Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:15 (GMT +7)
Sắc màu văn hoá của người Dao Thanh Phán ở Ba Chẽ
Thứ 7, 05/11/2022 | 15:13:12 [GMT +7] A A
Huyện Ba Chẽ hiện có 14 dân tộc anh em cùng cư trú, trong đó có 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số như Dao, Sán Chay, Tày, Hoa, Nùng, Mường, Thái... Người Dao ở Ba Chẽ có 3 nhóm là: Thanh Y, Thanh Phán, Lô Gang chiếm 45,2%.
Người Dao Thanh Phán cư trú ở các thôn Khe Giấy, Khe Nà, Bãi Liêu, Đồng Cầu (xã Lương Mông), Đồng Quánh (xã Minh Cầm), Đồng Dằm (xã Đạp Thanh), Khe Nà, Thành Công (xã Thanh Sơn), Nước Đừng, Tàu Tiên, Nam Kim, Pắc Cáy, Lang Cang, Khe Vang, Nà Bắp, Khe Mằn, Làng Cổng, Nà Làng, Khe Mười (xã Đồn Đạc). Đồng bào cư trú ở những nơi có địa hình vùng núi cao, nơi có khí hậu mát mẻ trong lành, nguồn đất và nguồn nước dồi dào. Những dấu ấn của người Dao Thanh Phán được thể hiện qua các yếu tố văn hóa phi vật thể mang bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh.
Nét văn hóa đặc trưng nhất đó là nghi lễ nhảy lửa. Nghi lễ này chỉ áp dụng với người nhập được đồng. Ở giữa các nghệ nhân ngồi là đống củi to (củi quế hoặc lim) được đốt thành than đỏ rực. Thầy cúng cúng khoảng 40 phút, sau đó vãi gạo vào các nghệ nhân. Khi được thần linh chấp nhận, các nghệ nhân bắt đầu rung người mạnh, đôi chân trần nhảy lò cò vào đống than hồng tung lên kèm theo điệu trống rộn rã làm cho khung cảnh trở lên huyền bí, linh thiêng. Điều kỳ lạ là chân của các nghệ nhân không hề bị bỏng. Đây là một điều hết sức đặc biệt đã gây sự tò mò đối với người xem.
Có lẽ do cuộc sống gắn bó với thiên nhiên lâu đời, nên người Dao rất coi trọng các vị thần linh như: Thần Lửa, thần Rừng, thần Nước, thần Núi. Trong đó, thần Lửa đem lại cho họ sức mạnh, sự tự tin và dũng cảm trong quá trình chinh phục tự nhiên. Trong nghi thức nhảy lửa, có vai trò quan trọng của thầy cúng với các vật dụng tạo âm thanh (trống được làm từ cây gù hương, mặt trống được làm từ da con sơn dương), lễ vật cúng gồm 1 con gà trống, 5 chén rượu, 5 chén chè, 1 bát gạo được bọc trong 1 mảnh vải trắng, 1 thanh kiếm. Việc da thịt con người tiếp xúc được với lửa mang những nét huyền bí và khoa học chưa thể giải thích được.
Đối với dân tộc Dao nói chung và người Dao Thanh Phán nói riêng, khi nhắc đến các nghi lễ, lễ hội đều không thể không nhắc đến nghi lễ cấp sắc của người đàn ông Dao hay còn gọi là lễ đặt tên âm cho người con trai đã trưởng thành. Đây là lễ công nhận người đàn ông chính thức, là con cháu Bàn Vương - Thủy tổ của người Dao. Người Dao Thanh Phán tin rằng, con người ta khi chết mà chưa được đặt pháp danh, chưa được làm lễ cấp sắc thì bị coi là ô uế, là người ngoài họ, không được coi là con cháu của Bàn Vương. Người chưa được cấp sắc dù tuổi có già cả như thế nào đi nữa vẫn bị coi là trẻ con. Người Dao Thanh Phán có lòng tin sâu sắc rằng, được cấp sắc thì làm ăn mới được may mắn, sinh hoạt mọi mặt mới được thuận lợi, dòng họ dân tộc mới phát triển. Thông thường, người được cấp sắc là người đã có vợ. Trước kia lễ cấp sắc diễn ra 3 ngày 3 đêm, ngày nay, thực hiện nếp sống văn minh, lễ cấp sắc giảm chỉ còn 2 ngày, 2 đêm. Lễ cấp sắc thể hiện đặc trưng văn hóa tộc người, góp phần thắt chặt tình đoàn kết anh em, dòng họ, làng bản và duy trì truyền thống giáo dục trong cộng đồng người Dao Thanh Phán.
