Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 08:59 (GMT +7)
Tăng trưởng xanh để thành quốc gia thịnh vượng
Thứ 2, 01/05/2023 | 14:53:51 [GMT +7] A A
Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đã được phê duyệt và được xây dựng trên bốn mục tiêu cụ thể: Giảm cường độ phát thải nhà kính/GDP; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm và nâng cao năng lực chống chịu.
Đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, cam kết trung hòa carbon vào năm 2050 là mục tiêu thách thức nhưng quan trọng là chúng ta đã vạch ra lộ trình cụ thể để đi đến thành công.
Hoàn thiện bộ chỉ tiêu quốc gia
Chiến lược xác định rõ, tăng trưởng xanh là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn. Tăng trưởng xanh lấy con người làm trung tâm, dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số… và tạo động lực để đầu tư tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng vào nền kinh tế xanh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện bộ chỉ tiêu phân loại xanh quốc gia với sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan và chuyên gia thống kê cả trong và ngoài nước. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh như đặt ra tại chiến lược, cần có những bước đi đột phá, quyết liệt hơn nữa đưa mức đóng góp của nền kinh tế xanh từ quy mô 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD mỗi năm trong tổng GDP quốc gia vào năm 2050. Trong đó, tập trung vào các ngành, lĩnh vực thiết yếu nhất, giúp kích hoạt các lợi thế tự nhiên và vươn lên trở thành nước phát triển trên cả ba yếu tố môi trường, kinh tế-xã hội.
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) về thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam, kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, tính riêng đối với chuyển dịch hai ngành điện gió và điện mặt trời, tiềm năng đóng góp vào GDP lên đến 70-80 tỷ USD và tạo ra khoảng 90-100 nghìn việc làm trực tiếp.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái Hydro sạch dựa trên nền tảng năng lượng tái tạo có tiềm năng đóng góp 40-45 tỷ USD vào GDP mỗi năm, tạo ra khoảng 40-50 nghìn việc làm, mang lại lợi ích cho cả thị trường nội địa lẫn tiềm năng xuất khẩu đến các nước phát triển trên thế giới. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy Việt Nam có nhiều tiềm năng, vị thế địa kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đang đứng trước cơ hội rất lớn trong tăng trưởng xanh để có thể chuyển mình, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, tạo đà cho bước nhảy vọt về phát triển kinh tế-xã hội và môi trường.
Đại diện Tập đoàn Tư vấn Boston nhận định trong bối cảnh các quốc gia dẫn đầu thế giới đang tăng tốc đẩy mạnh phát triển các công nghệ giải pháp nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, sạch và ít carbon, cơ hội đang mở ra cho Việt Nam đón đầu xu hướng để trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ sạch trong khu vực và trên toàn cầu.
Để hiện thực hóa cơ hội, Tập đoàn Tư vấn Boston khuyến nghị Chính phủ tâp trung vào bốn giải pháp gồm: hoàn thiện thể chế chiến lược xanh; xây dựng hệ thống tài chính xanh ổn định, giúp giảm chi phí vốn đầu tư; phát triển hệ thống hạ tầng lưới điện, tạo nền móng để phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; tăng tốc phát triển hệ sinh thái hydro sạch.
Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thúc đẩy tăng trưởng xanh mở ra cơ hội chưa từng có cho hợp tác đầu tư kinh doanh hiệu quả giữa các doanh nghiệp trong nước và các tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực then chốt hướng tới nền kinh tế xanh.
Tăng trưởng xanh phải thật sự là quá trình chuyển biến về tư duy, nhận thức trong sản xuất, tiêu dùng, lối sống cũng như trong tư duy hoạch định chính sách, nhất là cần được cụ thể hóa bằng những giải pháp chuyển đổi xanh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong quá trình đó, Chính phủ luôn xác định cộng đồng doanh nghiệp có vai trò quan trọng, tích cực trong thực hiện các mục tiêu kinh tế xanh và tăng trưởng bền vững. Ước tính khu vực doanh nghiệp, đi đầu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển xanh như năng lượng tái tạo và đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh.
Con số này chiếm khoảng 2% GDP và tăng trưởng bình quân 10-13% trong hai năm qua. Đây là mức tăng trưởng khá cao và là tín hiệu rất tốt cho lộ trình thực hiện tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam Nguyễn Văn Toàn nhận định, trước năm 2021, những số liệu về trình độ công nghệ của doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam cho thấy còn tỷ lệ khá lo ngại về thiết bị công nghệ lạc hậu và công nghệ trung bình. Nhưng vài ba năm trở lại đây, các chỉ số này đã thay đổi tích cực với sự đầu tư lớn của các tập đoàn đa quốc gia như Nestlé, Lego,...
Ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, mỗi quốc gia có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nên xây dựng chính sách thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh phải phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhất là trình độ phát triển của quốc gia đó và nguồn lực về con người, khoa học công nghệ... Trong quá trình đó, muốn học tập kinh nghiệm nước ngoài về tăng trưởng xanh thì nên tham khảo mô hình của các doanh nghiệp FDI tiên tiến trong tăng trưởng xanh.
Theo Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam Nguyễn Quang Vinh, tăng trưởng xanh là cuộc đua tuy thầm lặng nhưng đang diễn ra hết sức khốc liệt giữa các nước trên thế giới và trong khu vực. Cuộc đua xanh đã âm ỉ kéo dài hai đến ba thập kỷ ở châu Á và châu Âu.
Trung Quốc sau khi trả giá bằng những bài học rất đắt về tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, nay trở thành nước đứng đầu thế giới về đầu tư vào tăng trưởng xanh. Trong cuộc đua "màu xanh" này, doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng với yêu cầu đặt ra rất cao về trình độ công nghệ.
"Bây giờ nhìn vào một doanh nghiệp, một dự án đầu tư là nhìn vào các yếu tố môi trường, xã hội, quản trị (ESG). Cụ thể là doanh nghiệp đó xử lý các vấn đề về môi trường, xã hội như thế nào, tạo công ăn việc làm ra sao, đóng góp vào an sinh xã hội ở mức nào, quản trị doanh nghiệp có chuyên nghiệp hay không.
Đó là những tiêu chí soi chiếu về tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững và bao trùm khi các doanh nghiệp muốn tạo ra những giá trị mới cho xã hội", ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.
Tăng trưởng xanh hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Đồng thời, hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết lịch sử mang tính chất bước ngoặt của Việt Nam trong việc đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()