Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 23:49 (GMT +7)
Tấm lòng y đức của nữ bác sĩ trẻ
Thứ 5, 15/07/2021 | 18:45:34 [GMT +7] A A
Khi ở nhà, bác sĩ Vũ Hồng Sen là một người vợ, người mẹ đảm đang, luôn giúp đỡ những người già yếu, bệnh tật có hoàn cảnh khó khăn. Khi dịch bệnh kéo đến, chị sẵn sàng khoác lên mình “tấm giáp trắng”, chấp nhận rời xa gia đình để xung phong đi vào tâm dịch. Tấm gương cao đẹp của bác sĩ trẻ ra trường chưa lâu này được nhiều người quý trọng.
Chị Vũ Hồng Sen sinh sống ở phường Mạo Khê, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, nhưng hiện đang công tác tại trạm y tế phường Minh Tân, TX Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Tuy công việc ở trạm y tế thường hay phải đi trực đêm mà nhà chị lại ở Quảng Ninh, mỗi ngày đi làm mất hơn 10 cây số và khi có ca cấp cứu lại phải có mặt ngay nhưng chị luôn chu toàn mọi công việc trong gia đình. Từ cách chăm sóc gia đình đến cách đối đãi, ứng xử với đồng nghiệp và mọi người xung quanh, ai ai cũng khen ngợi chị.
Vào khoảng đầu tháng 1/2021, Việt Nam lại phải hứng chịu đợt dịch Covid-19 thứ 3 bùng phát với tâm dịch là tỉnh Hải Dương. Có những hôm số ca nhiễm mỗi ngày lên đến vài trăm người, việc kiểm soát và khoanh vùng dịch rất khó khăn. Đứng trước tình hình như vậy, chị Sen đã quyết định sẽ ở lại tỉnh Hải Dương để chống dịch. Mới đầu gia đình nhà chồng tỏ vẻ không vừa ý, muốn khuyên ngăn chị đừng đi nhưng vì trách nhiệm và nghĩa vụ của một người bác sĩ đó là cứu người, chị đã gạt nước mắt mà chia tay chồng con để lên đường vào tâm dịch Hải Dương. Nhớ lại ngày lên đường đi chống dịch, chị Vũ Hồng Sen vẫn không khỏi nghẹn ngào: Nhớ lúc đi qua cầu để sang địa phận tỉnh Hải Dương còn chồng con phải đứng ở đầu bên kia phía Quảng Ninh vẫy tay tạm biệt vì tỉnh lập chốt kiểm soát không cho người dân đi qua mà tôi không dám ngoái lại nhìn, chỉ đến khi đi khuất rồi mới ngồi xụp xuống mà khóc.
Những ngày chống dịch, chị gần như chỉ được ngủ 4 tiếng mỗi ngày. Ban ngày thì túc trực ở trạm kiểm soát, đêm thì lại đi lấy mẫu xét nghiệm trong khu cách ly. Cao điểm có những hôm chị phải thức trắng cả đêm để sàng lọc và lấy mẫu xét nghiệm. Chị kể có lần chị đuối quá mà bị ngất lịm đi nhưng sau khi được truyền nước cho tỉnh táo thì chị lại khoác áo bảo hộ tiếp tục chiến đấu vì chị biết ngoài kia còn rất nhiều người đang cần đến chị. Bên cạnh đó cũng có những người dân không chịu hợp tác với y bác sĩ, khi được đưa đi cách ly còn có ý định hành hung và trốn cách ly gây rất nhiều khó khăn trong quá trình chống dịch. Thấy vậy nên chị luôn phải đi thăm khám và động viên người dân trong khu cách ly để cho họ có một tâm thế hợp tác và thoải mái nhất. Khi hỏi cảm nhận về chị Vũ Hồng Sen, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Minh Tân – bà Nguyễn Thu Phương nhận xét: “Bác sĩ Sen là người vừa có tài vừa có tâm, thân thiện, khéo léo lại nhiệt tình, việc nặng việc nhẹ gì cũng chẳng bao giờ thấy than phiền”.
Sau hơn 2 tháng chống dịch dài đằng đẵng, tình hình dịch đã dần được kiểm soát. Khi công cuộc phòng chống dịch đã đỡ vất vả hơn, chị lại đến gặp các hộ nông dân trong vùng dịch để giúp người dân tỉnh Hải Dương giải cứu nông sản. Chị sử dụng mạng xã hội Facebook để kêu gọi các tỉnh cứu trợ nông sản cho bà con và nhiệt tình giúp đỡ bà con vận chuyển, thu hoạch nông sản. Tấm lòng của chị được mọi người rất quý trọng và cảm mến. Ngày chị hoàn thành nhiệm vụ và cách ly xong để trở về với gia đình ở Quảng Ninh, chị còn được bà con đến biếu những món quà quê cây nhà lá vườn để tỏ lòng cảm ơn nhưng chị không nhận mà còn trích ít tiền túi ra để giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm bệnh tật trong vùng.
Ngay cả ở phường Mạo Khê, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh – nơi chị Vũ Hồng Sen đang sinh sống, chị cũng được bà con làng xóm rất yêu quý vì luôn có tấm lòng thương người. Khi nghe tin thấy gia đình nào có người già yếu hay bệnh tật khó khăn, chị đều tìm đến để thăm khám miễn phí. Anh Nguyễn Tiến Phương – chồng chị kể: Có hôm trời mưa rét nhưng nghe tin có gia đình ở khu bên, con bị ốm sốt mà không thể đưa đi viện, chị nói chuyện với anh rồi hai vợ chồng trùm áo mưa, mang theo đồ nghề rồi phóng xe máy đi. Gia đình mình có người làm bác sĩ thì thôi cứ giúp họ được chút nào hay chút ấy chứ cũng chẳng màng đến ân huệ...
Vũ Hồng Ngọc (Sinh viên K69, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)
Liên kết website
Ý kiến ()