Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 05:07 (GMT +7)
Tâm điểm của sự đổi mới
Thứ 4, 25/10/2023 | 13:30:22 [GMT +7] A A
Mỗi năm, tỉnh xây dựng một chủ đề công tác cụ thể, có sự xâu chuỗi để tạo sự gắn kết, tiếp nối, bổ trợ cho nhau theo từng năm. Với chủ đề công tác năm 2015 “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, xây dựng thương hiệu, tiếp tục hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh”, Quảng Ninh đã tạo nhiều dấu ấn quan trọng, trở thành tâm điểm của sự đổi mới trên nhiều lĩnh vực.
Chăm lo “cái gốc” của mọi công việc
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh “Cán bộ là cái gốc của mọi việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ tỉnh luôn dành quan tâm đặc biệt cho công tác cán bộ.
Năm 2015 Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU "Về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. Tỉnh đã triển khai hàng loạt các giải pháp để cụ thể hóa Nghị quyết. UBND tỉnh phê duyệt Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020”...
Tỉnh ủy đã có nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp với từng thời kỳ; trực tiếp lãnh đạo, quản lý cán bộ, thể chế hóa, cụ thể hóa bằng nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn...; nhiều đột phá theo hướng dân chủ hóa, công khai hóa, đặc biệt đã tiên phong tạo dựng được cơ chế thi tuyển cạnh tranh lành mạnh trong lựa chọn cán bộ, xây dựng đề án, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng CBCC.
Hết năm 2015, CBCC có trình độ đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) tăng hơn 2,3 lần so với năm 2010; 100% ủy viên BCH các đảng bộ trực thuộc tỉnh có trình độ cao cấp lý luận chính trị, chuyên môn đại học trở lên; gần 63% số ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh có trình độ chuyên môn thạc sĩ, tiến sĩ (nhiệm kỳ trước là 23,43%)...
Trong công tác tạo nguồn, quy hoạch, BTV Tỉnh ủy thực hiện đồng bộ, đúng, đủ các quy trình, quy định. Tỉnh ủy chỉ đạo mở rộng phạm vi giới thiệu, đối tượng lấy ý kiến phát hiện cán bộ để đưa vào quy hoạch theo hướng “động” và “mở”, tiến hành đồng bộ cả 3 cấp và lấy quy hoạch cấp dưới để xây dựng quy hoạch cấp trên; mở rộng nguồn cán bộ từ các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, phát huy dân chủ trong giới thiệu, phát hiện nguồn cán bộ quy hoạch, bảo đảm cơ cấu, tính kế thừa và phát triển. Thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của CBCC và lãnh đạo ở từng cơ quan “từ trên xuống”; “từ dưới lên” và “sang ngang”.
Năm 2015 diễn ra đại hội đảng bộ các cấp, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, đại hội được tiến hành nghiêm túc, nhất quán từ tỉnh đến cơ sở, gắn với thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU (ngày 3/3/2015) của BCH Đảng bộ tỉnh "Về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế". Tỉnh thực hiện nhất thể hóa các chức danh người đứng đầu cấp ủy và chính quyền tại huyện Cô Tô và huyệnTiên Yên; bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã đạt 33,87%; bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn (bản, khu phố) và bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ban công tác mặt trận ở 499 thôn (bản, khu phố) (đạt 31,83%). Các địa phương cũng thực hiện nhất thể hóa các chức danh người đứng đầu các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng...
Đến nay, tỉnh duy trì bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở nơi đủ điều kiện là huyện đảo Cô Tô, tại 115/177 địa phương cấp xã (65%); bí thư cấp ủy không phải là người địa phương tại 12/13 đơn vị cấp huyện (92,3%) và tại 138/177 địa phương cấp xã; duy trì 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn (bản, khu phố) theo phương châm “Dân tin, Đảng cử” 2 nhiệm kỳ liên tiếp (2015-2020; 2020-2025)...
Lan tỏa thương hiệu địa phương
Quảng Ninh hội tụ đầy đủ các yếu tố đặc thù về địa hình của đất nước Việt Nam nên được ví như "một Việt Nam thu nhỏ”. Quảng Ninh có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng; có tài nguyên du lịch đặc sắc với nhiều di tích và danh lam thắng cảnh nổi tiếng...
Năm 2015 Quảng Ninh tiên phong xây dựng thương hiệu địa phương với mục tiêu cao nhất đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thu hút ngày càng nhiều du khách, nhà đầu tư đến Quảng Ninh. Tiến trình xây dựng thương hiệu địa phương, tỉnh tập trung xây dựng quy hoạch, xúc tiến đầu tư; truyền thông hình ảnh Quảng Ninh; xây dựng sản phẩm đặc sắc địa phương; tăng niềm tin, thiện cảm, tình yêu của đối tác, khách du lịch và người dân với tỉnh Quảng Ninh...
