Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 19:31 (GMT +7)
Tạo dựng lòng tin
Chủ nhật, 15/06/2008 | 08:52:20 [GMT +7] A A
Lòng tin, sự tin cậy là vô cùng quan trọng, là vốn quý trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Chính vì thế nâng cao "vốn xã hội", tạo dựng lòng tin, tránh làm xói mòn lòng tin là công việc trọng đại.
Trong cuộc chiến chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô gay go hiện nay lòng tin, sự tin cậy, các nhân tố tâm lý càng đóng vai trò quan trọng. Chỉ một tin đồn vô căn cứ có thể gây náo loạn như chuyện đổ xô đi mua gạo ở thành phố Hồ Chí Minh cuối tháng 4.2008.
Tiếp đến là sốt ximăng, dân đổ xô đi mua vàng, mua đôla, rồi có vài cây xăng đóng cửa với lý do không có xăng bán, khiến đại diện của Bộ Thương mại phải cảnh báo "rút giấy phép bất cứ cây xăng nào dừng bán hàng một ngày", thậm chí có công ty vận tải phạm pháp nghiêm trọng khi từ chối nhận thanh toán bằng đồng VN. Đấy là những dấu hiệu đáng lo ngại, nhưng không khó hiểu.
Các nhà chức trách nên dùng các biện pháp mạnh mẽ (hành chính và cả hình sự đối với những kẻ phao tin trục lợi hay phạm pháp) để khôi phục lòng tin. Tuy nhiên, bên cạnh các biện pháp "chữa cháy" cần thiết trước mắt, cần xây dựng một chiến lược dài hạn tạo dựng lòng tin, được thực hiện liên tục và trải dài từ lập pháp, thực thi pháp luật, giáo dục, thay đổi ứng xử của bộ máy quan liêu và các quan chức, sự tham gia và lên tiếng của báo giới và các tổ chức dân sự, sự thay đổi tâm tính của người dân..., đến các biện pháp "chữa cháy".
Trong hoạt động kinh tế-xã hội, lòng tin, sự tin cậy giữa các đối tác có các mối quan hệ "ngang", như giữa những người mua và người bán, càng lớn thì chi phí giao dịch càng nhỏ, hoạt động kinh tế-xã hội càng hiệu quả.
Lòng tin, sự tin cậy càng cao thì càng ít tranh chấp và việc giải quyết tranh chấp nếu xảy ra cũng ít tốn kém hơn. Lòng tin, sự tin cậy ngang có tính "đối xứng", có đi có lại hơn. Thay cho việc phân tích thêm về sự tin cậy "ngang" này, sau đây chỉ bàn sơ về tạo dựng lòng tin trong các mối quan hệ "dọc" mà trước hết là các mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân (kể cả các tổ chức kinh tế và dân sự).
Xây dựng nhà nước pháp quyền phù hợp với nền dân chủ chính trị và nền kinh tế thị trường là sự đảm bảo vững mạnh lòng tin của những người tham gia hoạt động kinh tế-xã hội (tức là nền móng cho sự tin cậy "ngang"), bảo vệ công dân đối với cơ quan công quyền. Lưu ý đến sự "bất đối xứng" của sự tin cậy "dọc", nó chủ yếu phụ thuộc vào luật pháp, bộ máy nhà nước và quan chức nhà nước và độ "bảo vệ" người dân đối với cơ quan công quyền càng cao thì lòng tin dọc càng lớn.
Đầu tiên hãy xem xét ứng xử của các chính trị gia. Nhiều người trong số họ được dẫn dắt bởi các ý định cao thượng, phục vụ sự nghiệp của loài người. Nhưng họ cũng là người chứ không phải là thánh và ở một số người, các ý định cao cả có thể bị pha trộn với các ý định ít cao cả hơn, với ý định bám và giữ quyền lực, kéo bè kéo cánh, cũng có thể với ý định làm tăng thu nhập và tài sản của bản thân họ, gia đình họ, v.v...
Ngoài các chính trị gia phải nói đến đội ngũ công chức, họ thường được cho là phải có năng lực phục vụ công, chân thật, được lương tâm nghề nghiệp và quyền lợi chung điều khiển. Nhưng ứng xử của nhiều công chức không chỉ được thúc đẩy bởi sự phục vụ lợi ích chung, mà cũng bởi lợi ích riêng của bộ máy quan liêu, và khó cưỡng lại được những cám dỗ tham nhũng.
Chính vì thế cần tổ chức các thể chế nhà nước và xã hội trên cơ sở tính một cách thực tiễn đến những nét tiêu cực về ứng xử của các nhà chính trị và các nhà quan liêu. Vì thế phải xây dựng các định chế phù hợp để bảo vệ các công dân và các tổ chức của họ. Tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để cho các tổ chức xã hội dân sự hoạt động là biện pháp tăng cường lòng tin.
Lòng tin cũng được tăng cường khi tất cả các tổ chức trong xã hội, kể cả các tổ chức nhà nước, đều có (hay buộc phải có) trách nhiệm giải trình. Nhiều mối quan hệ khác của tính trung thực và lòng tin thường bị lãng quên trong các cuộc tranh luận ở Quốc hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng và cũng không được đề cập một cách đúng mức hay hiệu quả trong hệ thống giáo dục. Tâm tính của người dân cũng cần được thay đổi theo hướng tích cực, sẵn sàng tham gia, tránh thờ ơ, "mặc kệ nó".
Mới sơ qua nhưng có thể thấy tạo dựng lòng tin là một công việc tổng hợp cần phải được tiến hành liên tục. Song trên và trước hết, Nhà nước cần tránh các hiện tượng:. Lời nói không đi đôi với việc làm, không cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, các chính sách thiếu nhất quán, tệ nạn tham nhũng, bởi đó là những cách làm xói mòn lòng tin tai hại nhất. Nhìn nhận như vậy thì những hiện tượng bất ổn tâm lý vừa qua trở nên dễ hiểu hơn.
Để khôi phục lòng tin, cách ứng xử "chữa cháy" với các biện pháp hành chính, cấm đoán là cần thiết trong những lúc khẩn cấp, song để có được một lòng tin lâu bền, luôn phải lưu ý đến những biện pháp căn bản, dài hơi và liên tục.
Liên kết website
Ý kiến ()