Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 15:25 (GMT +7)
Tạo nền tảng phát triển thuỷ sản giá trị cao
Thứ 7, 25/05/2024 | 06:16:10 [GMT +7] A A
Những năm qua, lĩnh vực thuỷ sản luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp Quảng Ninh. Năm 2023, tỷ trọng thuỷ sản là 51%; năm 2024 này phấn đấu đạt 55% tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp tỉnh. Hiện nay, giá trị sản xuất lĩnh vực thuỷ sản của Quảng Ninh được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc, phát triển bền vững và đạt giá trị cao, sau khi các địa phương có biển trên địa bàn mạnh tay lập lại trật tự về nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) trên biển thời gian qua, đồng thời Quảng Ninh cũng đã sớm hoàn thành quy hoạch phương án, đề án NTTS tại các địa phương ven biển.
Khai thác bài bản “dư địa” quỹ mặt nước
Cẩm Phả là một trong những địa phương quyết liệt trong xử lý tình trạng NTTS không phép, trái phép và sử dụng vật liệu nổi hợp quy thời gian qua. Đơn vị này đã chuyển đổi 98% vật liệu nổi là phao xốp sang vật liệu hợp quy; tiêu huỷ trên 42.600 quả phao xốp; tháo dỡ, di dời 175 hộ vi phạm. Năm 2024, diện tích mặt biển được Cẩm Phả quy hoạch NTTS là trên 2.400ha, thay vì chỉ hơn 200ha như trước đó. Đây là dư địa rất lớn để Cẩm Phả giải quyết sinh kế cho hộ dân NTTS trên địa bàn cũng như thu hút doanh nghiệp đầu tư vào NTTS quy mô lớn.
Theo ông Phạm Văn Kính, Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả, để khai thác bài bản diện tích khu vực biển quy hoạch NTTS vừa mở rộng, TP Cẩm Phả hoàn thành quy hoạch nuôi biển và xây dựng "Phương án phát triển NTTS trên biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045". Hiện nay, các đơn vị chức năng thành phố đang tăng cường hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục cấp phép, hồ sơ đánh giá tác động môi trường và công bố công khai phương án NTTS và bản đồ quy hoạch để làm cơ sở giao khu vực biển.
Năm 2024, TX Quảng Yên chính thức có 865ha mặt biển nằm trong quy hoạch NTTS của tỉnh. Nắm bắt cơ hội này, chính quyền TX Quảng Yên tập trung lực lượng rà soát hiện trạng, đánh giá, phân tách các hộ NTTS đủ điều kiện được giao khu vực biển để tổ chức sản xuất ổn định. Quyết tâm của Quảng Yên là xử lý dứt điểm tình trạng NTTS tự phát trên biển, vốn đã tồn tại từ lâu, thay vào đó là hướng tới đảm bảo sinh kế cho người dân với những mô hình nuôi, công nghệ nuôi biển có khả năng khai thác hiệu quả quỹ mặt nước biển.
Để giao biển đúng đối tượng, hiện TX Quảng Yên đang hướng dẫn các hộ dân, tổ chức thực hiện đảm bảo các thủ tục hành chính theo quy định. Trong đó, điều kiện tiên quyết là các hộ dân buộc phải chuyển đổi triệt để phao xốp sang phao nổi hợp quy, cam kết nuôi đúng quy hoạch, đúng đối tượng và đúng diện tích đã được giao. Tính đến thời điểm này, trên 600 hộ dân có đơn đề nghị giao khu vực biển đã bước đầu được đo vẽ, khép góc sơ đồ hiện trạng.
Ưu tiên mô hình thuỷ sản công nghệ cao
Cùng với việc khai thác bài bản quỹ mặt nước NTTS, các địa phương có biển trong tỉnh rất chú trọng thu hút doanh nghiệp có tiềm lực và ứng dụng công nghệ cao vào NTTS cả ở trên biển và ven biển. Khu vực nhà bạt nuôi tôm 3 giai đoạn tại xã Cộng Hoà thuộc HTX Nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả mới đi vào hoạt động tuy nhiên đã cho thấy tín hiệu rất khả quan. Theo tính toán của HTX này, 1 ao nuôi 2.000m2 có thể có hàng chục tấn tôm/vụ.
Cơ sở để HTX Nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả có thể đạt được kết quả trên là dựa trên công nghệ nuôi trong nhà bạt, sử dụng hệ thống sục khí công suất lớn và nuôi tôm theo giai đoạn. Đặc biệt hệ thống nhà bạt của HTX Nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả được dựng cao, thoáng thay vì kiềm khí như ở nơi khác, chính bởi vậy có thể chủ động điều chỉnh được nhiệt độ, độ ẩm trong ao để nuôi quanh năm, trong bất cứ thời tiết nào.
Ở phường Trưng Vương, TP Uông Bí, hộ kinh doanh Lê Đức Mạnh đang đẩy mạnh triển khai dự án nuôi tôm công nghệ cao quy mô lớn. Đây là dự án có mức đầu từ lớn trên 100 tỷ đồng, đồng thời được kỳ vọng sẽ là mô hình nuôi tôm ao lớn cho sản lượng, giá trị cao. Dự án nằm ở vị trí thuận lợi với nguồn nước biển tự nhiên, quan trọng hơn, công nghệ nuôi của dự án có hàm lượng KHCN lớn, là công nghệ nuôi ao lót bạt linh động và nuôi theo 3 giai đoạn. Đến thời điểm này, dự án đã đạt 80% khối lượng xây lắp, có thể thả nuôi những ao tôm đầu tiên vào tháng 12 năm nay, thả nuôi toàn phần vào năm 2025.
Theo ông Lê Thái Sơn, đại diện dự án nuôi tôm công nghệ cao phường Trưng Vương, hiện dự án nuôi tôm của hộ kinh doanh Lê Đức Mạnh đã hoàn thành 80% khối lượng công trình phụ trợ, đồng thời đào đắp hoàn thiện 32 ao nuôi trên tổng số 52 ao nuôi toàn dự án. Dự kiến, vào cuối năm nay, toàn bộ khu vực phía bắc của dự án với khoảng 24 ao sẽ thả nuôi, chính thức đi vào sản xuất thực tế. Năng suất, sản lượng dự kiến khoảng 30 tấn/ao/năm.
Có thể thấy, để đẩy mạnh phát triển kinh tế thuỷ sản theo hướng bền vững, tỉnh Quảng Ninh sớm hoàn thiện, hiệu chỉnh quy hoạch ngành nông, lâm, ngư nghiệp theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời hoàn thành Quy hoạch phương án, đề án nuôi trồng thủy sản. Theo đó, tỉnh đã quy hoạch trên 45.000ha khu vực biển dành cho phát triển nuôi biển. Tháng 4 vừa qua, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước đã cấp phép NTTS cho 6 HTX, doanh nghiệp, cho thấy quan điểm tiên phong các phương thức nuôi công nghệ hiện đại, tiên tiến đảm bảo có kiểm soát theo hướng giảm mật độ nuôi của tỉnh.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()