4
18
/
1021682
Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường - Bài 1: Bảo vệ, khai thác hiệu quả "vàng đen"
longform
Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường - Bài 1: Bảo vệ, khai thác hiệu quả "vàng đen"

 

Nhắc đến những tài nguyên nổi tiếng nhất của Quảng Ninh, cùng với Di sản thế giới Vịnh Hạ Long, không thể không nhắc đến nguồn tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là nguồn than đá quý hiếm, thuộc loại trữ lượng lớn nhất của Việt Nam. Đây là niềm tự hào của Quảng Ninh, nhưng cũng có thể nói là sự trăn trở lớn của tỉnh. Bởi trong quá trình phát triển, đã đặt ra những thách thức, mâu thuẫn không nhỏ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên "vàng đen", hạn chế tối đa những tác động xấu đến môi trường, cảnh quan.

Hiếm có địa phương nào trong nước có nguồn tài nguyên khoáng sản giàu có, nhất là về: Than đá, đá vôi, đất sét... như Quảng Ninh. Đây là điều kiện tốt để tỉnh phát triển thành trung tâm nhiệt điện, xi măng, trung tâm sản xuất vật liệu xây dựng và khai khoáng. Nổi bật nhất là tỉnh có trữ lượng than đá chiếm tới hơn 90% cả nước và lớn nhất Đông Nam Á. Nguồn “vàng đen” này là một trong những động lực chính duy trì sự tăng trưởng của nền kinh tế Quảng Ninh, đóng góp lớn cho số thu ngân sách nhà nước hằng năm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. Giai đoạn trước năm 2011, khai thác than là hoạt động kinh tế lớn nhất tại Quảng Ninh, chiếm 25% tổng GDP toàn tỉnh; thu ngân sách từ than chiếm tới 67% tổng thu ngân sách của tỉnh.

Đi cùng với những thuận lợi, hoạt động khai thác than, khoáng sản của tỉnh trong quá trình phát triển đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn, thách thức lớn. Theo quy hoạch, để khai thác than lộ thiên, hằng năm ngành Than thải ra môi trường khoảng 300-500 triệu m3 đất đá và 100-250 triệu m3 nước thải. Hệ thống xử lý bụi, nước thải của các đơn vị ngành Than tuy đã được đầu tư, nhưng chưa đáp ứng hoàn toàn; hoạt động khai thác than chủ yếu là lộ thiên; vận chuyển than lại trên các tuyến quốc lộ đi qua các địa bàn trong tỉnh gây ô nhiễm môi trường...

Trước năm 2014, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh mặc dù đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên hiệu quả chưa cao, kết quả đạt được chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. Hiệu quả đấu tranh ngăn chặn vi phạm, tội phạm về vận chuyển, buôn bán than, nhất là trên các tuyến đường sông, đường biển chưa cao, còn để lọt phương tiện thủy vận chuyển than trái phép qua biên giới. Một số đơn vị ngành Than chưa phối hợp tích cực với chính quyền địa phương trong công tác quản lý tài nguyên than, ranh giới mỏ, vẫn để xảy ra thẩm lậu than ra ngoài ngành; chế tài xử lý vừa nhẹ, vừa thiếu, quy định của một số bộ, ngành liên quan chưa kịp thời, thiếu đồng bộ...

Khai thác than, khoáng sản trái phép không chỉ dẫn đến thất thoát nghiêm trọng về tài nguyên, Nhà nước thất thoát nguồn thu ngân sách, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân, tình hình an ninh trật tự địa phương. Trong một thời gian dài, "than thổ phỉ" tại Quảng Ninh được dư luận rất quan tâm, nhắc đến khá nhiều. Tại TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, giai đoạn trước năm 2014 là điểm nóng lớn nhất tỉnh về các hoạt động khai thác, vận chuyển than trái phép. Theo số liệu thống kê sơ bộ từ chính quyền địa phương, trung bình mỗi năm, cơ quan chức năng đã triệt phá hàng trăm lượt cửa lò khai thác than trái phép, thu giữ hơn hàng nghìn tấn than. Tuy nhiên, các hoạt động khai thác than trái phép vẫn thường xuyên tái diễn, không thể xử lý triệt để. Cứ sau khi lực lượng chức năng triệt phá, đánh sập lò than, các đối tượng lại tổ chức khai thác trở lại, ngày càng tinh vi hơn, manh động hơn.

