Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:54 (GMT +7)
Tăng cường giám sát việc giải quyết thực chất, triệt để các kiến nghị của cử tri
Thứ 6, 26/05/2023 | 22:37:40 [GMT +7] A A
Lần đầu tiên Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 26/5, nhiều đại biểu đánh giá cao sự sáng tạo, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, không ngừng nâng cao chất lượng để hoạt động của Quốc hội ngày càng hiệu quả, gắn bó mật thiết và đồng hành với cử tri.
Bên cạnh đó, một số ý kiến bày tỏ băn khoăn khi còn nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các cơ quan chức năng, đặc biệt các bộ, ngành, chưa được giải quyết dứt điểm; đề xuất tăng cường giám sát việc giải quyết thực chất, triệt để các vấn đề cử tri kiến nghị thay vì chỉ trả lời.
Cần có tiêu chí đánh giá trả lời kiến nghị
Đa số các đại biểu nhất trí, việc thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội là đúng đắn, đáp ứng mong mỏi của cử tri và nhân dân; đồng thời hoan nghênh sự thay đổi mạnh mẽ, toàn diện trong hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch. Đây cũng là sự sáng tạo, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, không ngừng nâng cao chất lượng để hoạt động của Quốc hội ngày càng hiệu quả, gắn bó mật thiết và đồng hành với cử tri.
Tuy nhiên, theo đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định), vẫn còn nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các cơ quan chức năng, đặc biệt các bộ, ngành, chưa được giải quyết dứt điểm. Đại biểu đề nghị cần có cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và quy định rõ trách nhiệm chủ trì giải quyết kiến nghị, đặc biệt ý kiến liên quan đến chính sách; đồng thời tăng cường vai trò giám sát thông qua những hoạt động cụ thể.
“Khi triển khai các chính sách cần đánh giá kỹ lưỡng, cân nhắc tác động trực tiếp, gián tiếp để có những quy định hợp lý, hợp tình ngay từ đầu, góp phần giảm thiểu việc khiếu nại, khiếu kiện. Trong quá trình thực hiện, càng cần tăng cường vai trò giám sát để kịp thời phát hiện độ vênh, vướng mắc và có cơ chế điều chỉnh, bổ sung kịp thời”, đại biểu Lý Tiết Hạnh nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) bày tỏ quan tâm đến chất lượng trả lời kiến nghị của cử tri và lấy dẫn chứng, 81,3% số kiến nghị được các bộ, ngành Trung ương giải trình, cung cấp thông tin.
“Như vậy, đa số việc trả lời kiến nghị cử tri thông qua giải trình, cung cấp thông tin. Đây là điều tốt. Tuy nhiên, góc độ khác cho thấy, các quy định của hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ và rất nhiều vấn đề cử tri phải hỏi. Các bộ, ngành giải trình và phải cung cấp khối lượng thông tin rất lớn. Do đó, cần có kênh thông tin để thấy được, cử tri và nhân dân có đồng tình với việc giải trình, cung cấp thông tin hay không”, đại biểu Trịnh Xuân An nói và đề xuất tiêu chí đánh giá việc trả lời kiến nghị của cử tri, địa phương.
“Giải quyết thay vì chỉ trả lời”
Với tỷ lệ giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đạt 99,8%, đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) đánh giá, đây là kết quả rất tích cực, khi các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, có căn cứ báo cáo kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đối với vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm; hỗ trợ các đại biểu có điều kiện thực hiện tốt hơn trách nhiệm tiếp nhận và xử lý kiến nghị của công dân.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu tiếp nhận ý kiến của cử tri và nghiên cứu báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Lê Minh Nam cho rằng, còn nhiều kiến nghị, đề xuất của cử tri liên quan đến tồn tại, hạn chế, vướng mắc hoặc những khoảng trống pháp lý trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý… Do đó, đại biểu đề xuất cần tập trung giải quyết những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong việc ban hành, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý, tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý và giảm bớt khối lượng giải quyết kiến nghị, khiếu nại của cử tri.
