Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:14 (GMT +7)
Tăng cường phòng, chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp
Thứ 5, 18/03/2021 | 09:25:09 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có trên 6.100km2 mặt nước, vùng biển; hệ sinh thái biển nơi đây phong phú với nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, với 8.123 tàu, thuyền của người dân trong tỉnh và thêm nhiều tàu từ các tỉnh, thành phố trong nước đến khai thác, đánh bắt thủy sản trên vùng biển do tỉnh quản lý đòi hỏi việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản luôn phải được các cấp, các ngành quan tâm.
Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh bắt giữ tàu dùng công cụ khai thác thủy sản trái phép, tháng 3/2020. Ảnh: Trung Thành |
Ngay từ tháng 9/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU về tăng cường công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh. Từ đó đến nay, tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện chỉ thị này. Trên cơ sở đó, các địa phương đã tích cực vào cuộc trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, từ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; chuyển đổi nghề cho ngư dân đánh bắt ven bờ... cho đến tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi khai thác thủy sản trái phép.
Trong năm 2020, các ngành chức năng, địa phương đã tuyên truyền cho hàng nghìn ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hàng trăm hộ ngư dân làm nghề cấm như: Te xiệp, lồng bát quái, cào nhuyễn thể ven bờ... được chuyển đổi sang làm nghề khai thác khác như lưới rê, câu và những nghề khác.
Lãnh đạo và các phòng chức năng của huyện Hải Hà kiểm tra tình hình khai thác thủy sản trái phép trên biển. |
Các địa phương đều quan tâm, tạo điều kiện để người dân ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản để tăng năng suất, chất lượng. Tỉnh tiếp tục điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tôm, cá tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường; phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực tôm, nhuyễn thể. Trong năm 2020, toàn tỉnh thả 4.271 triệu con giống trên diện tích 21.123ha; sản xuất cung ứng giống thủy sản được khoảng 1,3 tỷ con giống. Nhờ vậy, sản lượng thủy sản khai thác từ nuôi trồng của tỉnh ngày càng tăng cao, riêng năm 2020 đạt 76.907 tấn, trong khi sản lượng thủy sản đánh bắt tự nhiên được 69.603 tấn.
Đặc biệt, trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, để phòng chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, các địa phương, lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, thành lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin các trường hợp vi phạm. Trong năm 2020, lực lượng Kiểm ngư thuộc Chi cục Thủy sản đã tổ chức 37 chuyến công tác, với thời gian bám biển trên 420 ngày, đảm bảo duy trì lực lượng gần như 24/24 giờ tại các ngư trường trọng điểm như: Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long... Các địa phương khác phối hợp cùng lực lượng công an, biên phòng tổ chức nhiều chuyến tuần tra trên biển.
Mô hình nuôi tôm của hộ anh Vũ Văn Tuấn (thôn Nhâm Cao, xã Đại Bình, huyện Đầm Hà). Ảnh: Hải Hà |
Được biết, năm 2020, toàn tỉnh phát hiện 1.687 vụ khai thác, đánh bắt thủy sản trái phép; qua đó, có 1.684 vụ bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 8,9 tỷ đồng nộp vào ngân sách nhà nước. Tang vật tịch thu, tiêu hủy gồm: 76 bộ kích điện, 830m dây điện, 36 bộ đồ lặn, 1 máy nén khí, 500m ống hơi, 13 cào kim loại, 2.173 bộ lồng bát quái, 22 bộ guốc sắt, 31 bộ lưới có kích thước mắt lưới nhỏ, 2 bộ chã ván, 40 bộ càng te bằng gỗ, 16 bộ cào sắt.
Mặc dù vậy, tình trạng khai thác thủy sản trái phép vẫn còn những tồn tại, như: Việc sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản có dấu hiệu gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh thành những điểm nóng về các vụ việc vi phạm trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, gây mất an ninh trật tự, an toàn trên biển. Trong khi đó, công tác kiểm tra, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm trong khai thác thủy sản có dấu hiệu chững lại.
Các hộ ngư dân tại xã Quảng Minh (huyện Hải Hà) đã tự nguyện tháo dỡ đăng đáy, lưới vây và cọc tre tại bãi triều. Ảnh: Thái Hà (CTV) |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở tham mưu cho tỉnh thời gian tới triển khai hoạt động của Văn phòng Đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng Cái Rồng, Vân Đồn để kiểm soát tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi ra vào cảng, cấp phát nhật ký khai thác thủy sản...
Tuy nhiên, để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh được tốt hơn, các địa phương, lực lượng chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản; thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, ngăn chặn các sự vụ vi phạm, không để phát sinh thành các điểm nóng về vi phạm trong khai thác thủy sản. Đặc biệt, cần mạnh tay xem xét, áp dụng quy định xử lý hình sự đối với các tổ chức, cá nhân tái phạm các hành vi khai thác thủy sản trong vùng cấm, sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản… quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 để răn đe các đối tượng; yêu cầu, bắt buộc các chủ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên hoạt động tại vùng khơi phải lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình, bật thiết bị 24/24 giờ.
Mặt khác, để tạo thuận lợi cho bà con trong hoạt động khai thác thủy sản, các địa phương cần tiếp tục thực hiện công tác quản lý tàu cá và cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()