Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:33 (GMT +7)
Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản
Thứ 6, 17/03/2023 | 06:47:54 [GMT +7] A A
Hoạt động tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy sản, sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh ra thị trường trong và ngoài tỉnh đang được tỉnh triển khai hiệu quả với nhiều hoạt động kết nối, giao thương đa dạng. Trong đó, việc tạo liên kết vùng để thúc đẩy kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, HTX đang được các cấp, ngành chức năng của tỉnh đẩy mạnh nhằm đưa các sản phẩm của Quảng Ninh đến nhiều thị trường, hướng tới xuất khẩu bền vững.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, với diện tích gần 5.000ha, bao gồm: Vùng trồng lúa chất lượng cao ở TX Đông Triều; vùng trồng rau an toàn ở TX Quảng Yên; vùng trồng chè tập trung ở huyện Hải Hà; vùng trồng hoa tại TP Hạ Long; vùng chăn nuôi lợn Móng Cái; vùng chăn nuôi tôm ở huyện Đầm Hà, TP Móng Cái; vùng nuôi nhuyễn thể ở huyện Vân Đồn… và 569 sản phẩm OCOP, với 336 sản phẩm đạt từ 3-5 sao.
Trên cơ sở phát triển sản phẩm tại các vùng sản xuất tập trung, nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã được hình thành, giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp các doanh nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, đưa nông sản đến với thị trường ngoài tỉnh và hướng tới xuất khẩu.
Để mở rộng được thị trường tiêu thụ các sản phẩm, tỉnh đã cụ thể hóa nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển HTX…; cụ thể hóa Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mà các bên đối tác đều được hưởng lợi, trực tiếp là nông dân. Thông qua đó, tạo kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững, ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật nông nghiệp thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Đặc biệt, để tạo được sự liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững, nhiều hoạt động hợp tác liên kết vùng đã được tỉnh thực hiện với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ để triển khai các hoạt động hợp tác, kết nối. Nổi bật là đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho các hoạt động giao thông, giao thương, buôn bán. Điển hình là việc hoàn thành xây dựng cầu Triều kết nối TX Đông Triều với huyện Kinh Môn (tỉnh Hải Dương); cải tạo nâng cấp đoạn nối ĐT345 (tỉnh Quảng Ninh) với ĐT398 (tỉnh Hải Dương); đang đầu tư xây dựng đường nối từ đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều đến QL37 và kết nối với đường vành đai 5 thủ đô; đầu tư xây dựng cầu bến Rừng và cầu Lại Xuân kết nối với TP Hải Phòng...
Cùng với đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ cũng được tỉnh đẩy mạnh thực hiện trên cơ sở hợp tác, phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ. Riêng giai đoạn 2016- 2022, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh tổ chức 16 lượt Hội chợ OCOP cấp tỉnh, tổng quy mô 3.352 gian hàng. Trong đó có 1.529 gian hàng trong tỉnh, đạt trên 45% trong tổng số các gian hàng tham gia tại các hội chợ. Sản phẩm nông sản, OCOP của Quảng Ninh còn được giới thiệu quảng bá tại các sự kiện lớn của Trung ương được tổ chức tại Quảng Ninh, như: Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31, Đại hội đồng EATOF lần thứ 17 tại Quảng Ninh và các hội nghị, hội thảo của tỉnh và Trung ương... thu hút đông đảo du khách và nhân dân trên địa bàn, góp phần quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đến nay, cũng đã có trên 100 sản phẩm nông thủy sản của tỉnh được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị (GO!, MM Mega Market, Aloha, Winmart, Winmart+...). Một số sản phẩm tiêu thụ tốt trong các chuỗi, như: Rau, củ quả các loại của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long; rượu Song lộc (rượu mơ), rượu Ba kích của Công ty TNHH Thăng Long; nước mắm Cái Rồng các loại của Công ty CP Thủy sản Cái Rồng, trứng vịt biển Đầm Hà, củ cải Đầm Hà... Ngoài ra, các sản phẩm như: Ruốc hàu, ruốc trai, hàu sữa chưng thịt, dầu ăn Hải Yến, rượu ba kích Quảng Ninh đã ký kết được các hợp đồng phân phối tiêu thụ với hệ thống siêu thị tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung.
Liên kết vùng là một trong những định hướng hết sức quan trọng trong việc hợp tác tiêu thụ, mở rộng thị trường. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức lại sản xuất; đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển của các doanh nghiệp, HTX, để hình thành các chuỗi giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()