Vốn là cư dân nông nghiệp, từ bao đời nay, phụ nữ người Dao đều coi trọng việc ăn mặc, cách chọn hoa văn thêu lên trang phục thể hiện những khát vọng sống, tâm tư và tình cảm. Trang phục của người Dao Thanh Phán được mặc trong đời sống hàng ngày, đặc biệt trang phục nữ giới. Đến Ba Chẽ, du khách dễ dàng nhìn thấy những tốp phụ nữ mặc trang phục truyền thống tại các chợ, trên các con đường lên nương, lễ hội, đi ăn cưới hoặc sinh hoạt trong nhà. Điểm đặc biệt trong trang phục nữ Dao Thanh Phán là hoa văn được thêu tay khá cầu kỳ. Các họa tiết không theo mẫu in sẵn mà được thực hiện thành thục bằng sự khéo léo và trí nhớ, nổi trội hơn cả là họa tiết hình chân chó, đây là biểu tượng vị thủy tổ của người Dao. Họ cho rằng tổ tiên luôn đi theo để phù hộ, tránh được mọi tai ương, bất trắc. Bên cạnh đó là các họa tiết hoa văn phản ánh đời sống văn hóa của người Dao như hình lưỡi bừa, con đường, con chim, súng, ruột chó, cây sâm, mặt trời, con người, cầu vồng, cây hẹ, hoa đậu đũa, hạt dưa nương, lá cây... Mỗi bộ quần áo của người Dao Thanh Phán thường được thêu tỉ mỉ suốt vài tháng, có khi cả năm mới hoàn thành.
Trang phục nữ Dao Thanh Phán gồm áo, quần dài, mũ đội đầu, dây lưng. Áo dài màu đen, ống tay rộng, cửa tay áo nẹp vải đỏ, phía sau thân áo có thêu hoa văn, nẹp thân áo đáp vải in hoa hoặc thêu hoa văn. Khi mặc áo vắt thân bên phải qua thân bên trái rồi buộc dây lưng ra ngoài. Quần màu đen, thắt chun, dài đến mắt cá chân, cắt theo kiểu bổ đũng ống quần, gấu quần có thêu hoa văn công phu, phần này thường thêu trước, khi may quần thì chắp thêm vào, cạp chun. Khăn đội đầu là một mảnh vải dài hình chữ nhật màu chàm hoặc màu xanh vấn trên đầu, cùng với khăn là dây hạt cườm quấn từ đỉnh đầu đến cằm, dây lưng màu đỏ hoặc màu xanh quấn qua vòng eo thắt nút đằng sau. Trang phục nam gồm có áo ngắn màu đen, hai bên thân áo có túi, cổ áo cao, nẹp ngực to, đính nhiều khuy được tết bằng vải. Áo thêu hoa văn hình con chim, cỏ cây hoa lá. Quần may bằng vải nhuộm chàm, cạp chun, ống rộng, chỉ dài trên mắt cá chân.
Trong đời sống văn hoá tinh thần, hát dân ca của người Dao Thanh Phán cũng rất phong phú, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Hát dân ca được chia thành hát ru, hát vui chơi, hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ, nhưng hát đối đáp là thông dụng hơn. Hát đối đáp thường áp dụng khi làm quen, tìm hiểu nhau, chia làm hai bên nam - nữ, tối thiểu mỗi bên có một người. Chủ đề gồm các bài hát ca ngợi tình yêu đôi lứa, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, lao động, sản xuất...
Người Dao Thanh Phán đón Tết sớm. Từ 15 tháng chạp trở đi, tất cả anh em họ hàng trong dòng tộc tổ chức ăn Tết tại nhà lớn (nhà tổ), để tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho dòng họ một năm mạnh khỏe, bình an, làm ăn thuận lợi. Lễ cúng gia tiên gồm 6 con gà mái, 1 con gà trống, nếu đối với người nhập đồng lễ tạ ơn thêm 1 con gà trống, thịt lợn, bánh trưng, rượu. Sau khi ăn Tết tại nhà lớn, các gia đình trong gia tộc mới ăn Tết tại nhà riêng.
Theo tục cưới hỏi, trai gái người Dao Thanh Phán muốn lấy được nhau phải so tuổi rất kỹ. Trong ngày cưới, thầy cúng răn dạy cho hai vợ chồng trẻ những điều hay lẽ phải như phải biết kính trên nhường dưới, lễ phép, giữ gìn hạnh phúc gia đình, biết cách làm ăn. Hầu hết phụ nữ Dao Thanh Phán đều diện trang phục truyền thống đến dự lễ cưới. Cô dâu nổi bật với trang phục gồm mũ có đính nhiều tua chỉ màu sắc sặc sỡ trùm kín lên chiếc nón và những đường thêu hoa văn thổ cẩm tinh xảo. Có hai phù dâu và một phù rể. Khi cô dâu về nhà chồng tuyệt đối không được ngồi chung mâm với ông, với bác. Đám cưới là một trong những sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Dao Thanh Phán, trong đó chứa đựng những giá trị về văn hóa, lịch sử và giáo dục.
Đến với Ba Chẽ, du khách sẽ tận mắt cảm nhận những gam sắc màu văn hóa dân tộc phong phú, trong đó có nét văn hóa độc đáo của người Dao Thanh Phán, một trong những tộc người còn lưu giữ bản sắc rất riêng trong vườn hoa sắc màu văn hóa dân tộc ở vùng miền núi Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh.
Vi Thị Tuyến (Phòng Văn hóa - Thông tin Ba Chẽ)
Liên kết website
Ý kiến ()