Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:18 (GMT +7)
Tăng tốc hoàn thành kế hoạch năm
Thứ 4, 09/11/2022 | 08:18:10 [GMT +7] A A
Quảng Ninh triển khai nhiệm vụ năm 2022 - năm đầu thực hiện thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025, bên cạnh những thuận lợi cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đã tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nhờ những quyết sách đúng đắn, triển khai đồng bộ các giải pháp từ tỉnh tới cơ sở, đến thời điểm này bức tranh kinh tế - xã hội của Quảng Ninh tiếp tục duy trì ổn định với nhiều điểm sáng. Đây là tiền đề quan trọng để Quảng Ninh hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt trên 11%.
Bước đà vững chắc
Với những phân tích, tính toán được dự báo từ xa, từ sớm, Quảng Ninh đã mạnh dạn xây dựng mục tiêu phát triển cụ thể cho năm 2022, dựa trên quan điểm “phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tiếp tục kiên định với mục tiêu tăng trưởng trên 11% và thu NSNN trên 52.600 tỷ đồng.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, toàn diện các lĩnh vực công tác theo Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh "Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022", gắn với chủ đề công tác năm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; giữ vững đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã ban hành 7 chỉ thị, 7 chương trình hành động và nhiều kết luận, thông báo, văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực công tác; đồng thời chỉ đạo và cho ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách, các vấn đề phát sinh, các lĩnh vực công tác quan trọng...
Với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả nổi bật. Điển hình như lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, giữ vững địa bàn an toàn, ổn định, phát triển; chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. Quyết liệt chỉ đạo triển khai chiến lược vắc-xin “thần tốc”, chủ động đi trước, làm trước, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Quảng Ninh là một trong những địa phương cả nước hoàn thành sớm nhất với tỷ lệ bao phủ cao nhất tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1, 2, 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và mũi 1, 2 cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; là địa phương đầu tiên tiêm chủng cho trẻ em từ đủ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi và là một trong những địa phương đi đầu tiêm mũi 4 cho các trường hợp có chỉ định tiêm.
Riêng đối với lĩnh vực kinh tế, ngay từ những ngày đầu năm, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt với các giải pháp căn cơ, có tính khả thi. Trong đó xác định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện; chỉ đạo xây dựng và triển khai có hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2022-2023 theo Kết luận số 24-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ. Đặc biệt, đã lãnh đạo, chỉ đạo phát huy tối đa vai trò trụ cột của ngành Than, điện và công nghiệp chế biến, chế tạo trong tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách, nhất là kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để ngành Than phát triển ổn định và tăng sản lượng tối đa đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế, bảo đảm không để thiếu than cho sản xuất điện và không để thiếu điện phục vụ sản xuất, kinh doanh cũng như phục vụ đời sống nhân dân. Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong toàn quốc chủ động chỉ đạo thực hiện sớm chủ trương mở cửa du lịch mạnh mẽ, đúng thời điểm, tạo mọi điều kiện thông thoáng nhất để mở cửa du lịch; đồng thời xây dựng chương trình mở cửa, phục hồi, thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2022, gắn với triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ kích cầu du lịch tỉnh theo Nghị quyết số 51/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh.
Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và những nỗ lực của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương đã góp phần đưa Quảng Ninh tiếp tục bứt phá vươn lên, giữ vững địa bàn an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bức tranh kinh tế - xã hội có nhiều điểm sáng trên tất cả các lĩnh vực, nhiều chỉ số tăng so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế 10 tháng năm 2022 đạt 10,21%; tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt 44.870 tỷ đồng, bằng 85% dự toán năm, 81,5% kịch bản, 119% cùng kỳ. Đặc biệt, 10 tháng năm 2022, lĩnh vực dịch vụ du lịch có sự bứt phá mạnh mẽ với 9,7 triệu lượt du khách đến Quảng Ninh, gấp 3,55 lần cùng kỳ, bằng 83,7% kịch bản tăng trưởng, trong đó khách quốc tế 177.000 lượt; tổng doanh thu du lịch đạt 20.864 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ, bằng 82,9% kịch bản tăng trưởng... Đây chính là động lực quan trọng để tỉnh hoàn thành toàn bộ những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của cả năm 2022.
