Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 09/01/2025 04:22 (GMT +7)
Tạo cơ hội lớn thu hút đầu tư
Thứ 3, 21/05/2013 | 05:56:13 [GMT +7] A A
“Triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể các di tích trọng điểm là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Nếu không làm sớm sẽ đánh mất cơ hội tốt trong thu hút nguồn lực đầu tư...” - Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh trong cuộc họp triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể các Khu di tích trọng điểm của tỉnh với các sở, ban, ngành...
Vào cuộc sớm
Quy hoạch tổng thể 3 khu di tích (KDT) trọng điểm của tỉnh là Yên Tử, Bạch Đằng và KDT nhà Trần tại Đông Triều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 2 vừa qua. Đến nay, những phần việc ban đầu đã xong, như: Công bố quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị KDT lịch sử nhà Trần tại Đông Triều, KDT Chiến thắng Bạch Đằng 1288 và Đề án mở rộng và phát triển KDT lịch sử và danh thắng Yên Tử. Việc tuyên truyền, giới thiệu về nội dung quy hoạch và giá trị đặc biệt của các KDT trọng điểm được tiến hành dưới nhiều hình thức. Cùng với đó, việc tổ chức tốt lễ đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt KDT Yên Tử và Bạch Đằng cũng góp phần quảng bá rộng rãi về giá trị các di tích. Hiện nay, việc cắm mốc giới bảo vệ di tích, làm các thủ tục chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là lập quy hoạch chi tiết các dự án thành phần đều đang xúc tiến để chuẩn bị cho phần “lõi” quan trọng nhất là tôn tạo và phát huy giá trị các di tích.
Chùa Hoa Yên (Yên Tử) là một trong nhiều ngôi chùa lớn đã được Tỉnh Hội Phật giáo xin đứng ra huy động kinh phí tu bổ, tôn tạo theo Quy hoạch tổng thể. |
Để tạo sức mạnh tập trung thực hiện các quy hoạch, tại cuộc họp nói trên, các thành viên đã thống nhất thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, ban điều hành ở các địa phương, trong đó các đồng chí lãnh đạo tỉnh, địa phương giữ vai trò cao nhất. Riêng ở cấp tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh đã “xung phong” làm trưởng ban. Đồng chí phân tích: “Cần triển khai sớm các quy hoạch, nếu để lâu quá sẽ mất cơ hội thu hút đầu tư. Việc triển khai cần đồng bộ, trên cơ sở tranh thủ các nguồn lực từ trung ương đến địa phương...”. Vì vậy, ngay từ cuối tháng 3 vừa qua, tỉnh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ kinh phí triển khai thực hiện các quy hoạch. Theo đó, nếu như được phê duyệt, năm nay Quảng Ninh sẽ có nguồn vốn là 30 tỷ đồng để đầu tư cho KDT nhà Trần tại Đông Triều, 20 tỷ cho KDT Bạch Đằng và 50 tỷ cho KDT Yên Tử. Trong 2 năm tiếp theo, Đông Triều sẽ được đầu tư 120 tỷ đồng/năm, Bạch Đằng 50 tỷ/năm và Yên Tử 150 tỷ đồng/năm. Quy hoạch kéo dài đến 2025, những năm tiếp theo căn cứ tiến độ, mức hỗ trợ sẽ được tính toán phù hợp theo từng giai đoạn...
Cơ hội cho doanh nghiệp
Tất nhiên, chỉ với kinh phí từ ngân sách trung ương thì chưa đủ. Cùng với đó, nguồn vốn từ huy động xã hội hoá để thực hiện các dự án thành phần là không thể thiếu. Đáng mừng là nhiều dự án đã có những đơn vị xin làm chủ đầu tư và đứng ra huy động kinh phí. Trong đó, tiêu biểu nhất là Tỉnh hội Phật giáo xin làm chủ đầu tư bảo tồn, tôn tạo hàng loạt các ngôi chùa lớn thuộc 2 KDT của Đông Triều và Yên Tử như: Quỳnh Lâm (85,5 tỷ đồng), đền Thái (83 tỷ đồng), chùa Ngoạ Vân (98,8 tỷ đồng), chùa Hồ Thiên (96,7 tỷ đồng), chùa Trung Tiết (64 tỷ đồng), chùa quán Ngọc Thanh (99 tỷ đồng), chùa Hoa Yên (80 tỷ đồng), khu trung tâm lễ hội Yên Tử (80 tỷ đồng)... Rồi Công ty CP Phát triển Tùng Lâm xin đầu tư bến xe mới theo quy hoạch; Tổng Công ty Đông Bắc công đức bê tông hoá tuyến đường hành hương từ Trại Lốc vào suối Phủ Am Trà (cụm di tích Ngoạ Vân) với giá trị khoảng 23 tỷ đồng v.v.. Thượng toạ Thích Thanh Quyết, Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo cho hay: “Chúng tôi rất vui mừng được đứng ra kêu gọi sự đầu tư làm các công trình tâm linh. Trước hết, chúng tôi sẽ lo về kinh phí phục dựng chùa Ngoạ Vân (Đông Triều), đây sẽ là điểm nhấn trong việc trùng tu di tích của tỉnh...”.
Việc đầu tư các KDT được làm theo lộ trình, tới đây một số dự án sẽ ưu tiên triển khai sớm. Như tại KDT nhà Trần ở Đông Triều, các điểm di tích lớn như chùa Quỳnh Lâm, đền Thái, chùa Ngoạ Vân, chùa Hồ Thiên sẽ được tôn tạo để tạo sức hút đầu tư cũng như thu hút khách hành hương. Với Bạch Đằng thì vấn đề quan trọng lại nằm ở việc kết nối giao thông giữa các điểm di tích, nhất là ở các di tích tại khu vực Hà Nam nhiều tuyến đường nay mới chỉ là những bờ ruộng, đường đê... đơn sơ. Cùng với đó, khu trung tâm cũng cần đầu tư sớm để tạo điểm nhấn kết nối, phát huy giá trị các di tích. Rồi việc tôn tạo các bãi cọc hiện còn rất nhỏ bé, việc trùng tu đình Yên Giang khá cấp thiết vì sự xuống cấp của di tích; hơn nữa, đây cũng là điểm thờ tự duy nhất thuộc KDT này hiện chưa được tôn tạo. Với Yên Tử thì việc mở rộng tuyến đường từ Dốc Đỏ vào bến xe Giải Oan là rất bức xúc để giải quyết triệt để vấn đề ùn tắc giao thông tại đây, nhất là dự báo tương lai sẽ ngày càng hút khách hơn. Rồi việc tôn tạo chùa Hoa Yên, khu trung tâm lễ hội để tổ chức thường xuyên vào các mùa hội v.v..
Tuy nhiên, nan giải nhất là vốn cho việc đầu tư tại Bạch Đằng. Mở ra một hướng mới, đồng chí Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất: “Với Bạch Đằng do đặc thù giá trị lịch sử là chính nên khó xã hội hoá hơn nhưng nếu kêu gọi tốt thì đình Yên Giang vẫn có thể làm được, rồi khu trung tâm có thể huy động doanh nghiệp đầu tư và cho khai thác luôn vì đây là điểm tập trung hệ thống dịch vụ của KDT. Riêng với đường giao thông kết nối di tích thì đề nghị tỉnh ưu tiên bố trí vốn. Mô hình quản lý di tích hiện nay cần có sự thay đổi, không nên lập ban quản lý ở cấp huyện mà nên chọn doanh nghiệp, vì khi khai thác đồng thời họ quản lý rất tốt…”.
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()