Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:12 (GMT +7)
Tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
Thứ 6, 26/07/2024 | 12:14:28 [GMT +7] A A
Với trên 6000km2 mặt nước biển, 9/13 địa phương đều tiếp giáp biển – đây là những lợi thế riêng có và nổi bật để Quảng Ninh phát triển nghề biển. Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 01/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các lực lượng chức năng, địa phương ven biển trong tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn gắn với chống khai thác IUU. Qua đó, hướng tới xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi biển của miền Bắc.
Để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản một cách bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều Chỉ thị, Quy định, Quyết định về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quản lý gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý nghiêm các vi phạm trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; quyết liệt di dời các cơ sở nuôi ngoài quy hoạch, chuyển đổi vật liệu nổi; ký kết chương trình phối hợp với 6 tỉnh, thành phố trong kiểm tra, kiểm soát tàu cá, sản lượng thủy sản khai thác và chống khai thác IUU. Trong đó, năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 18 về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh gắn với chống khai thác IUU; Chỉ thị số 13 năm 2021 về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh.
Cùng với đó, tỉnh cũng đã hoàn thiện, hiệu chỉnh quy hoạch ngành nông, lâm, ngư nghiệp theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt thiết lập 10 điểm kiểm soát tàu cá, sản lượng thủy sản tại địa phương trọng điểm nghề cá; đăng ký, cấp phép tạm thời tàu cá đối với các tàu chưa đủ điều kiện đăng ký chính thức để đưa vào quản lý; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tàu cá và khai thác thủy sản; đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các kênh thông tin... Đến nay, ngành nông nghiệp đã phối hợp với 9 địa phương ven biển thống nhất và đã tích hợp quy hoạch nuôi biển vào quy hoạch tỉnh với diện tích trên 45.200ha, trong đó vùng diện tích thu hút đầu tư là 13.400ha. Toàn tỉnh đã có 6 địa phương hoàn thành công tác lập phương án, đề án và bản đồ quy hoạch nuôi biển. Ngành nông nghiệp đã đồng hành cùng với các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi vật liệu nổi theo quy định. Tham mưu cho tỉnh ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu nổi thân thiện với môi trường giúp cho công tác quản lý nuôi biển hướng đến sinh thái, hiện đại, xử lý triệt để việc sử dụng phao xốp trong nuôi biển gây hại đến môi trường.
Năm 2024, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh sẽ đạt trên 188.000 tấn. Để làm được điều này, ngay từ đầu năm ngành đã tập trung vào lĩnh vực thủy sản để tăng tốc đồng thời tích cực phối hợp với Sở TN&MT, UBND các địa phương ven biển lập đề án, phương án sử dụng không gian biển để nuôi trồng thủy sản; bản đồ, sơ đồ khu vực biển nuôi trồng thủy sản tập trung, đảm bảo không chồng lấn với quy hoạch ngành, lĩnh vực khác và phù hợp với quy hoạch tỉnh, huyện, quy hoạch không gian biển. Chỉ tính riêng trong tháng 6 đầu năm, tổng sản lượng thủy sản khai thác được kê khai, kiểm soát là 6.167 tấn, tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2024, UBND tỉnh giao dự toán kinh phí để thực hiện công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản và chống khai thác IUU cho các cơ quan, đơn vị của tỉnh là 22.915 triệu đồng. Đến hết tháng 6/2024, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thực hiện giải ngân: 432,6 triệu đồng; thành phố Móng Cái tự bố trí 200 triệu đồng, đã thực hiện 100 triệu đồng.
