Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 21:49 (GMT +7)
Sức bật ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Thứ 3, 21/11/2023 | 15:19:51 [GMT +7] A A
Với định hướng đúng, tầm nhìn chiến lược, mục tiêu kiên định, hơn 10 năm qua thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, ưu tiên nguồn lực đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (CNCBCT), coi đây là một trong 3 trụ cột của nền kinh tế. Nhờ đó ngành kinh tế quan trọng này đã có bước phát triển vững chắc, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đóng góp tích cực vào mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện khu vực phía Bắc giai đoạn 2020-2025...
Định hướng đúng đắn, tầm nhìn chiến lược, mục tiêu kiên định
Quảng Ninh là một trong 7 địa phương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Giai đoạn 2011-2020, ngành công nghiệp của tỉnh luôn duy trì trong tốp 10 địa phương đóng góp cao nhất trong tổng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp cả nước. Đến năm 2020 công nghiệp của tỉnh đóng góp khoảng 3,9% giá trị tăng thêm, đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố. Trong giai đoạn này, ngành CNCBCT của tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá cao, khoảng 13%/năm. Ở thời điểm này, các nhóm ngành chính: Sản phẩm dệt may - da giày; cơ khí và sản xuất kim loại; chế biến gỗ, giấy, lâm sản… có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đóng góp phần lớn vào xu hướng tăng dần tỷ trọng của ngành CNCBCT của tỉnh…
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển CNCBCT đối với sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới, Đảng bộ tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các chương trình, kế hoạch thúc đẩy phát triển CNCBCT trên địa bàn tỉnh. Tiếp nối chiến lược phát triển, ngay sau Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2020-2025), BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển nhanh, bền vững ngành CNCBCT giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 - Nghị quyết đầu tiên của nhiệm kỳ mới. Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành CNCBCT chiếm tỷ trọng trên 15% trong GRDP, tốc độ tăng giá trị bình quân 17%/năm, thu hút tổng vốn đầu tư trên 50.000 tỷ đồng, tạo ra ít nhất 30.000 chỗ làm việc mới; phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng của ngành CNCBCT chiếm 20% trong GRDP, tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân 20%/năm, thu hút tổng vốn đầu tư trên 100.000 tỷ đồng, tạo ra trên 50.000 chỗ làm việc mới…
Nghị quyết ra đời được các chuyên gia đầu ngành về kinh tế vĩ mô, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá là hết sức phù hợp với thực tiễn yêu cầu khách quan của tiến trình phát triển của Quảng Ninh giai đoạn mới, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động nặng nề, để lại nhiều khó khăn thách thức tới ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh là du lịch, dịch vụ. Nghị quyết phù hợp với xu thế, thể hiện tầm nhìn mới, tư duy mới của tập thể BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Các quyết sách nêu trong Nghị quyết thể hiện tính khoa học, là bộ công cụ có thể đưa ngay vào tổ chức triển khai thực hiện.
Bám sát Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 01-NQ/TU, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng, ban hành Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 4/1/2021 thực hiện Nghị quyết. Trong đó đề ra 38 nhiệm vụ thuộc 8 nhóm giải pháp; phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương thực hiện. Tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển nhanh và bền vững các KKT, KCN nhằm tạo động lực thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển CNCBCT; huy động mọi nguồn lực tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp nói chung, CNCBCT nói riêng, nhanh và bền vững…
Từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đó, thông qua nhiều nguồn lực khác nhau, Quảng Ninh đã tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, đảm bảo thông thương hàng hóa. Trong đó, hạ tầng giao thông luôn được tỉnh xác định là then chốt của sự phát triển. Trong 3 năm qua, tỉnh đã hoàn thành hàng loạt các dự án giao thông động lực, như: Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả…, nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Được tiếp sức để là trụ cột tăng trưởng bền vững, tỉnh không ngừng xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật KCN, KKT. Từ một tỉnh có hạ tầng KCN, KKT vào nhóm thấp kém trong cả nước, đến nay Quảng Ninh đã xây dựng hoàn thiện 6 KCN có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; từng bước tiến đến mục tiêu hoàn thiện 16 KCN, 5 KKT theo Quy hoạch định hướng phát triển các KCN, KKT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỉnh phát triển các KCN theo hướng KCN sinh thái, KCN chuyên sâu, giảm bớt KCN tổng hợp, thu hút hàng trăm nhà đầu tư thứ cấp có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài. Đến nay tỉnh đã bắt đầu hình thành chuỗi công nghiệp dệt công nghệ cao tại KCN Cảng biển Hải Hà (giai đoạn 1); chuỗi công nghiệp sản xuất ô tô tại các KCN Việt Hưng, Sông Khoai, Đông Mai, Bắc Tiền Phong (TX Quảng Yên); chuỗi công nghiệp cơ khí chế tạo, lắp ráp thiết bị điện, điện tử tại KCN Đông Mai, KCN Sông Khoai… với nhiều tập đoàn lớn có năng lực vào đầu tư, như TCL, Foxconn, Jinko Solar…
Để tạo yên tâm cho các nhà đầu tư, kêu gọi nguồn lực vào ngành CNCBCT, tỉnh đẩy mạnh cải cách TTHC trong lĩnh vực đầu tư và các TTHC trực tiếp tác động đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp, như đất đai, xây dựng, thuế, hải quan…; kịp thời đề xuất sửa đổi, hủy bỏ những quy định của pháp luật, thủ tục pháp lý còn bất cập để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ nhà đầu tư; đẩy nhanh tiến độ GPMB để triển khai dự án… Đồng thời tỉnh xây dựng, duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình tiên phong, cách làm đột phá như trung tâm hành chính công các cấp, cơ quan xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh, tổ công tác đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp và các nhà đầu tư, mô hình "Cafe doanh nhân" và hội nghị gặp mặt doanh nghiệp... Qua đó chủ động trong việc tiếp cận, xúc tiến, tháo gỡ vướng mắc của các dự án lớn trong ngành CNCBCT; thu hút có chọn lọc dự án FDI chất lượng cao vào các ngành CNCBCT.
