Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:59 (GMT +7)
Tăng cường quản lý của Nhà nước đối với giá sách giáo khoa
Chủ nhật, 24/09/2023 | 08:51:23 [GMT +7] A A
Cử tri Quảng Ninh kiến nghị: Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có các giải pháp để quản lý chặt chẽ giá sách giáo khoa, bảo đảm không tăng giá bất hợp lý và phù hợp với mức thu nhập của đại bộ phận người dân. Cùng với đó, cần phân chia sách giáo khoa thành dạng sách bắt buộc phải có đối với học sinh và dạng sách tham khảo, sách bài tập để đa dạng sự lựa chọn theo nhu cầu cũng như khả năng chi trả, tránh tình trạng tạo thêm gánh nặng cho các gia đình có con em đến trường, nhất là các gia đình vùng sâu, vùng xa, gia đình thuộc hộ nghèo.
Về nội dung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) trả lời cụ thể như sau:
- Về giải pháp quản lý giá sách giáo khoa (SGK)
Theo quy định của Luật Giá năm 2012 và các văn bản hướng dẫn, SGK thuộc danh mục hàng hóa thực hiện kê khai giá. Theo đó, nhà xuất bản và các doanh nghiệp được quyết định mức giá và thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính.
Trong thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát phương án kê khai giá SGK mới của các nhà xuất bản và các doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã thực hiện các giải pháp để tăng cường bình ổn giá SGK, đảm bảo an sinh xã hội, cụ thể như sau:
- Ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BGDĐT ngày 19/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK.
- Ban hành các văn bản chỉ đạo biên soạn, thực nghiệm SGK trong đó có yêu cầu các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK thực hiện các giải pháp để hạ giá SGK như: Tinh giản nội dung SGK bảo đảm thực hiện đúng yêu cầu cần đạt của chương trình; ngữ liệu, hình ảnh đưa vào phải được sử dụng hiệu quả, triệt để; hệ thống câu hỏi, bài tập phải cô đọng, tối thiểu về số lượng; kênh chữ, kênh hình phải phù hợp, hài hòa; cấu trúc và nội dung sách phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia về xuất bản phẩm (theo Tiêu chuẩn quốc gia về sách TCVN 8694:2011 ban hành kèm theo Quyết định số 1636/QĐ-BKHCN ngày 08/06/2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ).
- Ban hành văn bản chỉ đạo các nhà xuất bản thực hiện tiết kiệm tối đa, cắt giảm các khoản chi phí để giảm giá SGK; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ cung cấp SGK cho các học sinh thuộc đối tượng chính sách xã hội; học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; học sinh hộ nghèo, cận nghèo để các em học sinh có đủ SGK đến trường. Ngoài ra, đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) là doanh nghiệp Nhà nước do Bộ GD&ĐT quản lý, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo NXBGDVN nghiên cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các kênh phân phối để giảm chi phí phát hành; đẩy mạnh tái cơ cấu NXBGDVN theo hướng tinh gọn bộ máy, nhân sự, tiết giảm tối đa các bộ phận trung gian, bộ phận quản lý để giảm chi phí, hạ giá thành và giá bán SGK.
Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ đã quy định hỗ trợ chi phí học tập ở mức 150.000 đồng/học sinh/tháng (tương đương 1.350.000 đồng/năm) để mua sắm sách giáo khoa, đồ dùng học tập đối với các học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ, học sinh khuyết tật, học sinh thuộc hộ nghèo, ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi, vùng ven biển hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Theo Luật Giá (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024), SGK được bổ sung vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng mức giá trần của SGK theo quy định để tăng cường quản lý của Nhà nước đối với giá SGK.
2. Về việc quản lý SGK và sách tham khảo
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 07/7/2014 quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, trong đó quy định cụ thể về: Yêu cầu đối với xuất bản phẩm tham khảo; lựa chọn xuất bản phẩm tham khảo; trách nhiệm của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp trong việc lựa chọn, quản lý, sử dụng xuất bản phẩm tham khảo; trách nhiệm của các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra.
Trong quá trình thực hiện, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó yêu cầu các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục SGK đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kỳ hình thức nào; không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục SGK đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng.
Hà Thanh (biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()