Cũng để góp phần gỡ thẻ vàng IUU đối với thuỷ sản Việt Nam, thời gian qua, các địa phương và lực lượng chức năng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức của cán bộ, chính quyền các cấp và ngư dân về pháp luật thủy sản, các quy định về khai thác IUU; hoàn thành đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá; nâng cao tỷ lệ kiểm tra, kiểm soát và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thực thi pháp luật thủy sản, các quy định về khai thác IUU trên biển tại các cảng cá, bến cá. Tính đến ngày 30/6/2024, tổng số tàu cá toàn tỉnh đã được đăng ký, thống kê để quản lý là 5.556 chiếc. Số tàu cá do cấp tỉnh quản lý là 721 tàu trong đó tàu có chiều dài từ 12 đến dưới 15m đã đăng ký là 461/470 tàu đạt 98%, đã cấp phép khai thác thủy sản 419/470 tàu, đạt 89,1%; tàu từ 15m trở lên có 251 tàu, 100% đã cấp giấy phép khai thác thuỷ sản, đăng kiểm còn hạn là 234/251 tàu, đạt 93,2%. Đối với tàu cá do UBND cấp huyện quản lý có chiều dài từ 06m đến dưới 12m, hoạt động tại vùng ven bờ là 3.362 tàu. Trong đó 95,5% đã cấp giấy phép khai thác thuỷ sản. Tàu cá do UBND cấp xã quản lý là 1.473 tàu, có chiều dài dưới 6m.
Triển khai Chỉ thị số 18-CT/TU, các cấp, các ngành liên quan đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi khai thác thủy sản trái phép. Toàn tỉnh hiện có 251/251 tàu cá từ 15 mét trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt 100%. Định kỳ Sở Nông nghiệp và PTNT trích xuất thông tin tàu cá mất tín hiệu kết nối VMS ngoài khơi, thông báo tới các đơn vị có liên quan và hướng dẫn, hỗ trợ chủ tàu cá khắc phục mất tín hiệu kết nối VMS. Chỉ tính riêng trong tháng 6 này đã trích xuất và thông báo cho 30/40 lượt tàu cá mất tín hiệu kết nối VMS trên biển trong đó có 27 tàu cá sau khi được thông báo, hướng dẫn, hỗ trợ đã khắc phục có kết nối tín hiệu trở lại. Cùng với đó, hàng tuần Sở Nông nghiệp và PTNT lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU và mất kết nối ngoài khơi trên 10 ngày gửi Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, UBND địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành phố ven biển để nắm bắt, phối hợp, kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định.
6 tháng đầu năm 2024, cả tỉnh đã tiếp nhận 30 tin báo vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, trong đó 16/30 tin báo vi phạm (14 tin không có vi phạm). Các lực lượng chức năng đã xử phạt 16 trường hợp với số tiền 278,5 triệu đồng. Ngoài ra, các đơn vị cũng tiếp nhận 5 lượt thông tin về hiện trạng sử dụng phao xốp trên địa bàn tỉnh thông qua Đoàn tuần tra của Chi cục Thuỷ sản, thông tin được phản hồi đến các địa phương, đơn vị để xử lý theo quy định.
Để phát huy và khai thác lợi thế nuôi biển, công tác bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản luôn được tỉnh quan tâm. Hoạt động bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trở thành phong trào trong nhân dân. Toàn tỉnh đã có 3 khu bảo tồn biển và có hợp phần biển lớn với diện tích gần 500 km2, bao gồm: Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Bái Tử Long và Khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần. 15 khu bảo vệ nguồn lợi 10 loài thủy sản đặc hữu với diện tích trên 4.000 ha. Trung bình mỗi năm, tỉnh Quảng Ninh tổ chức thả trên 7 triệu con giống thủy sản các loại về môi trường tự nhiên để khôi phục nguồn lợi và kết hợp giáo dục cộng đồng nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Thời gian tới, để phát huy hiệu quả công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và chống khai thác IUU, các cơ quan, đơn vị và địa phương tiếp tục chủ động tổ chức triển khai có hiệu quả việc thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch trong lĩnh vực thuỷ sản; khẩn trương hoàn thiện và triển khai các đề án, kế hoạch, dự án trọng tâm có tính chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển thủy sản. Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật dùng chung trong hoạt động khai thác, nuôi trồng, sản xuất giống thuỷ sản. Đồng thời, chủ động tổ chức triển khai các giải pháp trên các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, tập trung hỗ trợ thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực về vốn, khoa học công nghệ đầu tư lĩnh vực thủy sản phấn đấu xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi biển của miền Bắc.
Ngọc Khôi
Liên kết website
Ý kiến ()