Nguyên nhân là do các địa phương này có tài nguyên than khá phong phú, nằm xen kẽ trong khu dân cư, hoạt động quản lý khai thác than chưa chặt chẽ, nên nhiều đối tượng đã lợi dụng mở lò than trái phép. Vì hám lợi trước mắt và nhận thức pháp luật kém, nhiều hộ dân có đất ở trên nguồn tài nguyên than đã tiếp tay cho các đối tượng khai thác than trái phép, bằng cách cho các đối tượng thuê, mượn đất để khai thác than. Bên cạnh đó, do chế tài xử lý của tỉnh đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, trong khi lợi nhuận về kinh tế lại quá lớn, nên các đối tượng không dễ từ bỏ hành vi vi phạm pháp luật.

Để khắc phục tình trạng cấp phép khai thác khoáng sản tràn lan, manh mún, nhỏ lẻ trong khai thác khoáng sản; ngăn chặn có hiệu quả, chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, tình trạng “chảy máu” khoáng sản, Quảng Ninh đã xây dựng nhiều chế tài để bảo đảm pháp luật về khoáng sản được thực thi nghiêm, có hiệu quả.

Đặc biệt, từ đầu năm 2014, Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ than trên địa bàn tỉnh. Xác định triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TU là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, các cấp ủy đã tập trung lãnh đạo, nâng cao vai trò, thể hiện rõ trong phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020 và hằng năm. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh các nội dung thiết thực, sát tình hình; thường xuyên lập các tổ công tác kiểm tra địa bàn; phân công nhiệm vụ, gắn trách nhiệm đến từng đồng chí thường vụ cấp ủy, cấp ủy viên phụ trách địa bàn, lĩnh vực; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU, nhất là vai trò của người đứng đầu. Cơ chế trách nhiệm theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TU được thực hiện nghiêm túc.

Quá trình thực hiện Nghị quyết, tỉnh tiếp tục có nhiều chỉ đạo quyết liệt về công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, thể hiện rõ công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn của tỉnh. Thống kê giai đoạn 2014-2019, toàn tỉnh có khoảng 800 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tố chức thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU và các chỉ đạo của Tỉnh ủy liên quan đến công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản.

Điển hình, trong lĩnh vực về than, thực hiện siết chặt hệ thống cảng, bến đảm bảo đúng quy hoạch, kiên quyết cơ cấu lại tuyến vận tải theo hướng hạn chế sử dụng quốc lộ, giảm đường bộ, đẩy mạnh các phương thức vận tải thay thế; rà soát kỹ các dự án, ngăn chặn và chống lợi dụng khai thác than trái phép. Các ngành, đơn vị tăng cường phát hiện, xử lý nhiều vụ khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than trái phép; xử lý kỷ luật nghiêm khắc nhiều tập thể, cá nhân có trách nhiệm để xảy ra vi phạm. Trong lĩnh vực khoáng sản phục vụ xây dựng, tỉnh tăng cường công tác quản lý, có hướng điều chỉnh các quy hoạch đảm bảo bền vững và giảm dần khai thác; rà soát, kiểm tra, giám sát các dự án có khai thác, tận thu cát, sỏi, sét; chấn chỉnh hoạt động về đất san lấp; tăng cường xử lý tình trạng khai thác trái phép; xử lý kỷ luật nghiêm đối với trường hợp vi phạm, lập lại trật tự về hoạt động khoáng sản…

