Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 19:03 (GMT +7)
Tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thứ 3, 20/12/2022 | 13:25:47 [GMT +7] A A
Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là một trong khâu then chốt nhằm ngăn ngừa, hạn chế các vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho doanh nghiệp, tăng cường năng lực cạnh tranh và góp phần hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động.
Quảng Ninh hiện có trên 17.600 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đăng ký hoạt động, trong đó phần lớn là doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa. Xác định sự phát triển của doanh nghiệp, nhà đầu tư chính là sự phát triển của tỉnh, Quảng Ninh đã cụ thể hóa bằng những hành động cụ thể, mang tính cốt lõi, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, trong đó, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo triển khai tới tất cả các cấp, ngành, chính quyền địa phương và doanh nghiệp.
UBND tỉnh đã ban hành chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; xây dựng và ban hành kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hàng năm, xác định rõ trách nhiệm của các sở, ngành trong hoạt động hỗ trợ pháp lý, trọng tâm liên quan đến các lĩnh vực như khoáng sản, xây dựng, đất đai, thuế, lao động, bảo hiểm, y tế, môi trường...
Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, bên cạnh kết quả tích cực đạt được, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, tồn tại ở cả hai phía. Do vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành chức năng tổ chức nhiều buổi làm việc với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, qua đó đề xuất kiến nghị nhiều giải pháp liên quan. Theo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cần tổ chức rà soát, khảo sát, đánh giá việc triển khai mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, trong đó xác định trọng tâm là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo.
Thực hiện đổi mới công tác triển khai mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhằm đảm bảo thiết thực hiệu quả thông qua các đoàn luật sư, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện hỗ trợ, nâng cao năng lực của cán bộ, chuyên viên, cơ quan, tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy sự phát triển của tổ chức pháp chế trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Theo các chuyên gia, nội dung cung cấp thông tin pháp lý đến doanh nghiệp là nội dung quan trọng, khởi đầu cho sự nhận thức và thực hiện đúng quy định pháp luật của các doanh nghiệp, vì vậy việc xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cần xác định các nhiệm vụ trọng tâm, thiết thực để chương trình có chất lượng, hiệu quả. Cần tiếp tục thực hiện cung cấp thông tin, chính sách pháp luật của Nhà nước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và những chính sách liên quan đến quyền lợi trực tiếp của doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng hình thức phù hợp như tập huấn, hội nghị tuyên truyền, tọa đàm, đối thoại trực tiếp hoặc trên phương tiện đại chúng, website hoặc một hình thức khá thiết thực và hiệu quả là thông qua các cuộc hội nghị gặp mặt giải quyết khó khăn vướng mắc theo chuyên đề cho doanh nghiệp... Hoạt động này sẽ góp phần thiết lập được diễn đàn trao đổi đa chiều, tạo điều kiện để cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản hồi từ phía doanh nghiệp, qua đó có những đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện chính sách, khắc phục bất cập trong hệ thống pháp luật kinh doanh của Việt Nam.
Cùng với đó, việc hỗ trợ cung cấp thông tin pháp lý cần tăng tính chuyên sâu hơn theo từng loại hình doanh nghiệp, nội dung pháp lý cần hỗ trợ, theo từng thời kỳ và phù hợp với điều kiện KT-XH từng giai đoạn, từng địa phương, từng ngành; tập trung vào các chuyên đề bồi dưỡng kiến thức pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Qua đó, tạo sự lan tỏa, góp phần nâng cao nhận thức của lãnh đạo các doanh nghiệp về công tác pháp chế; nâng cao ý thức pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực thi pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp, phòng ngừa những tranh chấp trong hoạt động kinh doanh và phòng tránh rủi ro pháp lý trong kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.
Chia sẻ về nội dung này, theo luật sư Đặng Thị Kim Dung, Giám đốc Công ty Luật TNHH LK&Cộng sự (TP Hạ Long), nên chăng tại cấp tỉnh cần xây dựng trung tâm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và có phương án truyền thông hiệu quả để doanh nghiệp nắm được thông tin đơn vị hỗ trợ. Đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ nhân sự phụ trách công tác tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và nên lấy nhân sự từ nhiều đơn vị: cơ quan chuyên trách của nhà nước, luật sư, chuyên gia trong từng ngành nghề, lĩnh vực để đa dạng hóa phương thức và đối tượng hỗ trợ. Ngoài ra, tiếp tục phát huy nhiều hơn nữa vai trò của các hội, nhóm, câu lạc bộ doanh nghiệp; chi tiết và đơn giản hóa thủ tục hỗ trợ pháp lý, ban hành các biểu mẫu để doanh nghiệp thuận tiện hơn trong việc sử dụng khi cần thiết...
Trong giai đoạn mới, nhu cầu doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ về mặt pháp lý được dự đoán duy trì ở mức cao, do doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng dễ gặp phải rủi ro pháp lý trong quá trình hoạt động nhưng lại ít chú trọng hoặc không có đủ nguồn lực kinh tế để sử dụng dịch vụ pháp lý. Bộ Tư pháp cũng đã xây dựng và tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo đề án Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030. Trên cơ sở các ý kiến đề xuất của bộ, ngành, địa phương, đại diện các doanh nghiệp, đơn vị, Bộ Tư pháp hoàn thiện đề án và trình Thủ tướng Chính phủ dự kiến trong tháng 12/2022, nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến rõ rệt trong hoạt động này khi đề án đi vào thực tiễn.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()