Tăng tốc để về đích
Để đảm bảo tăng trưởng GRDP đạt trên 11%, tổng thu NSNN trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Phát biểu tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khoá XIV, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Quỹ thời gian còn lại của năm 2022 để chúng ta về đích hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của cả năm, đặc biệt là nhiệm vụ thu NSNN, giải ngân vốn đầu tư công, đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10% không còn nhiều, bởi vậy áp lực càng lớn, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, nhất là lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp càng phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thật sự trăn trở, năng động, coi trọng chất lượng, hiệu quả, thực tế của công việc.
Đồng chí yêu cầu người đứng đầu các đơn vị, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát cụ thể, nắm chắc địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách, trăn trở suy nghĩ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, đối với tỉnh ta là địa phương có quy mô vốn đầu tư công rất lớn, có vai trò đặc biệt quan trọng vừa tạo ra nguồn lực, vừa là động lực thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và là một trong những trụ cột quan trọng bảo đảm tăng trưởng GRDP, bởi vậy nên áp lực giải ngân rất lớn và dồn về các tháng cuối năm. Thực tế này đòi hỏi UBND các cấp và các cơ quan quản lý tập trung cao độ, quyết liệt khắc phục có hiệu quả khâu yếu kém, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đầu tư công, quản lý dự án đầu tư, có như vậy mới hoàn thành mục tiêu đề ra theo đúng chỉ đạo của Trung ương và nghị quyết của HĐND tỉnh.
Cùng với những nhiệm vụ trên, toàn tỉnh phải tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong triển khai các nhiệm vụ còn lại của năm 2022. Trong đó, phải ưu tiên cao nhất cho việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch, thúc đẩy thu hút đầu tư, triển khai các dự án đầu tư hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ mới, kinh tế đêm, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về TTHC, công tác GPMB đối với các dự án mới, dự án mở rộng sản xuất của TKV; phát triển sản xuất kinh doanh đối với ngành Than, ngành Điện, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp thực hiện 6 kế hoạch của UBND tỉnh về quản lý thuế kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, căn hộ du lịch, cho thuê mặt bằng kinh doanh; hoạt động vận tải; khai thác khoáng sản; xây dựng; kinh doanh xăng dầu và kinh doanh bất động sản. Đặc biệt, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố; thu tiền sử dụng khu vực biển; khẩn trương có giải pháp tăng tiến độ thu tiền sử dụng đất để đảm bảo nguồn vốn giải ngân chi đầu tư phát triển...
Song song với đó, tiếp tục rà soát các dự án có sử dụng đất vốn ngoài ngân sách, nhất là dự án lấn biển để xác định đúng, đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật, không để xảy ra hoặc tiềm ẩn nguy cơ lãng phí, thất thu NSNN; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách gắn với làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu ở các cấp ngân sách, các cơ quan quản lý liên quan trong việc không triển khai và để chậm triển khai các dự án, nhất là dự án về y tế, giáo dục như mua sắm thiết bị, thuốc men, vật tư y tế... làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; tăng cường giám sát, kiểm soát các khoản dự toán chi thường xuyên đã bố trí, phân bổ trong dự toán.
Các địa phương phải tập trung cao độ đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 16-NQ/HĐND của HĐND tỉnh bảo đảm thực chất, hiệu quả; phấn đấu hoàn thành vững chắc mục tiêu 4 đơn vị cấp huyện và tỉnh Quảng Ninh về đích nông thôn mới trong năm 2022, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực ngân sách tỉnh và nặng về tư tưởng đầu tư hạ tầng, xem nhẹ phát triển sản xuất, văn hóa, xã hội, con người. Đặc biệt, tỉnh đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Đề án tổng thể phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch, gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân tại các địa phương Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ giai đoạn 2021-2025; Đề án khôi phục bảo tồn 4 Làng dân tộc miền núi trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; Đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh Quảng Ninh (trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo) giai đoạn 2021-2025...
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()