Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:46 (GMT +7)
Tăng cường liên kết trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo
Thứ 7, 16/03/2024 | 07:19:33 [GMT +7] A A
Nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân 2023-2024. Điều đáng tiếc là giá thu mua lúa giảm nhiều ở tất cả các loại giống so với thời điểm trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Do vậy, dù lúa vụ này đạt năng suất khá cao nhưng nông dân cảm thấy kém vui vì không đạt lợi nhuận cao như kỳ vọng.
Do sản xuất lúa nhỏ lẻ, không có hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm nên việc tiêu thụ lúa của nông dân phần lớn phụ thuộc vào thương lái. Khi vào vụ thu hoạch rộ hoặc giá lúa có biến động, nông dân thường bị thương lái ép giá…
Giá lúa giảm sâu
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch được gần 40.000 ha trong tổng số gần 74.400 ha lúa đông xuân đã xuống giống với năng suất bình quân ước đạt hơn 7,7 tấn/ha.
Trước Tết Nguyên đán, thông qua “cò lúa”, thương lái thỏa thuận đặt cọc mua lúa với giá khá cao, từ 9.000 đồng đến 11.000 đồng/kg đối với các giống lúa RVT, Đài Thơm 8 và ST 24. Đến khi thu hoạch, giá thu mua lúa đã giảm từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng/kg.
Ông Trần Văn Nhâm ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy cho biết, vụ lúa đông xuân năm nay, lần đầu ông nhận tiền cọc của “cò lúa” với giá bán 10.000 đồng/kg (giống lúa RVT). Cứ nghĩ năm nay sẽ là vụ lúa thắng lớn về giá bán, thế nhưng, đến ngày cắt thì “cò lúa” hạ giá mua xuống còn 8.500 đồng/kg đối với lúa giống, còn lúa hàng hóa thì ở mức 8.000 đồng/kg.
Vừa thu hoạch 3 ha lúa giống ST 24, ông Lê Văn Sáu ở ấp 7B2, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, cho hay: “Người dân ở vùng này hầu hết gieo sạ giống lúa ST 24 và ST 25; năng suất đạt khá cao, từ 900 kg đến 1,1 tấn/công (một công 1.300 m2). Thời điểm tôi bán được giá 8.500 đồng/kg, còn nhiều người thu hoạch trước đó mấy ngày giá chỉ được 8.100-8.200 đồng/kg, thậm chí có hộ chỉ bán được giá 7.800 đồng/kg, không bán thì “cò lúa” chấp nhận bỏ cọc”.
Cũng theo ông Lê Văn Sáu, vụ đông xuân trước (2022-2023), cũng giống lúa ST 24, thương lái thu mua với giá 7.400 đồng/kg. Năm nay, mặc dù giá bán có giảm so với giá lúa mà nông dân đã nhận tiền cọc từ trước, nhưng vẫn cao so với cùng kỳ.
“Với giá thành sản xuất trong vụ lúa đông xuân năm nay của tôi khoảng 3-3,5 triệu đồng/công, năng suất lúa đạt khoảng một tấn/công, giá bán là 8.500 đồng/kg, tính ra tôi vẫn đạt mức lợi nhuận 5 triệu đồng/công, tương ứng 50 triệu đồng/ha”, ông Sáu nhẩm tính.
Tại Cần Thơ, đến giữa tháng 3, nông dân đã thu hoạch hơn 55.000 ha trong tổng số hơn 72.000 ha lúa đông xuân 2023-2024, năng suất bình quân đạt 7,5 tấn/ha. Hiện, giá lúa giảm từ 1.000 đồng đến hơn 2.000 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán do doanh nghiệp giảm giá thu mua.
Thậm chí, đã xảy ra tình trạng doanh nghiệp có hợp đồng bao tiêu với nông dân ở huyện Cờ Đỏ nhưng giá mua thấp hơn hợp đồng đã ký, lại nợ tiền lúa kéo dài khiến người dân bức xúc kéo đến công ty đòi nợ.
Tại tỉnh Kiên Giang, nông dân đã xuống giống vụ lúa đông xuân 2023-2024 khoảng 279.000 ha.
Từ cuối tháng 2 đến nay, lúa được thu hoạch rộ với năng suất ước đạt 8-9 tấn/ha, sản lượng ước tính hơn hai triệu tấn. Giá lúa tươi được nông dân bán tại ruộng trong những ngày đầu tháng 3 dao động 7.400-8.500 đồng/kg tùy loại giống, tập trung chủ yếu ở huyện U Minh Thượng; một số vùng sạ sớm của các huyện Kiên Lương, Giang Thành và thành phố Rạch Giá.
