Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 18/2022, hiệu lực từ 15/2, quy định trường hợp mắc bệnh được hưởng BHXH một lần gồm: Người mắc một trong các bệnh nguy hiểm tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Người mắc các bệnh tật mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát, không tự sinh hoạt được cần người chăm sóc hoàn toàn.
Như vậy, thông tư mới đã rút gọn điều kiện rút BHXH một lần so với Thông tư 56/2017. Trước đây, lao động mắc bệnh nguy hiểm tính mạng phải đồng thời đáp ứng điều kiện không tự sinh hoạt được cần người chăm sóc. Nhóm thứ hai là lao động mắc bệnh khác mà bị suy giảm khả năng lao động hoặc độ khuyết tật từ 81% trở lên và không tự sinh hoạt cần người chăm sóc hoàn toàn.
Các trường hợp còn lại được rút BHXH một lần vẫn giữ như Thông tư 56/2017, gồm: Lao động đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH có nhu cầu rút; lao động nữ chuyên trách ở xã phường nghỉ việc ở tuổi 55 đóng BHXH từ 15 đến dưới 20 năm; người ra nước ngoài định cư; một số trường hợp trong lực lượng vũ trang khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Hồ sơ giám định hưởng BHXH một lần là bản chính hoặc bản sao hợp lệ một trong số giấy tờ sau: Tóm tắt hồ sơ bệnh án, giấy xác nhận khuyết tật, giấy ra viện, sổ khám bệnh, phiếu khám bệnh, phiếu kết quả cận lâm sàng, đơn thuốc của cơ sở khám chữa bệnh, hồ sơ bệnh nghề nghiệp, biên bản giám định y khoa lần gần nhất đối với người đã được khám giám định.
Thông tư mới loại bỏ biên bản giám định bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động với người được khám giám định và bổ sung các giấy tờ như phiếu kết quả cận lâm sàng, đơn thuốc của cơ sở khám chữa bệnh. Người lao động lưu ý chỉ cần bản chính hoặc bản sao hợp lệ của một trong số giấy tờ này, không cần có tất cả.
Giai đoạn 2016-2021, cả nước có hơn 4 triệu lao động rút BHXH một lần, bình quân 800.000 lao động mỗi năm. "Làn sóng" rút BHXH một lần chủ yếu diễn ra ở lao động ngoài nhà nước, dưới 40 tuổi. 97% người chọn rút một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng BHXH.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến vào đầu năm 2023, theo hướng hướng giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm để lao động sớm được hưởng lương hưu, hạn chế rút BHXH một lần.
Ý kiến ()