Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:41 (GMT +7)
Tăng trưởng xuất khẩu nông sản từ Hiệp định CPTPP
Thứ 3, 30/01/2024 | 11:16:08 [GMT +7] A A
Sau 5 năm kể từ khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực tại Việt Nam (từ ngày 14/1/2019), xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam là một trong những lĩnh vực thay đổi tích cực nhờ tận dụng ưu đãi thuế quan trong thương mại với các nước thành viên.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản sang các nước thành viên CPTPP liên tục tăng trong những năm vừa qua. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tăng từ 2,2 tỷ USD năm 2019 lên 2,9 tỷ USD năm 2022. CPTPP là nhóm thị trường có tăng trưởng tỷ trọng xuất khẩu thủy sản tăng mạnh thứ 2 của Việt Nam, sau Trung Quốc. Năm 2018, CPTPP chiếm 25% xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, và đến năm 2023 chiếm gần 27%. Các thị trường tăng mạnh nhất là Canada, Chile, Peru, Singapore, Malaysia, Australia...
Đối với thị trường Nhật Bản, Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản thời gian qua, trong đó có rau quả. Việt Nam hiện đã vươn lên trở thành thị trường cung cấp chủng loại quả và quả hạch lớn thứ 12 cho Nhật Bản. Hiệp định CPTPP cũng đã giúp hàng nông sản Việt Nam có nhiều thuận lợi khi tiếp cận thị trường Australia. Riêng thủy sản, tại Australia, tôm Việt Nam chiếm thị phần áp đảo 70%, tăng gần gấp đôi so với 32% trước khi ký hiệp định.
Bên cạnh các thị trường quen thuộc, Chile cũng đang là thị trường tiềm năng để Việt Nam khai thác xuất khẩu nông sản. Theo Bộ Công thương, các mặt hàng ưu tiên thúc đẩy xuất khẩu sang Chile, gồm: Hạt tiêu, hạt điều, chè, cà-phê, mật ong, thủy sản, các sản phẩm gỗ.
Mới đây nhất, vào tháng 7/2023, Vương quốc Anh đã chính thức ký thỏa thuận gia nhập CPTPP, tạo thêm cơ hội cho nông sản Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả các cơ hội từ CPTPP, người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cần đặc biệt quan tâm đến tiêu chuẩn, xu hướng tiêu dùng và mẫu mã sản phẩm, cải thiện quy trình sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn về lao động và môi trường... theo quy định chung trong hiệp định cũng như yêu cầu riêng của từng thị trường.
Ngoài ra, đối với thị trường khu vực Mỹ Latin như Mexico, Chile, Peru, hiện doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm bắt được nhiều thông tin về thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng... nên kim ngạch xuất khẩu vẫn còn hạn chế. Vì vậy, các cơ quan chức năng, thương vụ Việt Nam ở nước sở tại cần hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa trong vấn đề xúc tiến thương mại, tham dự các hội chợ thương mại để trao đổi thông tin, quảng bá nguồn hàng và chất lượng hàng nông sản Việt Nam.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()