Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 07:08 (GMT +7)
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách nhà nước
Thứ 2, 18/07/2022 | 09:08:58 [GMT +7] A A
Chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, tỉnh Quảng Ninh vẫn duy trì ổn định tăng trưởng kinh tế, hoàn thành các chỉ tiêu thu, chi NSNN. Điều này giúp tỉnh có thêm nhiều nguồn lực chi đầu tư phát triển và an sinh xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đánh giá của Sở Tài chính, trong 2 năm (2020-2021), tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh đều đạt và vượt dự toán so với trung ương và HĐND tỉnh giao, được đánh giá có quy mô thu NSNN lớn nhất từ trước đến nay và thu nội địa đứng thứ 5 cả nước. Trong đó, thu NSNN năm 2021 đạt trên 51.000 tỷ đồng, tăng 15% so với dự toán trung ương giao, tăng 4% so với năm 2020. Kết quả này khẳng định cho sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ thu, chi NSNN.
6 tháng đầu năm 2022, tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 28.821 tỷ đồng, đạt 55% dự toán tỉnh giao, bằng 125% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó thu XNK 6.600 tỷ đồng, đạt 62% dự toán tỉnh giao, bằng 132% so với cùng kỳ; thu nội địa 22.221 tỷ đồng, đạt 53% dự toán, bằng 123% so với cùng kỳ. Chi đầu tư phát triển gần 6.000 tỷ đồng, đạt 37,7% kế hoạch năm; chi thường xuyên trên 4.100 tỷ đồng, đạt 33% dự toán tỉnh giao.
Tuy nhiên, theo kết quả giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Công tác đánh giá, dự báo số thu ngân sách của các cơ quan tham mưu còn hạn chế, chưa kiểm soát được tiến độ thu ngân sách; số thu tiền sử dụng đất còn dồn nhiều vào cuối năm; việc lập, giao dự toán thu chi chưa sát; chưa kiểm soát tốt việc giao và thực hiện dự toán thu tiền sử dụng đất, còn có khoản thu chưa được triển khai thực hiện ở hầu hết các địa phương; một số nhiệm vụ được giao dự toán nhưng chậm triển khai, số kinh phí chậm phân khai còn lớn; điều hành chi ngân sách chưa thật sự hiệu quả, còn để số tồn dư và hủy dự toán lớn; tỷ lệ giải ngân tạm ứng có xu hướng tăng.
Bà Bùi Thị Hương, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh), cho biết: Nguyên nhân tình trạng trên là do chất lượng lập và thẩm định dự toán NSNN còn hạn chế; kỷ luật, kỷ cương tài chính có thời điểm, có việc chưa được thực hiện nghiêm túc tại các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao dự toán; công tác chỉ đạo, điều hành thu, chi ngân sách thiếu chủ động, chưa quyết liệt, chưa sâu sát, kịp thời; chưa chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành dự toán của các đơn vị, địa phương.
Từ những vấn đề được đánh giá, phân tích của các cơ quan chuyên môn, tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh vừa qua, các đại biểu HĐND tỉnh đã dành nhiều thời gian thảo luận, tham vấn nhiều ý kiến đóng góp nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thu chi NSNN. HĐND tỉnh đã thống nhất một số nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, đó là tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo điều hành thu, chi NSNN các cấp trong việc phân tích, đánh giá và dự báo kết quả triển khai dự toán hằng tháng, quý, đề xuất kịp thời các giải pháp trong điều hành NSNN đảm bảo hiệu quả, phấn đấu năm 2022 hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ thu NSNN được giao; đồng thời sử dụng nguồn lực một cách hợp lý, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong năm 2021. Tăng cường kiểm soát tiến độ thu, quản lý và sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực từ đất đai; có biện pháp điều hành hợp lý khoản thu này tại các địa bàn Quảng Yên, Đông Triều, Vân Đồn, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí. Nghiên cứu có cơ chế điều tiết nguồn thu tiền đất nhằm khuyến khích các địa phương tập trung thu tiền đất, tiền thuê đất hằng năm của các dự án phục vụ sản xuất, kinh doanh; hạn chế các dự án kinh doanh bất động sản trong những năm tiếp theo.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các khoản thu phí tạm thời sử dụng lòng đường, hè phố theo Nghị quyết số 62/NQ-HĐND ngày 7/7/2012 của HĐND tỉnh; thu tiền sử dụng khu vực biển theo Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 14/5/2021 của UBND tỉnh; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm đã được thông qua tại Nghị quyết số 304/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh; chuẩn bị danh mục các dự án, công trình phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển của tỉnh giai đoạn 2021-2025 trình cấp có thẩm quyền, tạo sự chủ động trong công tác chuẩn bị đầu tư và phân bổ vốn. Đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ nghiệm thu, thanh toán đối với các công trình chuyển tiếp đã có khối lượng để thu hồi tạm ứng; giải quyết các vướng mắc về đất san lấp, quy trình tư vấn giá, tác động của giá nhiên, nguyên vật liệu tăng để đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả.
Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý thu chi NSNN ở tất cả các khâu theo chu trình gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính NSNN, đảm bảo công khai, minh bạch không để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí.
Với những biện pháp, cơ chế chỉ đạo, điều hành sáng tạo, linh hoạt của tỉnh, tin tưởng các chỉ tiêu thu, chi NSNN trong thời kỳ ổn định NSNN 2022-2025 của Quảng Ninh sẽ đạt được tiến độ đã đề ra, đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách quốc gia cũng như thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()