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong nước thành lập Hội đồng thương hiệu tỉnh, có sự tham gia cố vấn của đội ngũ chuyên gia thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước. Trong năm 2015 Quảng Ninh đạt nhiều dấu ấn trong thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). Chương trình đã mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có lợi thế địa phương; nhiều sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng, có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường tiềm năng.
Đến nay toàn tỉnh có 336 sản phẩm OCOP của 13/13 địa phương đạt từ 3-5 sao (246 sản phẩm 3 sao; 86 sản phẩm 4 sao; 4 sản phẩm 5 sao). Năm 2015 tỉnh có 82 xã đạt tiêu chí xã NTM; 6/10 huyện, thị xã, thành phố cơ bản đạt NTM, trong đó Đông Triều là huyện đầu tiên của miền Bắc đạt chuẩn NTM.
Hết năm 2021 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Hết năm 2022 tỉnh có 54/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 26 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Tiên Yên và Đầm Hà đạt chuẩn NTM nâng cao; tỉnh hoàn thành nội dung, tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng NTM, về đích sớm 1 năm so với Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đề ra.
Năm 2015 tỉnh ban hành Bộ Quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”; trong đó có những quy định, chuẩn mực, định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh, phù hợp với văn hóa truyền thống, phong tục tập quán Việt Nam và địa phương cho các tổ chức, cá nhân hoạt động lĩnh vực du lịch, người dân và khách du lịch khi tham gia các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh... “Nụ cười Hạ Long” truyền tải thông điệp “Nụ cười đến từ trái tim”, đưa Quảng Ninh thực sự là mảnh đất của những nụ cười, của sự mến khách, thân thiện và lịch thiệp...
Hình ảnh Quảng Ninh thân thiện, mến khách ngày càng lan tỏa. Năm 2015 Quảng Ninh thu hút 7,7 triệu lượt du khách, tổng doanh thu du lịch 6.500 tỷ đồng. Hơn 3 năm trở lại đây, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng Quảng Ninh vẫn khẳng định là điểm đến an toàn của du khách; 6 tháng đầu năm 2023 Quảng Ninh đón 8,86 triệu lượt khách; tổng thu từ du lịch ước đạt 16.660 tỷ đồng.
Không ngừng đổi mới, lắng nghe tiếng nói người dân và doanh nghiệp
Nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh, năm 2015 tỉnh đã khẩn trương triển khai Quyết định số 2428/QĐ-TTg (ngày 31/12/2014) của Thủ tướng Chính phủ "Về một số cơ chế chính sách đặc thù đối với tỉnh Quảng Ninh và Khu kinh tế Vân Đồn"; ban hành các kế hoạch, quyết định, chỉ đạo đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Tỉnh xây dựng Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) với mục tiêu cải thiện chất lượng điều hành của lãnh đạo các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Điều này tạo sự cạnh tranh, thi đua quyết liệt của các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Năm 2015 Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các trung tâm hành chính công cấp huyện duy trì tốt hoạt động với việc đưa 100% TTHC vào thực hiện.
Không ngừng cải cách qua các năm, hiện kho dữ liệu số hóa của tỉnh tiếp tục thu thập, tổng hợp dữ liệu, việc kết nối, chia sẻ, liên thông, truy xuất, khai thác dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, nhất là trong giải quyết các TTHC, được thực hiện nhanh chóng, chính xác... Qua đó tiếp tục hoàn thiện quy trình 5 bước giải quyết TTHC hoàn toàn trên môi trường điện tử... Đây là dấu ấn quan trọng của sự đột phá, tiên phong trong xây dựng nền hành chính công chuyên nghiệp. Tỉnh đang đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện với quyết tâm đưa Quảng Ninh trở thành hình mẫu về chuyển đổi số.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân, Quảng Ninh đang ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược. Năm 2015 tổng vốn đầu tư cho phát triển trên địa bàn khoảng 51.343 tỷ đồng (tăng cao nhất so với thời điểm trước đó). Trong đó, vốn nhà nước 18.939 tỷ đồng; vốn FDI 15.156 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp ngoài nhà nước 17.248 tỷ đồng. Giai đoạn 2015-2020 đạt 344.916 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015; giai đoạn 2021-2023 ước đạt 294.059 tỷ đồng. Quảng Ninh hiện có đối tác, nhà đầu tư từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Ninh có bước đột phá ngoạn mục, từ vị trí thứ 20 (năm 2012) vươn lên vị trí thứ 3 toàn quốc và đứng đầu các tỉnh phía Bắc (năm 2015) - là năm thứ 3 liên tiếp góp mặt trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước; cũng là năm Quảng Ninh đạt thứ hạng, điểm số cao nhất trong 11 năm điều tra PCI. Đến nay Quảng Ninh là địa phương duy nhất dẫn đầu cả nước cùng lúc ở cả 4 Chỉ số (PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI). Điều này khẳng định sự cam kết, đồng hành của cả hệ thống chính trị tỉnh với người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp về xây dựng “Chính quyền phục vụ, do nhân dân, vì nhân dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()