Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 15:49 (GMT +7)
Tăng cường các biện pháp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm
Thứ 7, 15/10/2022 | 15:16:47 [GMT +7] A A
Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch Covid-19 và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 trở nên phức tạp, gia tăng trở lại. Vắc-xin vẫn là biện pháp quan trọng nhằm kiểm soát dịch Covid-19.
Tại Quảng Ninh, theo báo cáo của Sở Y tế, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 360 nghìn ca mắc Covid-19, 158 trường hợp tử vong. Hiện, dịch bệnh đang có xu hướng giảm dần với số ca mắc ở mức 20-90 ca/ngày. Tình hình dịch Covid-19 vẫn cơ bản được kiểm soát, các hoạt động KT-XH trở lại bình thường. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây vẫn ghi nhận số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng…
Để tiếp tục bảo vệ và duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch Covid-19, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tạo điều kiện phục hồi, phát triển KT-XH, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nâng cao tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19. Tính đến ngày 13/10, toàn tỉnh đã triển khai tiêm được trên 4,1 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng.
Đến nay, độ bao phủ vắc xin của tỉnh ở các nhóm đối tượng, như sau: Người lớn (từ 18 tuổi trở lên), mũi 1 đạt 99,62%; mũi 2 đạt 99,16%; mũi 3 đạt 96,97; mũi 4 đạt 63,24%. Trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, mũi 1 và mũi 2 đạt gần 100%; mũi 3 đạt 92,17%. Trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, mũi 1 đạt 99,47%; mũi 2 đạt 80,82%. Tất cả trẻ em tham gia tiêm chủng đến nay đều đảm bảo an toàn. Đây là lá chắn cực kỳ quan trọng bảo vệ người dân, đặc biệt là trẻ em và người yếu thế.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, từ tháng 10/2022, tỉnh bắt đầu đưa vào sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 loại mới dạng hỗn dịch. Theo đó, vắc-xin phòng Covid-19 loại mới là vắc-xin Comirnaty của Pfizer-BioNtech dạng hỗn dịch tiêm (nắp xám), có thành phần giống như vắc-xin Pfizer-BioNtech đã và đang được ngành y tế sử dụng nhưng có ưu điểm vượt trội hơn là không cần pha loãng trước khi tiêm, sử dụng cho người từ 12 tuổi trở lên. Sở Y tế Quảng Ninh đã chỉ đạo CDC Quảng Ninh tập huấn, hướng dẫn các đơn vị về công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 loại mới Pfizer-BioNtech dạng hỗn dịch đảm bảo an toàn.
Bên cạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngành y tế Quảng Ninh tăng cường các biện pháp ngăn chặn một số loại dịch bệnh mới nổi, tái nổi như: viêm gan lạ, cúm A/H5N1, A/H7N9, Mers-CoV, mắc bệnh do Adeno virus chưa ghi nhận trường hợp mắc. Các dịch bệnh khác như: thủy đậu, quai bị, sốt phát ban nghi sởi, liên cầu lợn… đang được kiểm soát. Tuy nhiên bệnh cúm mùa, tay chân miệng có tỷ lệ mắc tăng so với cùng kỳ 2021 (307 ca tay chân miệng; 2340 ca cúm mùa), bệnh sốt xuất huyết không tăng so với cùng kỳ nhưng cần được giám sát chặt chẽ để tránh bùng dịch.
Ngoài ra, tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới và có ca mắc đầu tiên tại Việt Nam. Tại Quảng Ninh chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ, tuy nhiên, với đặc thù là địa phương có nhiều đầu mối giao thông, thương mại, du lịch và công nghiệp, có đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, cảng hàng không Quốc tế, nguy cơ có thể xuất hiện và lây lan đậu mùa khỉ tại Quảng Ninh là rất lớn.
Đề chủ động phòng, chống dịch bệnh từ xa, từ sớm, Sở Y tế đã chỉ đạo CDC Quảng Ninh, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế phối hợp giám sát ca bệnh dựa vào sự kiện; giám sát các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, tại các cơ sở khám chữa bệnh nhằm phát hiện sớm trường hợp đậu mùa khỉ đầu tiên để xử lý triệt để, tránh lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do bệnh dịch trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, ngành y tế củng cố và kiện toàn các đội đáp ứng nhanh, đội điều trị, đội điều trị cấp cứu cơ động tại các bệnh viện, đơn vị y tế; chủ động phương án kiểm soát nhiễm khuẩn, bố trí khu cách ly của các bệnh viện; trang bị phương tiện phòng hộ cho cán bộ y tế, phương tiện chẩn đoán, điều trị cấp cứu…
Ngành Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ triển khai các chiến dịch uống vắc-xin bại liệt (OPV), tiêm vắc-xin bạch hầu – uốn ván giảm liều (Td); tiêm vét các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là vắc-xin sởi – rubella, bạch hầu – ho gà – uốn ván, viêm não Nhật Bản cho trẻ em. Tăng tốc thực hiện các chương trình mục tiêu, đặc biệt là phối hợp thưc hiện tiêu chí về y tế thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi, giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của xã hội về y tế dự phòng và y tế tại cơ sở; tuyên truyền để mọi người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()