiện nhằm tìm ra giải đáp cho nghi vấn này.
Khi có một ca bệnh dương tính SARS-CoV-2 được phát hiện trong một toà nhà, các con đường lây nhiễm khả thi có thể nghĩ tới là thông qua các không gian chung như thang máy, hay gián tiếp tiếp xúc bằng các nút thang máy. Tuy nhiên, khi lấy mẫu bệnh tại một chung cư tại Hàn Quốc, các ca nhiễm được phát hiện đều nằm cùng theo một chiều thẳng đứng với ca nhiễm đầu tiên (Hình 1).
Các căn tại toà chung cư này có lỗ thoát khí tại các phòng tắm thông ra một lối thoát khí chung của toà nhà (Hình 2). Mặt khác, vì đây là chung cư kiểu cũ (xây năm 1988) nên không có hệ thống lưới lọc giữa lỗ thoát khí các căn hộ và hệ thống thoát khí chung. Điều này khiến cho các vi giọt (aerosols) từ các căn hộ khởi phát có thể di chuyển đến các căn hộ khác, trong trường hợp này là từ căn hộ ở tầng 10.
Trong một nghiên cứu khác, nhóm tác giả đã đặt ra một số giả thiết về sự phát tán của mầm bệnh thông qua đường ống thoát chất thải (Hình 3). Cụ thể, virus trong phân của các bệnh nhân có hai chiều hướng:
- Lây lan thông qua các vi giọt (aerosols) khi người bệnh giật nước bồn cầu. Các vi giọt này sẽ tồn tại khắp phòng vệ sinh rồi làm phơi nhiễm cho những người cùng sử dụng nhà vệ sinh đó khi chạm vào các bề mặt có giọt bắn.
- Các vi giọt này thông qua ống xả hơi nối với hệ thống xả chất thải nhà vệ sinh của cùng lô trong cùng toà nhà. Các vi giọt sẽ phát tán và phơi nhiễm theo chiều dọc cho người trong chung cư bằng đường hô hấp.
Kết quả còn cho thấy khả năng lây nhiễm thông qua phân đối với dịch bệnh SARS-CoV-2 (Hình 3 bên phải, màu đỏ) được dự đoán cao gấp 10 lần so với SARS (Hình 3 bên phải, màu xanh) năm 2002.
Trong một nghiên cứu khác, nhằm kiểm chứng vấn đề lây nhiễm giữa các căn hộ trong toà nhà hay giữa các toà nhà, nhóm nghiên cứu đã xây dựng một mô hình gồm 3000 khối bê-tông, mỗi khối mô phỏng cho một toà nhà có trung bình 20-25 tầng (Phương pháp mô phỏng sự phát tán qua đường không khí – ATOR). Một máy tạo khói được bố trí để mô phỏng một nguồn phát tán và có các máy đo khối lượng phân tử để xác định khi có các phân tử mục tiêu được tạo ra trong đám khói ngang qua. Đồng thời cũng tạo một mô hình mô phỏng trên máy tính để đối chiếu với kết quả thực nghiệm này (Phương pháp WINAIR) [3].
Kết quả khi kết hợp hai mô hình mô phỏng với các thông số từ hai căn hộ Amoy Gardens, Hong Kong (Hình 4) cho thấy, virus có thể được phát tán theo cả chiều dọc và chiều ngang, thông qua các đường thông gió chung của toà nhà và dưới sự có mặt của lực nổi/buoyant (hướng lên) và gió (hướng xuống). Ngoài ra, virus có chiều hướng phát tán lên trên khi không sử dụng điều hoà và hướng xuống khi bật điều hoà.
Như vậy, có thể thấy được nguy cơ lây lan của coronavirus tại các thành phố lớn, bên trong các căn hộ chung cư qua các bài nghiên cứu trên. Trước tình trạng bùng nổ của các ổ dịch tại các khu dân cư, việc biết và hạn chế các nguồn lây nhiễm là một biện pháp tất yếu nhằm bảo vệ cho bản thân cũng như giảm áp lực cho đội ngũ y tế. Để có thể ngăn chặn sự phát tán trong các khu chung cư, các toà nhà văn phòng có sử dụng chung hệ thống thông khí hay xả thải, có thể áp dụng các biện pháp sau đây [4]:
- Đóng và thường xuyên khử khuẩn các cửa sổ, cửa lùa.
- Chặn một chiều ống thông hơi tại các đường ống/hệ thống thông khí chung.
- Sử dụng các tấm lọc HEPA hay ULPA trong trường hợp buộc phải sử dụng hệ thống điều hoà/thông hơi (văn phòng, chung cư vào mùa nóng).
- Sử dụng tấm lọc carbon để loại bỏ bớt CO2 trong nhà.
- Tận dụng tối đa sự lưu thông khí tự nhiên, mở cửa sổ phía ngoài trời nếu có thể, và kiểm soát độ ẩm (độ ẩm vào khoảng 40-60%).
- Thường xuyên khử khuẩn các bề mặt như tay nắm cửa, các lỗ thông gió/thông hơi, các vị trí thoát nước trong nhà vệ sinh.
Theo tinhte.vn
Liên kết website
Ý kiến ()