Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:39 (GMT +7)
Sức sống mới Bình Liêu
Thứ 4, 05/06/2013 | 08:47:49 [GMT +7] A A
Bình Liêu có xuất phát điểm là huyện nghèo do điều kiện tự nhiên phức tạp, diện tích canh tác nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, trình độ canh tác của đồng bào còn lạc hậu, dẫn đến một thời gian dài tỉ lệ hộ nghèo chiếm gần 50% (hết năm 2005, huyện còn 2.542 hộ nghèo, chiếm 49,46%; nhiều thôn, bản 100% là hộ nghèo).
Trước thực trạng đó, huyện xác định tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, khai thác một cách hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đẩy nhanh phát triển kinh tế. Trong đó, chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 và giai đoạn 2010-2015 của huyện được coi là rất khoa học, tập trung trí tuệ của nhiều ban, ngành của huyện trong việc chỉ rõ nguyên nhân, hạn chế, tiềm năng, thế mạnh, những trở ngại cho sự nghiệp đi lên của địa phương. Huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức khảo sát kỹ điều kiện khí hậu, đất đai và đặc điểm phân bố dân cư để tìm hiểu rõ căn nguyên của vấn đề. Trong đó, xác định kết cấu hạ tầng đồng bộ là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuyến QL18C đoạn từ huyện Tiên Yên đến cửa khẩu Hoành Mô đã và đang phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. |
Từ năm 2006 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn, Bình Liêu đã đầu tư hàng chục tỷ đồng mỗi năm từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, miền núi, kiên cố các công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất. Nhất là từ khi dự án tuyến đường vành đai biên giới được triển khai trên địa bàn, huyện có điều kiện thuận lợi để triển khai nhiều tiểu dự án làm các tuyến đường xương cá đến các thôn bản, vùng sâu, vùng xa, như Phai Lầu, Pạt Chỉ (Đồng Văn), Trình Tường (Đồng Tâm). Đây là những thôn, bản trước gần như biệt lập với bên ngoài, sản xuất mang nặng tính tự cung, tự cấp. Nay nhờ có đường giao thông đến tận trung tâm các thôn, bản, đã tạo ra bước “đột phá” trong nhận thức của người dân, đang dần tiếp cận với sản xuất hàng hoá. Mới đây nhất, tuyến QL18C từ Tiên Yên lên cửa khẩu Hoành Mô (Bình Liêu) được khánh thành đưa vào sử dụng, đã tạo ra vận hội mới cho huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế. Cùng với đó, hệ thống điện lưới quốc gia, trường học, trạm xá... cũng được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân dễ dàng tiếp thu và vận dụng KHKT vào sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đào tạo nghề cho lao động địa phương là một trong những chiến lược quan trọng của chương trình giảm nghèo, được huyện thực hiện khá thành công. Từ năm 2006 đến nay, huyện đã phối hợp với các trường đạo tạo nghề trong tỉnh tổ chức hàng chục lớp học cung cấp những kỹ năng căn bản về sản xuất nông - lâm nghiệp cho hàng trăm học viên. Nhiều lao động nghèo được hướng nghiệp học nghề theo địa chỉ, ra trường được tiếp nhận vào làm việc trong các doanh nghiệp than, thương mại... với thu nhập ổn định.
Nét nổi bật trong công tác giảm nghèo của huyện là phối hợp với các đơn vị KT-QP 327 (Quân khu 3) quy hoạch các điểm dân cư, vận động di dời các hộ dân sinh sống rải rác ở những khu vực khó khăn, đến định cư ổn định. Đến nay, toàn huyện đã quy hoạch được hàng chục điểm dân cư với hàng trăm hộ sinh sống định cư. Huyện còn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất mang tính hàng hoá ngày càng cao, như vùng chuyên canh hồi, quế ở Đồng Văn, Lục Hồn, cây dong riềng ở Tình Húc, Húc Động... Công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mùa vụ, nâng cao năng suất trên một đơn vị diện tích canh tác được quan tâm đẩy mạnh, nhất là vận động bà con chuyển đổi các phần diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi hoặc trồng những loại cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Việc khôi phục nghề trồng dong riềng và sản xuất miến dong là thành công lớn của địa phương. Đây là loại cây cho giá trị kinh tế cao, dễ trồng, có thể tận dụng được các diện tích nhỏ lẻ, phân tán hoặc trồng xen canh dưới các rừng hồi, quế; được huyện xác định là cây chủ lực trong giảm nghèo ở địa phương. Huyện đã có nghị quyết chuyên đề đẩy mạnh việc trồng cây dong riềng trên địa bàn. Huyện hỗ trợ lần đầu về giống, vốn và chuyển giao tiến bộ khoa học cho bà con, xây dựng các cơ sở chế biến miến dong vừa và nhỏ theo hướng công nghiệp, có chế độ hỗ trợ đặc biệt cho sản phẩm này trong thời gian đầu. Bên cạnh những cây truyền thống như hồi, quế, nhờ chính sách khuyến lâm phù hợp của huyện, hiện nông dân trên địa bàn đã bắt đầu chuyển sang trồng keo, thông mã vĩ.
Cũng bằng hỗ trợ vốn cho nông dân mua trâu, bò..., nên bên cạnh chăn nuôi những gia súc, gia cầm truyền thống, vài năm trở lại đây huyện còn triển khai thí điểm một số mô hình chăn nuôi thỏ lai, lợn nái thuần Móng Cái, lợn rừng, gà sao; một số hộ còn mạnh dạn nuôi nhím, tắc kè... Đây là những loại giống mới, nhưng nhờ nông dân biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên bước đầu đã cho kết quả khả quan.
Bằng việc tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, kết hợp với huy động nguồn vốn trong dân, đến nay diện mạo kinh tế - xã hội của huyện Bình Liêu đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Đến hết năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn trên 23,1% (theo tiêu chí mới); trên 80% số hộ có ti vi, số hộ có máy cày, máy tuốt lúa tăng mỗi năm, nhiều gia đình đã xây được nhà cao tầng, mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Cuộc sống mới đang bừng sáng ở khắp các thôn bản của huyện vùng cao này.
Quang Minh
Liên kết website
Ý kiến ()