Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 14:28 (GMT +7)
Tăng học phí: Bao giờ và bao nhiêu?
Thứ 7, 16/05/2009 | 08:10:28 [GMT +7] A A
Đề án “Đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008-2012” của Chính phủ đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét hôm 13-5. Đây là đề án mà nội dung của nó có việc tăng học phí (dự định áp dụng từ năm học 2009-2010) đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của xã hội trong thời gian vừa qua. Đã đành các gia đình, các bậc phụ huynh phải cùng tham gia đóng góp với Nhà nước trong việc dạy học, dạy nghề cho con em mình.
Đó cũng là việc tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục của Đảng và Chính phủ. Nhất là trong tình trạng mức thu học phí hiện tại chỉ bằng 62% so với giá trị năm 2000 - như lời của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Tuy nhiên, như dự thảo Đề án, thì việc áp dụng ngay từ năm học 2009-2010 trong bối cảnh kinh tế suy thoái, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn đã là phù hợp? Thêm nữa là hàng loạt vấn đề: Quy định mức học phí và chi phí học tập cần thiết cho một gia đình 4 người (2 cha mẹ, 2 con học mầm non và phổ thông) không quá 6% thu nhập bình quân của gia đình có quá cao? Hoặc việc quy định thu học phí với hệ đào tạo nghề, nhất là hệ trung cấp nghề cao hơn so với cấp trung học phổ thông có hợp lý khi chúng ta đang khuyến khích học sinh đi học nghề sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở?... Có công bằng với các học sinh trong cùng lứa tuổi?
Đương nhiên là đích của mọi chủ trương chính sách, cơ chế quản lý phải hướng về dân và vì dân. Đề án “Đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008-2012”, trong đó có nội dung tăng học phí là một đề án nhạy cảm, được đưa ra trong một bối cảnh nhạy cảm và khó khăn. Do đó, để Đề án có thể thực thi một cách hữu hiệu, cần phải xây dựng một lộ trình thực hiện cụ thể, phải giải đáp được câu hỏi “Bao giờ và bao nhiêu?” của người dân một cách thoả đáng. Làm được thế, chắc chắn Đề án sẽ đi vào cuộc sống thuận lợi, không gây phản cảm và phản tác dụng.
Liên kết website
Ý kiến ()