Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 21:30 (GMT +7)
Tăng cường các giải pháp thu ngân sách cuối năm
Thứ 5, 28/07/2022 | 13:47:50 [GMT +7] A A
Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu thu NSNN trên địa bàn đạt hơn 52.000 tỷ đồng. Đây là số thu lớn trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn do thời gian qua các ngành, lĩnh vực đều chịu tác động trực tiếp từ đại dịch Covid-19. Để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, góp phần hoàn thành mục tiêu đề ra, trong những tháng cuối năm, các ngành, địa phương cần quán triệt sâu sắc nhiệm vụ này, đề ra các giải pháp thiết thực, cụ thể để thực hiện hiệu quả.
Theo tổng hợp, 6 tháng đầu năm 2022, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 28.600 tỷ đồng, bằng 55% dự toán và tăng 24% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 6.450 tỷ đồng, bằng 61% dự toán; thu nội địa ước thực hiện trên 22.200 tỷ đồng. Có 6/13 địa phương vượt tốc độ thu bình quân và 7/13 địa phương thu ngân sách chậm so với tiến độ giao. Riêng ngành than đã có những đóng góp tích cực vào ngân sách của tỉnh Quảng Ninh. Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và nộp ngân sách đều đạt và vượt so với kế hoạch được giao.
Để có được kết quả thu tích cực này, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh quyết liệt triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, đặc biệt quan tâm tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giúp các doanh nghiệp đưa các dự án mới đi vào hoạt động; tăng sản lượng, năng lực sản xuất, đặc biệt là các ngành than, điện, các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp. Cùng với đó, các đơn vị cũng đã tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước, chủ động liên kết với các hãng hàng không, tàu biển, các tập đoàn du lịch hàng đầu quốc tế; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với việc thông quan hàng hóa, giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu biên giới trên địa bàn tỉnh, nhất là các cửa khẩu tại TP Móng Cái... Nhờ đó, các chỉ tiêu thu ngân sách đều cơ bản đạt mục tiêu đặt ra.
Dù đã đạt được những kết quả khá tích cực, nhưng hiện vẫn còn một số khoản thu không đạt tốc độ thu bình quân, như lệ phí trước bạ, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê mặt đất, mặt nước, thuế bảo vệ môi trường, thu phí và lệ phí, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế... Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức đối với tỉnh, bởi từ nay đến cuối năm, công tác thu ngân sách được dự báo phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Việc tiếp tục thực hiện các giải pháp giãn giảm thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến số thu ngân sách trên địa bàn.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, từ nay đến cuối năm, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục duy trì phát huy hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo điều hành ngân sách các cấp, phấn đấu trong 6 tháng cuối năm, thu NSNN phải đạt 26.463 tỷ đồng, trong đó tăng trưởng khu vực thuế sản phẩm đạt lần lượt là 8,9% và 9,7% trong quý III và quý IV. Đặc biệt, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả 6 kế hoạch của UBND tỉnh, bao gồm: Kế hoạch số 217/KH-UBND ngày 18/9/2019 “về việc nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, căn hộ du lịch, cho thuê mặt bằng kinh doanh”; Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 12/3/2020 “về việc đổi mới, tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý thu thuế đối với hoạt động vận tải”; Kế hoạch số 108/UBND-KH ngày 11/6/2020 “về nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, phục vụ quản lý thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản”; Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 28/7/2020 “về tăng cường công tác quản lý thuế trong hoạt động xây dựng”; Kế hoạch số 163/KH-UBND ngày 3/9/2020 “về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh xăng dầu”; Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 8/3/2022 “về việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản”.
Song song với đó, cần tiếp tục tập trung thu tại các sắc thuế còn dư địa, như thu từ khu vực ngoài quốc doanh, lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân. Các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng sạch, hoàn thiện thủ tục, tổ chức thực hiện đấu giá, thu tiền từ đất; kiểm soát tiến độ thu tiền sử dụng đất, đảm bảo thực hiện thu theo đúng dự toán đã được tỉnh giao (8.000 tỷ đồng). Tích cực, chủ động phân tích, đánh giá, dự báo tình hình xuất, nhập khẩu các mặt hàng có trị giá lớn, thuế suất cao, những mặt hàng thường xuyên làm thủ tục qua tỉnh và những mặt hàng mới, tiềm năng, mở rộng đối tượng thu; thực hiện nhóm giải pháp chống thất thu qua các giải pháp về áp dụng quản lý rủi ro, chống thất thu qua giá và nhóm giải pháp quản lý nợ.
Đặc biệt vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính - ngân sách; quản lý, khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công ở tất cả các cấp ngân sách cũng cần tiếp tục được tăng cường. Nhất là thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai. Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để thất thu các khoản thu thuế, phí đặc biệt là các khoản thu đã được điều tiết cho các địa phương để chi thường xuyên, triệt để thực hiện nguyên tắc điều hành “có thu thì mới có chi”, phấn đấu năm 2022 hoàn thành vượt dự toán thu được giao, tăng tỷ trọng thu nội địa từ thuế, phí, đảm bảo tương ứng với mục tiêu tăng trưởng (khoảng 10% so với thực hiện năm 2021); tăng khả năng cân đối ngân sách vững chắc tại các địa phương và vai trò chủ đạo của ngân sách cấp tỉnh.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()