Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 10:20 (GMT +7)
Tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho phát triển, ứng dụng AI
Thứ 2, 08/04/2024 | 21:55:00 [GMT +7] A A
Tại họp báo thường kỳ Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 8/4, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia đã thông tin về tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo (AI); giải pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho phát triển, ứng dụng AI
Phó Cục trưởng Nguyễn Phú Tiến cho biết: Tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo nói chung tại Việt Nam đã, đang được tiến hành tích cực. Định hướng chiến lược trong Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 có nêu: Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo; xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý thông thoáng đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống; phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo lấy con người, doanh nghiệp làm trung tâm, tránh lạm dụng công nghệ và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Quyết định cũng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan đến việc kiện toàn hành lang pháp lý. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới trí tuệ nhân tạo. Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về giao dịch điện tử.
Ngày 22/6/2023, Quốc hội đã ban hành Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15; Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các nghị định và thông tư liên quan. Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về thiết lập và chia sẻ dữ liệu, về các khung thể chế thử nghiệm (sandbox), tạo ra một không gian thử nghiệm thuận lợi với khung chính sách pháp lý riêng để tiến hành thử nghiệm trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực có tiềm năng. Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP về Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước. Bộ xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật định dạng về công nghệ và sản phẩm trí tuệ nhân tạo. Bộ cũng giao Cục Chuyển đổi số quốc gia chủ trì thử nghiệm triển khai mô hình Ngôn ngữ lớn và Trợ lý ảo, xây dựng Bộ Benchmark (một công cụ chiến lược, được sử dụng để so sánh hiệu suất của các quy trình, sản phẩm, dịch vụ của một doanh nghiệp với hiệu suất của các công ty tốt nhất trong và ngoài ngành) để đánh giá chất lượng các LLM (Large language models - các mô hình ngôn ngữ lớn) và TLA đã triển khai, dự kiến ban hành trong năm 2024.
Bộ Công an xây dựng, hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư, quyền con người, về an ninh trật tự có liên quan đến hoạt động phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo và về đảm bảo an toàn an ninh mạng cho các hoạt động liên quan tới trí tuệ nhân tạo.
Bộ Tư pháp xây dựng, hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan tới trí tuệ nhân tạo.
Phó Cục trưởng Nguyễn Phú Tiến khẳng định, quan điểm xuyên suốt trong việc xây dựng quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo là: Phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo lấy con người và doanh nghiệp làm trung tâm, tránh lạm dụng công nghệ và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bộ đã làm việc với các doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp đã cam kết đồng hành trong việc xây dựng môi trường pháp lý bảo đảm quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng nhưng không kìm hãm sự phát triển của xã hội.
Tạo thuận lợi khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Trả lời thông tin về phản ánh của nhiều người dân, doanh nghiệp về việc hiện nay sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn gặp khó khăn, đặc biệt là đối với người cao tuổi, Phó Cục trưởng Nguyễn Phú Tiến cho biết mục tiêu hướng tới dịch vụ công toàn trình, dịch vụ công phải bảo đảm dễ tiếp cận, dễ sử dụng và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Nhận diện vấn đề này, thời gian tới, Cục sẽ báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông về việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến và nhân rộng các mô hình. Đồng thời, để tạo sự tập trung, dễ sử dụng, cần thúc đẩy các hệ thống tích hợp được như dịch vụ công trực tuyến quốc gia. Hơn 4.000 dịch vụ công trực tuyến đã được tích hợp, người dân có thể truy cập các dịch vụ của các bộ, ngành, địa phương. Tại các địa phương đã có các app tổng hợp truy cập những dịch vụ thiết yếu cho người dân.
Ngày 3/4/2024, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định 473/QĐ-BTTTT về Bộ tiêu chí đánh giá hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh năm 2024. Thời gian tới, Cục Chuyển đổi số quốc gia sẽ đánh giá và công bố một số mô hình, tiến tới nhân rộng để người dân dễ dàng truy cập, thuận tiện trong việc nộp hồ sơ qua mạng - ông Nguyễn Phú Tiến thông tin thêm.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()