Tại lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam được tổ chức vào trung tuần tháng 10 vừa qua, ông Trần Kinh Vĩ, Tổng Giám đốc vận hành toàn cầu Tập đoàn Jinko Solar, chia sẻ: Tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên), Tập đoàn chúng tôi đã đầu tư 2 dự án với tổng mức đầu tư gần 900 triệu USD, hoàn thiện chuỗi dây chuyền sản xuất tấm quang năng quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Quảng Ninh đã trở thành địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi dây chuyền sản xuất của Jinko Solar trên phạm vi toàn cầu khi nhà máy đang hoạt động tại tỉnh hiện chiếm khoảng 50% tổng sản phẩm sản xuất của Tập đoàn tại nước ngoài. Sự đồng hành và hỗ trợ hiệu quả, thực chất của tỉnh Quảng Ninh thời gian vừa qua, cùng với đó là những điểm tích cực trong công tác cải cách hành chính cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chính là những yếu tố quyết định để Tập đoàn tiếp tục lựa chọn Quảng Ninh là địa điểm đầu tư Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam với tổng mức đầu tư lên đến 1,5 tỷ USD và có thể là các dự án khác trong tương lai.
Từng bước khẳng định vai trò động lực
Năm 2019 Tập đoàn Foxconn - một trong những “ông lớn” của ngành CNCBCT, triển khai dự án đầu tiên tại Quảng Ninh với nhà máy S-Việt Nam sản xuất module màn hình tinh thể lỏng và bảng mạch điện tử, tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên), tổng vốn đầu tư hơn 137 triệu USD. Sau một thời gian ổn định hoạt động SXKD, tháng 6/2023 Foxconn tiếp tục đầu tư thêm 2 dự án thuộc lĩnh vực CBCT tại KCN Sông Khoai: Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh, diện tích 4,1ha, tổng vốn đầu tư khoảng 46 triệu USD, sản xuất, gia công linh kiện, khuôn mẫu linh kiện của sản phẩm CNTT và sản phẩm truyền thông; nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh, diện tích 6,3ha, tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, sạc điện, bộ điều khiển sạc điện xe điện. Như vậy đến thời điểm hiện tại, Foxconn có 3 dự án thuộc lĩnh vực CNCBCT đầu tư tại Quảng Ninh, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 383 triệu USD, chiếm khoảng 1/10 quy mô đầu tư của Foxconn tại Việt Nam.
