Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 22:34 (GMT +7)
Sức mạnh đoàn kết dân tộc trong Di chúc của Bác Hồ
Chủ nhật, 31/08/2014 | 13:01:33 [GMT +7] A A
Đoàn kết trong Đảng và đoàn kết dân tộc là sức mạnh phi thường giúp nước ta vượt qua những thử thách và giành được chiến thắng để có được hòa bình.
Trong lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra năm 1969, Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã đọc lời điếu và công bố bản Di chúc của Người.
Trong bức Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Bác Hồ với nông dân (Ảnh tư liệu) |
Đoàn kết là một truyền thống quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đã giúp Việt Nam có được hòa bình
Đứng ở góc độ nghiên cứu về Lịch sử, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết trong Đảng và đoàn kết dân tộc là sức mạnh phi thường giúp nước ta vượt qua những thử thách to lớn, cam go để có được hòa bình như ngày hôm nay.
Đại đoàn kết toàn dân tộc còn là sức mạnh phi thường dẫn đến thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Thành công không chỉ có ý nghĩa đối với Việt Nam khi chấm dứt chế độ thuộc địa tồn tại gần 100 năm, giành được độc lập từ tay Phát xít Nhật và thực dân Pháp mà còn mở ra sự phát triển cho đất nước.
Việc Việt Nam lựa chọn chế độ Dân chủ Cộng hòa - một thể chế chính trị được coi là tiên tiến nhất đã phản ánh xu thế của thời đại, gắn liền độc lập dân tộc với nền dân chủ và thiết chế Cộng hòa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng trải qua và chứng kiến chế độ Xô viết của nước Nga, chế độ Quảng Châu công xã nhưng khi đất nước giành được độc lập thì Người lại lựa chọn thể chế Dân chủ Cộng hòa. Điều đó cho thấy, Cách mạng Tháng Tám đã đặt nước Việt Nam dù còn rất non trẻ đúng vào quỹ đạo phát triển của thời đại. Nếu chúng ta nghiên cứu kỹ những đường lối, chủ trương của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì sẽ thấy triển vọng phát triển tốt đẹp. Đường lối đó đã xác định độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chấm dứt chế độ chia để trị của Đế quốc Pháp. Bên cạnh đó, đường lối của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã sớm mở rộng cửa để hội nhập với các nước trên thế giới.
Mặc dù những năm trước và trong và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta sống trong vòng vây của thực dân Pháp nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều nhà lãnh đạo đã đưa ra quan điểm nhất quán: Việt Nam chủ trương làm bạn với tất cả các nước dân chủ. Nước Việt Nam mong muốn hòa bình, độc lập, dân chủ. Việt Nam sẵn sàng mở cửa, mời gọi tất cả các quốc gia đến cùng đầu tư, phát triển để cùng có lợi. Ngoài ra, kể từ khi Liên Hợp Quốc mới thành lập, Việt Nam đã muốn tham gia vào tổ chức này với mong muốn bảo vệ hòa bình, đóng góp vào hòa bình chung trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, vì Việt Nam không chấp nhận chính sách chia để trị của Đế quốc Pháp và chính sách của các phần tử “diều hâu” trong chính giới Pháp muốn áp đặt chế độ đô hộ đối với nước ta nên bắt buộc chúng ta phải chống lại ý đồ thâm hiểm của họ. Sau đó, trong bối cảnh thế giới phân cực của thời kỳ chiến tranh Lạnh, tác động xung đột của hệ tư tưởng dẫn đến nước ta phải chống lại sự can thiệp của Đế Quốc Mỹ.
Hiệp định Geneva năm 1954 đã đánh dấu sự thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Hiệp định Paris năm 1973 đã đặt dấu chấm hết cho sự can thiệp của Đế quốc Mỹ. Nội dung căn bản của hai Hiệp định là tái xác nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam thống nhất.
Trải qua nhiều năm tháng chiến tranh gian khổ, mất mát và hy sinh chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, dân tộc Việt Nam hiểu được ý nghĩa thiêng liêng của giá trị hòa bình. Cho đến nay, khi đang sống trong một thế giới dù có nhiều phức tạp đến mấy thì mục tiêu hướng đến hòa bình vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Điều đó đã chứng minh khi Việt Nam là thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đều có vai trò và trách nhiệm xây dựng Hiệp hội này vững mạnh và ngày càng phát triển.
Trách nhiệm của Đảng đối với cuộc sống nhân dân
Trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh đến vai trò và trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng.
Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, nếu xem xét kỹ, chúng ta thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhấn mạnh đến vai trò và trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cuộc sống của người dân trong bản Di chúc của Người mà tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đã khẳng định rõ vấn đề này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu 1 câu rất giản dị nhưng sâu sắc, như là một nguyên lý: “Nếu độc lập tự do mà dân không được hưởng hạnh phúc thì vô nghĩa”. Người đã chỉ rõ, muốn dân được hưởng hạnh phúc thì Đảng, Chính phủ cầm quyền phải có 1 đường lối, chính sách, năng lực tập hợp nhân dân đúng. Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay khi Việt Nam đã giành được không ít những thành tự to lớn trên nhiều lĩnh vực.
Liên hệ với tình hình thực tế hiện nay, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố năm 1969 như một nguyên lý sâu sắc đối với sự tồn tại và phát triển của đất nước.
Một đất nước muốn có được sự đoàn kết thì đội ngũ lãnh đạo, cán bộ Đảng viên phải thực sự gương mẫu. Cuộc sống và hạnh phúc của người dân chính là thước đo tín nhiệm, hài lòng của người dân đối với của cơ quan Đảng, Nhà nước. Điều này rất phù hợp và là tiêu chí chuẩn mực của xã hội hiện đại cũng như xu thế phát triển chung trên toàn thế giới.
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước phải lấy “dân làm gốc” bởi chính người dân sẽ góp phần quyết định sự tồn vong và phát triển của chế độ, đất nước. Do đó, sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân cần phải được Đảng, Nhà nước chăm lo, vun vén như vun trồng cây xanh.
Theo VOV
Liên kết website
Ý kiến ()