Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:14 (GMT +7)
Tăng tốc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước
Thứ 6, 02/12/2022 | 15:39:58 [GMT +7] A A
Từ thực tế kết quả cổ phần hóa và thoái vốn giai đoạn 2016-2020 quá thấp, hiện có nhiều đề xuất về giải pháp để đẩy mạnh quá trình thoái vốn giai đoạn 2022-2025. Trong đó, vai trò của người đứng đầu các đơn vị được coi là yếu tố then chốt.
Tiến độ còn chậm
Chiều ngày 1.12, thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, về tình hình cổ phần hoá, đến hết tháng 11 năm 2022, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo kế hoạch đã được phê duyệt, ghi nhận bổ sung một doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Phà An Giang (đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần năm 2021) thuộc danh mục cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỉ đồng.
Về tình hình thoái vốn, trong tháng 11, ghi nhận các Tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thoái vốn tại doanh nghiệp thu về 309,7 tỉ đồng. Lũy kế 11 tháng năm 2022, ghi nhận các đơn vị thoái vốn với giá trị là 592,9 tỉ đồng, thu về 3.671,4 tỉ đồng.
Trước đó, theo đánh giá của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), tiến độ cổ phần hoá không đạt theo yêu cầu. Trong giai đoạn 2016 - 2020, đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỉ đồng. Tuy nhiên trong 180 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn của Chính phủ (đạt 30% kế hoạch).
Cần quy trách nhiệm người đứng đầu
Theo ông Lê Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có một vấn đề đặt ra đó là cổ phần hóa, thoái vốn vẫn chưa đảm bảo được về “chất”. Trên thực tiễn, một số doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa thì tỉ lệ vốn Nhà nước nắm giữ còn cao nên cũng chưa hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt trong việc thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Bên cạnh đó, dù đã cổ phần hóa nhưng cổ đông nhà nước vẫn nắm quyền quyết định nên thực chất không có nhiều đổi mới, nên hoạt động kinh doanh sau cổ phần hóa ngày càng đi xuống (Tổng Công ty cổ phần Lương thực Miền Nam, Tổng Công ty cổ phần Xây dựng Sông Hồng…).
Còn tồn tại các vấn đề về hậu cổ phần hóa. Vẫn còn trường hợp nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước chỉ nhằm mục đích chính là bất động sản và những khu đất vàng của doanh nghiệp (hơn là nhằm vào thương hiệu hoặc ngành kinh doanh chính). Khi đã nắm được doanh nghiệp là tìm cách chuyển nhượng đất, chuyển mục đích sử dụng đất để kinh doanh kiếm lời, không tập trung vào đầu tư phát triển doanh nghiệp theo hoạt động sản xuất kinh doanh chính.
Từ thực tế đó, ông Lê Mạnh Hùng cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu (Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Người đại diện phần vốn nhà nước), gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước khi đánh giá, xếp loại người đứng đầu hoặc xếp loại doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp nhà nước, cần chủ động hơn, quyết liệt hơn trong công tác sắp xếp, đổi mới (trong đó có cổ phần hóa, thoái vốn), trong đó tập trung hoàn thành đầy đủ hồ sơ pháp lý các tài sản, đặc biệt là tài sản giá trị quyền sử dụng đất trước khi tiến hành cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Việc định giá vốn, tài sản doanh nghiệp bao gồm giá trị quyền sử dụng đất, thương hiệu (bao gồm giá trị lịch sử, văn hóa…) phải theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch và tuân thủ pháp luật thẩm định giá.
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Đức Độ - Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), một trong những nút thắt khiến cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm do liên quan đến lợi ích của chính doanh nghiệp.
Đối với một số doanh nghiệp kém hiệu quả, việc cổ phần hóa sẽ đòi hỏi phải rà soát, công khai hóa, minh bạch hóa tình hình tài chính cũng như sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Một số yếu kém của doanh nghiệp, do đó, có thể bị lộ diện. Điều này cũng làm giảm động lực thúc đẩy cổ phần hóa từ phía lãnh đạo một số doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cổ phần hóa sẽ khiến quyền lực của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước bị giảm khi có sự tham gia và kiểm soát của các cổ đông ngoài Nhà nước. Đó là chưa kể cổ phần hóa có thể khiến một số lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước bị thiệt hại về lợi ích kinh tế, bởi mặc dù thu nhập chính thức không cao, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước có thể thu lợi thông qua việc chuyển đơn hàng, lợi nhuận sang các công ty sân sau.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()