Jinko Solar - Tập đoàn sản xuất tấm quang năng tiên tiến và lớn bậc nhất thế giới, cũng lựa chọn Quảng Ninh là địa điểm đầu tư các dự án CBCT trị giá tỷ đô. Tháng 1/2022, Dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam, tổng mức đầu tư hơn 365 triệu USD, đã cho ra mắt sản phẩm đầu tiên, chỉ gần 4 tháng sau khi được trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tháng 10/2023, Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam, tổng mức đầu tư gần 500 triệu USD, chính thức đi vào vận hành sản xuất sau hơn 2 năm triển khai xây dựng. Khi đi vào hoạt động 100% công suất, dự án của Jinko Solar sẽ tạo ra doanh thu ước đạt hơn 100.000 tỷ đồng (4,37 tỷ USD). Sau thời gian được hưởng ưu đãi, dự án sẽ đóng góp cho ngân sách khoảng 1.400 tỷ đồng/năm (62 triệu USD/năm) qua thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời tạo việc làm ổn định cho khoảng 4.500 lao động với mức lương trung bình khoảng 13 triệu đồng/người/tháng. Nhận thấy tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là định hướng ưu tiên của tỉnh trong thu hút đầu tư vào ngành CNCBCT, Jinko Solar tiếp tục “rót” tỷ đô vào tỉnh với Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD, đưa tổng mức đầu tư vào Quảng Ninh của Tập đoàn gần 2,5 tỷ USD…
Quảng Ninh đang là địa điểm đầu tư các dự án lớn của hàng loạt các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành CNCBCT. Trong đó có thể kể đến các dự án: Sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô tô và xe có động cơ (tại KCN Sông Khoai), tổng mức đầu tư 154 triệu USD, công suất thiết kế 10 triệu sản phẩm/năm của Công ty TNHH Autoliv Việt Nam thuộc Tập đoàn Autoliv - Tập đoàn hàng đầu trên thế giới trong việc nghiên cứu và sản xuất các thiết bị an toàn trên ô tô; Tổ hợp nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô (tại KCN Việt Hưng), tổng vốn đầu tư hơn 8.600 tỷ đồng, của Tập đoàn Thành Công, hợp tác với Škoda Auto của Cộng hòa Séc lắp ráp, sản xuất ô tô thương hiệu Škoda đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á; các dự án thuộc lĩnh vực sơ, sợi tại các KCN Cảng biển Hải Hà, Việt Hưng, Hải Yên…
Với hàng loạt dự án tầm cỡ của các nhà đầu tư tên tuổi, tiềm năng, ngành CNCBCT đang đạt được nhiều kết quả tích cực, ngày càng khẳng định là ngành quan trọng trong nền kinh tế; là trụ cột, động lực chính tăng trưởng bền vững của tỉnh. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 1.100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNCBCT với tổng vốn đăng ký trên 175.000 tỷ đồng. Trong đó, khu vực ngoài các KKT, KCN có 980 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký trên 15.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho trên 75.800 lao động. Tại các KKT, KCN có 118 dự án CNCBCT, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 160.000 tỷ đồng (82 dự án vốn FDI, tổng vốn đăng ký 4,213 tỷ USD; 36 dự án vốn đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký gần 60.300 tỷ đồng).
Năm 2021 tỷ trọng ngành CNCBCT trong cơ cấu GRDP đạt 11,3% (tăng 1,5% so với năm 2020); năm 2022 đạt 11,5% (tăng 0,2% so với năm 2021); 9 tháng năm 2023 là 11,6%, dần tiến tới mục tiêu đã đề ra đến năm 2025 chiếm 15% trong GRDP. Tốc độ tăng trưởng ngành năm 2021 là 30,73% (gần gấp đôi so với tốc độ 17% của năm 2020); năm 2022 đạt mức 16,54%; 9 tháng năm 2023 đạt 11,77%. Bình quân 3 năm, tốc độ tăng trưởng đạt 19,68%/năm, cao hơn so với mức bình quân đã đề ra theo Nghị quyết số 01-NQ/TU là 17%/năm. Thu hút vốn đầu tư ngành CNCBCT trong 2 tháng cuối năm 2020 và năm 2021 đạt 31.700 tỷ đồng; năm 2022 đạt 12.860 tỷ đồng; 9 tháng năm 2023 đạt 60.300 tỷ đồng. Lũy kế đến nay đã đạt gần 105.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn FDI đạt trên 2,347 tỷ USD. Sau 3 năm, thu hút vốn đầu tư đạt 210% mục tiêu đã đề ra là 50.000 tỷ đồng đến năm 2025 (bình quân 10.000 tỷ đồng/năm). Tổng số lao động ngành CNCBCT tăng trên 23.886 người, đạt gần 80% với mục tiêu Nghị quyết số 01-NQ/TU đề ra là tạo ra thêm 30.000 việc làm mới đến năm 2025…
9 tháng năm 2023, có 15/21 ngành thuộc lĩnh vực CNCBCT có chỉ số tăng so với cùng kỳ năm 2022, tiêu biểu như: Ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng gần 240%; ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng gần 165%; ngành sản xuất thiết bị điện tăng hơn 112%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng gần 92%; ngành sản xuất trang phục tăng gần 40%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng gần 18%... Một số sản phẩm CNCBCT 9 tháng năm 2023 cũng có mức tăng so cùng kỳ, như: Bia đóng chai tăng 25,7%; nước tinh khiết tăng 13,5%; bộ comlê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần soóc cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc tăng gần 60%; tấm sàn Vinil Tines tăng 214,5%; tấm Silíc tăng 110,2%; vòng tay thông minh gần 850.000 cái...
Với những thành tựu bước đầu đã đạt được, trong giai đoạn mới, tỉnh đang tiếp tục đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ cao hơn trong phát triển CNCBCT. Quảng Ninh phấn đấu từ nay đến 2025, mỗi năm thu hút khoảng 2 tỷ USD vào lĩnh vực CNCBCT và tạo việc làm mới cho trên 20.000 lao động trở lên. Giai đoạn 2026-2030, phấn đấu mỗi năm thu hút 3 tỷ USD, giải quyết việc làm cho từ 30.000 lao động trở lên. Tỷ trọng đóng góp cho GRDP hằng năm của CNCBCT đến năm 2025 khoảng 20%. Tốc độ tăng trưởng ngành CNCBCT hằng năm đạt 20% trở lên…
Song Hà
Liên kết website
Ý kiến ()