Đại biểu Lê Minh Nam đề nghị rà soát các đề xuất, kiến nghị của cử tri, xác định các khoảng trống pháp lý tại các văn bản hiện hành hoặc những quan hệ xã hội mới phát sinh mà chưa có quy định pháp luật điều chỉnh để lập kế hoạch xây dựng, bổ sung các quy định pháp luật nhằm điều chỉnh, quản lý chặt chẽ và hiệu quả. Bên cạnh đó, tập trung rà soát để giải quyết tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết các nội dung đã được giao trong luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ.
“Khi các văn bản quy phạm pháp luật đã giao lại cho các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quy định chi tiết, có nghĩa những nội dung này phải có hướng dẫn chi tiết, mới có thể triển khai áp dụng trong thực tiễn. Nếu không kịp thời ban hành văn bản sẽ không đảm bảo được hiệu lực pháp luật đối với nội dung đã được quy định tại luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định”, đại biểu Lê Minh Nam đặt vấn đề.
Đánh giá cao những nỗ lực của Ban Dân nguyện trong tiếp nhận, tổng hợp, rà soát, đôn đốc trả lời kiến nghị trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình) cho biết, việc tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị của cử tri đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và nhân dân cả nước.
Đại biểu Nguyễn Tiến Nam nhấn mạnh: “Việc trả lời một số bộ, ngành nhiều khi còn chung chung, mang tính viện dẫn mà không hướng dẫn lộ trình giải quyết cụ thể như một số vụ việc kiến nghị giải quyết cho người có công, xây dựng công trình giao thông, thủy lợi. Điều này khiến cử tri cảm thấy không thỏa đáng. Khi nhận các văn bản trả lời, một số văn bản trả lời không mang tính hướng dẫn, giải quyết, điều mà cử tri đang trông chờ. Một số cơ quan, ban, ngành trả lời không đúng trọng tâm, trọng điểm”.
Về thời hạn trả lời, đại biểu Nguyễn Tiến Nam cho rằng, hầu hết các cơ quan Trung ương quan tâm xem xét các kiến nghị để kịp thời ban hành văn bản trả lời, giải trình, cung cấp thông tin đúng thời hạn quy định, thể hiện tinh thần nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm cao đối với cử tri và nhân dân. “Tuy nhiên, một số cơ quan, bộ, ngành vẫn còn chậm, chưa kịp thời xem xét, trả lời kiến nghị của cử tri. Điều này làm cho quá trình rà soát, đôn đốc của các đoàn đại biểu Quốc hội, Ban Dân nguyện mất nhiều thời gian, công sức”, đại biểu Nguyễn Tiến Nam nói.
Để công tác giải quyết kiến nghị cử tri hiệu quả, đại biểu Nguyễn Tiến Nam đề nghị, đối với những vấn đề mang tính sự vụ như xử lý chế độ chính sách cho người có công hay kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về quy trình, thủ tục địa phương đang bế tắc, cần có hướng dẫn cụ thể, rà soát kỹ hồ sơ vụ việc, trả lời chi tiết để cử tri các sở, ngành liên quan áp dụng được, giải quyết tận gốc vấn đề…
“Phải giải quyết chứ không chỉ trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri”, đại biểu nêu rõ.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội tiếp tục giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, chú trọng thực chất, giải quyết triệt để vấn đề cụ thể cử tri kiến nghị. Kết quả giải quyết phải được thể hiện trong thực tiễn, có sự chuyển biến trong thời hạn nhất định để cử tri theo dõi, giám sát việc thực hiện, tránh kiến nghị nhiều lần.
Đại biểu cũng đề nghị Ban Dân nguyện tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức các phiên giải trình về việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri để đại biểu Quốc hội, cử tri theo dõi, giám sát. Ban Dân nguyện làm đầu mối rà soát, đôn đốc trả lời ý kiến cử tri, đảm bảo thời gian theo quy định, giám sát chất lượng giải quyết kiến nghị cử tri.
Theo TTXVN
- Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
- Thông cáo báo chí số 4 Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
- Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH những tháng đầu năm 2023
- Thông cáo báo chí số 3, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
- Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự
- Đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021
Liên kết website
Ý kiến ()