Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:17 (GMT +7)
Sức sống mới vùng dân tộc thiểu số
Thứ 4, 23/10/2024 | 06:15:11 [GMT +7] A A
Thời gian qua cấp ủy, chính quyền trong tỉnh tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vận dụng linh hoạt những chương trình, đề án, chính sách để hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định đời sống người dân, nhất là vùng DTTS.
Gia đình ông Nịnh Văn Dìn (thôn Thán Phún, xã Hải Sơn, TP Móng Cái) trước đây đời sống kinh tế khó khăn. Được sự tuyên truyền của địa phương, năm 2023 gia đình ông đầu tư chăn nuôi 70 con gà 70 Tiên Yên. Sau được hỗ trợ vay vốn từ Hội Nông dân xã, ông đầu tư chăn nuôi 300 con gà, 2.000 con cá giống. Đến nay mô hình nuôi gà cho thu nhập 150-200 triệu đồng/năm, đời sống gia đình khấm khá hơn trước.
Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của BCH Đảng bộ tỉnh "Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, thành phố ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng (977.526 triệu đồng), phân bổ cho 94 dự án, công trình. Qua đó hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn vùng DTTS và miền núi ngày càng được hoàn thiện, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cùng với đó, một trong những "điểm tựa" hỗ trợ, giúp người dân vùng đồng bào DTTS giảm nghèo, phát triển kinh tế là nguồn vốn vay tín dụng chính sách. Người dân đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất, phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, mạnh dạn đầu tư các mô hình sản xuất. Qua đó xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới, xây dựng thành công các sản phẩm OCOP, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Tỉnh chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, tiến đến xóa bỏ phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trong vùng đồng bào DTTS, miền núi, đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP.
Từ năm 2020 đến nay, các địa phương đã phê duyệt, triển khai hỗ trợ 21 dự án liên kết cấp huyện cho 659 cá nhân, tổ chức. Nhiều mô hình liên kết được hình thành, hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng chuỗi ATTP, sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ứng dụng công nghệ cao, tích cực tham gia chuỗi liên kết.
Chương trình OCOP được phát triển mạnh, ngày càng đa dạng về sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Từ năm 2021-2023, tỉnh đã hỗ trợ 1.845 triệu đồng cho 71 sản phẩm OCOP; thực hiện nhiệm vụ KHCN liên quan đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng của các sản phẩm. Vùng đồng bào DTTS, miền núi của tỉnh hiện có 76 sản phẩm OCOP; trong đó có 62 sản phẩm đạt 3 sao, 14 sản phẩm đạt 4 sao.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, không chỉ giúp đồng bào vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo nâng cao mọi mặt đời sống, mà còn khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chủ động lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống.
Vân Anh
- "Khơi dậy tinh thần tự lực tự cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của đồng bào các dân tộc thiểu số"
- Đầm Hà: Kinh tế tập thể tiếp sức cho đồng bào dân tộc thiểu số
- Hội nghị gặp mặt người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
- Phát triển đảng viên vùng dân tộc thiểu số
- Đổi thay từ các làng dân tộc thiểu số
Liên kết website
Ý kiến ()