Theo số liệu thống kê của tỉnh, giai đoạn 2014-2019, lực lượng chức năng của tỉnh phối hợp với các đơn vị ngành Than đã phát hiện, kịp thời triệt phá 386 lượt điểm lò, đào bới khai thác than trái phép; phá dỡ 1.763 lán trại; cắt 40 tuyến đường mở trái phép, san lấp 23 điểm đường; phát hiện, bắt giữ 718 trường hợp vận chuyển than trái phép, thu trên 33.000 tấn than các loại; thu giữ nhiều phương tiện, công cụ dùng để khai thác than trái phép; gọi hỏi răn đe và buộc về nơi cư trú trên 1.000 lượt người... Công an tỉnh đã triển khai nhiều đợt cao điểm đấu tranh trấn áp các vi phạm pháp luật về tài nguyên khoáng sản, bắt giữ 39 vụ. Trong đó, đã khởi tố 4 vụ/46 bị can; xử phạt hành chính trên 8,1 tỷ đồng/30 vụ (số vụ còn lại do không xác định được chủ sở hữu nên không xử lý được); bắt 69 vụ tập kết kinh doanh than trái phép, thu 14.502 tấn than các loại, xử phạt hành chính trên 1,2 tỷ đồng;...

Từ sự quyết liệt trên, đến hết năm 2019, hoạt động khai thác than hầm lò trái phép, các điểm nóng phức tạp về an ninh trật tự liên quan than, khoáng sản tại Quảng Ninh cơ bản không còn. Việc vận chuyển than trái phép trên các tuyến quốc lộ, các tuyến cấm, kinh doanh than không có nguồn gốc được kiểm soát triệt để.

Để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, phát huy hiệu quả các nguồn nguyên liệu sau khai thác và phù hợp với một số điều chỉnh của Trung ương, tháng 5/2019, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản trên địa bàn tỉnh (thay thế Nghị quyết số 12-NQ/TU). Các chỉ đạo mới đưa ra trong Nghị quyết 16-NQ/TU tiếp tục là chế tài mạnh mẽ, thể hiện rất rõ quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên than, khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường bền vững. Cụ thể, tỉnh đã điều chỉnh mục tiêu giai đoạn 2019-2021 cho phép cấp mới, nâng công suất, gia hạn, bổ sung chức năng kinh doanh than cho cảng, bến trong các cụm cảng đang có hoạt động kinh doanh than, đảm bảo các quy định của pháp luật về môi trường. Từng trường hợp cụ thể, đều phải báo cáo, xin chủ trương Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Hạn chế tối đa các điểm gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác, vận tải, kinh doanh than, đặc biệt là khu vực đổ thải của các mỏ lộ thiên.

Nghị quyết cũng sửa đổi, bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp: Đối với các sản phẩm ngoài than (đất đá, bã sàng lẫn than; đất đá lẫn than bùn, cám đá) quản lý như đối với than; có kế hoạch chế biến, tận thu sàng tuyển tại khai trường mỏ; cho phép tiêu thụ bã sàng, đá xít, đất đá mỏ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; thực hiện công tác quản lý như đối với than và vận chuyển từ mỏ đến các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, các dự án san lấp mặt bằng. Các tổ chức, cá nhân đủ tư cách pháp nhân có nhu cầu sử dụng bã sàng, đá xít, đất đá mỏ phải báo cáo UBND tỉnh phê duyệt phương án vận chuyển, sử dụng; việc phê duyệt phương án phải được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương trước khi thực hiện.

Những nền tảng từ Nghị quyết số 12-NQ/TU và sau này là Nghị quyết số 16-NQ/TU cho thấy sự trân trọng và cả sự thận trọng để nhìn nhận đúng giá trị những nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho Quảng Ninh; đồng thời đã góp phần quan trọng để tỉnh khẳng định quyết tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh" một cách toàn diện, hiệu quả. Những kết quả trên được nhân dân ghi nhận, tiếp tục củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Thực hiện: Hồng Nhung - Hoàng Nga

Trình bày: Đỗ Quang

Bài 2: Kiểm soát môi trường - Doanh nghiệp và người dân cùng vào cuộc

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu