Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:30 (GMT +7)
Tạo đà thúc đẩy phát triển sản xuất
Thứ 6, 02/12/2022 | 15:10:11 [GMT +7] A A
Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp, đảm bảo mục tiêu thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn đến năm 2025 tăng 2 lần so với năm 2020.
Đa dạng nguồn lực hỗ trợ
Để hội viên nông dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu, HND các cấp đã có nhiều giải pháp khích lệ, hỗ trợ, động viên nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất. HND tỉnh đã tạo điều kiện tối đa cho hội viên được vay vốn ưu đãi. Đến nay, toàn tỉnh có 1.034 hộ được vay Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh với tổng số tiền 71,2 tỷ đồng; gần 2.799 hộ được vay vốn từ các ngân hàng, tổng số tiền 1.840 tỷ đồng.
Các cấp HND tỉnh thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học; tăng cường mối liên kết 6 nhà để hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả; đẩy mạnh đào tạo nghề, tư vấn, hỗ trợ dịch vụ. Đồng thời hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật cho hội viên triển khai hiệu quả nhiều mô hình, dự án, chương trình sản xuất như: Sản xuất lúa hữu cơ tại phường Nam Hòa (TX Quảng Yên); nuôi cá vược trắng thương phẩm tại phường Yên Thanh (TP Uông Bí); chăn nuôi lợn nái tại xã Hải Tiến (TP Móng Cái)… Từ đó, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân vượt khó, sản xuất, kinh doanh giỏi, vươn lên làm giàu với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.
Không cho không, không làm thay, không làm hộ, ngân sách chỉ cho vay để tạo đà thúc đẩy sản xuất là phương châm của tỉnh trong việc thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân. Để thực hiện phương châm này, nguồn vốn tín dụng chính sách đóng vai trò quan trọng.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách xã hội, toàn tỉnh đang triển khai 20 chương trình tín dụng với tổng dư nợ trên 3.948 tỷ đồng, 89.097 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, nhiều chương trình tín dụng đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân như: Cho vay giải quyết việc làm; cho vay xuất khẩu lao động; cho vay ưu đãi hộ nghèo; cho vay hộ cận nghèo; cho vay hộ mới thoát nghèo…
Anh Bùi Văn Thời (thôn Nà Phạ, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu) cho biết: Vì không có tài sản đảm bảo nên việc tiếp cận với vốn vay ngân hàng thương mại rất khó khăn. Do đó, 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH là nguồn động lực quan trọng giúp gia đình anh phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thuê thêm lao động. Xưởng mộc của gia đình anh đang tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng.
Thu hẹp khoảng cách
Nâng cao thu nhập người dân vùng đồng bào DTTS, giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Nhằm phát triển bền vững kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng-an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021); HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND, Nghị quyết số 50/NQ-HĐND, Nghị quyết số 96/NQ-HĐND. Trên cơ sở đó, từ tỉnh đến các sở, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, phân công trách nhiệm đối với từng đơn vị liên quan; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện. Nhờ đó đến nay, thu nhập bình quân của người dân vùng đồng bào DTTS được nâng cao, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 0,41% năm 2021 xuống còn 0,29% hiện nay.
Điển hình như huyện Ba Chẽ, cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 3,49%. Nhằm giảm nghèo bền vững, huyện đẩy mạnh tuyên truyền về công tác giảm nghèo, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển sản xuất, đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn. Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện đã hỗ trợ 32.500 con gà giống cho 188 hộ hộ nghèo và hộ cận nghèo để phát triển sản xuất; giải quyết việc làm cho 556 lao động, tạo điều kiện cho 200 lượt hộ nghèo vay vốn tín dụng chính sách với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Đồng thời, tích cực vận động, khuyến khích, hỗ trợ người dân trồng cây gỗ lớn, cây dược liệu, cây bản địa để nâng cao thu nhập, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 2,87%.
Đặc biệt, trong kỳ họp cuối năm 2022, HĐND tỉnh dự kiến sẽ nghiên cứu, xem xét, ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 50/NQ-HĐND. Trong đó, xem xét bổ sung một số nội dung: Kinh phí hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề; tăng vốn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng CSXH giai đoạn 2021-2025... Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân vùng DTTS, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, góp phần xây dựng NTM.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()