Ông Nguyễn Văn Tiến ở xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) cho biết, Trước Tết Nguyên đán, giá lúa dao động từ 9.000-10.000 đồng/kg, hiện chỉ còn 7.500-7.800 đồng/kg, có nơi và nhiều giống lúa thường còn xuống thấp hơn. Trước Tết, khi lúa mới bắt đầu trổ bông, “cò lúa” đến đặt cọc mua với giá 10.000 đồng/kg, đến lúc thu hoạch thì giá xuống chỉ còn 7.500 đồng/kg.
Trong khi đó, tỉnh An Giang đã thu hoạch được 33.692 ha/227.637 ha, đạt 14,8% diện tích xuống giống, năng suất bình quân ước đạt 7,23 tấn/ha. Các doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ nông dân với diện tích 31.098 ha.
Tuy nhiên, mới vào vụ thu hoạch nhưng giá lúa đã giảm sâu so với trước Tết, vì thế nông dân lo lắng đến khi thu hoạch rộ, giá lúa sẽ tiếp tục giảm.
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, thực tế sản lượng cũng như giá gạo thị trường xuất khẩu không biến động nhiều, nhưng có thời điểm chỉ trong một ngày mà có tới bốn mức giá thu mua lúa khác nhau. Điều này cho thấy có dấu hiệu thương lái đang ép giá nông dân.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới, góp phần nâng cao nguồn thu nhập cho người trồng lúa, giá lúa đã nhích dần lên. Do đó, nông dân có thể chậm bán, tạm trữ lúa chờ giá lúa lên nhằm đạt mức lợi nhuận tốt nhất.
Cần sự liên kết hiệu quả, bền vững
Vụ đông xuân 2023-2024, vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ khoảng 1,5 triệu ha, sản lượng ước hơn 10 triệu tấn. Tuy nhiên, chỉ khoảng 20% diện tích lúa có liên kết, hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp, còn lại là diện tích lúa chưa có liên kết bao tiêu nên việc tiêu thụ phải phụ thuộc vào thương lái.
Bên cạnh đó, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam giảm hơn 50 USD/tấn so với trước Tết nên việc thu mua lúa cũng giảm theo và hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn của Thái Lan, Pakistan. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn thu mua, đầu tư kho chứa lúa để mua lúa của nông dân phục vụ xuất khẩu trong thời điểm thu hoạch rộ, làm giá lúa giảm theo…
Thực tế cho thấy, nông dân bị ép giá lúa phần lớn xảy ra đối với hộ sản xuất nhỏ lẻ, còn xã viên trong hợp tác xã thường có hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp nên hiếm khi xảy ra rủi ro.
Điều này cho thấy vai trò rất lớn của hợp tác xã trong thu gom và đảm nhận tạm trữ. Khi hợp tác xã phát huy tốt vai trò này, chỉ cần hết vụ khoảng một tháng giá lúa sẽ tăng lên từ 500-1.000 đồng/kg, nông dân sẽ hưởng lợi.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang Ngô Minh Long cho biết, để tăng cường tính liên kết trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, thời gian qua, Hậu Giang đặc biệt quan tâm phát triển mạnh kinh tế tập thể. Toàn tỉnh hiện có 59 hợp tác xã nông nghiệp chuyên sản xuất lúa.
Bên cạnh việc kêu gọi thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa nói riêng, ngành chức năng luôn khuyến cáo nông dân nên tham gia vào hợp tác xã để hình thành vùng sản xuất lúa quy mô lớn, thuận lợi trong việc ký hợp tác sản xuất và tiêu thụ bền vững.
Tỉnh cũng tiếp tục hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng nhà kho, lò sấy cho hợp tác xã nhiều hơn để thuận lợi trong hoạt động. Đây được xem là giải pháp căn cơ và lâu dài nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm thông tin, ngành nông nghiệp tỉnh luôn chủ động, tích cực trong việc thúc đẩy chuỗi liên kết để bảo đảm sự ổn định của người sản xuất và cả doanh nghiệp trước những biến động của thị trường.
An Giang đang tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình về phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát (Cần Thơ) kiến nghị, để mua lúa của nông dân trong thời điểm thu hoạch rộ phục vụ xuất khẩu, doanh nghiệp cần nguồn vốn lớn. Doanh nghiệp mong muốn ngân hàng có chính sách ưu đãi tín dụng về lãi suất, thời gian vay dài để doanh nghiệp chủ động trong việc mua lúa và kế hoạch xuất khẩu.
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương trong vùng sớm triển khai đề án một triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tạo ra chuỗi liên kết ngành hàng chặt chẽ.
Trong đó, chú trọng vai trò liên kết giữa nông dân, các hợp tác xã và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị vì sự phát triển bền vững của ngành lúa gạo Việt Nam…
Theo Báo Nhân dân
Liên kết website
Ý kiến ()