Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 20:26 (GMT +7)
Tạo sức bật cho nông sản
Thứ 3, 02/11/2021 | 10:30:04 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, nền nông nghiệp Quảng Ninh đang chuyển dịch theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển bền vững. Theo đó, ngành nông nghiệp, các địa phương, người sản xuất đã và đang tích cực ứng dụng cơ giới hóa, KHCN mới; xây dựng, phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, hình thành các vùng sản xuất nông sản tập trung... góp phần nâng cao chất lượng nông sản, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và hướng tới xuất khẩu.
Phát triển nông sản chủ lực
Trà hoa vàng Ba Chẽ là một trong những nông sản chủ lực của huyện, được xếp hạng OCOP 5 sao của tỉnh Quảng Ninh. Xác định đây là một trong những cây trồng có thế mạnh, mang lại giá trị kinh tế cao, thời gian qua, chính quyền và người dân địa phương đã mạnh dạn mở rộng diện tích vùng trồng, cũng như nâng cao giá trị cho thương hiệu trà hoa vàng trên địa bàn.
Từ năm 2015, huyện Ba Chẽ đã bắt tay vào xây dựng và mở rộng các vùng trồng cây dược liệu, trong đó có cây trà hoa vàng. Đồng thời khuyến khích các hộ dân tận dụng diện tích đất đồi, chuyển đổi mô hình canh tác từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng trà hoa vàng. Giai đoạn 2015-2017, huyện đã hỗ trợ 1,1 tỷ đồng cho 174 hộ tham gia dự án trồng trà hoa vàng tập trung. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến trà hoa vàng cho người dân. Đến nay, toàn huyện có khoảng 200ha trồng trà hoa vàng với sự tham gia của hàng trăm hộ dân, doanh nghiệp, HTX. Huyện cũng đang đặt mục tiêu sẽ nâng diện tích trồng trà hoa vàng lên trên 500ha vào năm 2025.
Để quảng bá thương hiệu, hỗ trợ người dân tìm đầu ra cho sản phẩm, định kỳ hằng năm, huyện tổ chức Lễ hội trà hoa vàng, đồng thời, thường xuyên đăng ký cho các doanh nghiệp tham gia các chương trình Hội chợ OCOP do tỉnh tổ chức, các hội chợ OCOP kết hợp thương mại của các địa phương trong tỉnh và một số chương trình xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Từ sự quan tâm của huyện, các hộ trồng và cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng đã chủ động đổi mới, áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, chú trọng đa dạng hóa sản phẩm từ cây trà hoa vàng. Từ hoa tươi, hoa khô, lá khô đến bột matcha, trà túi lọc, hay bánh trà... Đặc biệt, việc đầu tư mẫu mã, bao bì, xây dựng thương hiệu cũng được chú trọng hơn, qua đó từng bước nâng tầm chất lượng nông sản đặc trưng này.
Không riêng trà hoa vàng Ba Chẽ, những nông sản chủ lực, có thế mạnh của Quảng Ninh như: Lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, ổi Hoành Bồ, chè Đường Hoa, na dai Đông Triều, vải chín sớm Phương Nam, miến dong Bình Liêu... cũng đang từng ngày khẳng định được chất lượng, thương hiệu, thông qua hàng loạt giải pháp của tỉnh, các sở, ngành và địa phương.
Tại TX Đông Triều, địa phương hiện đang có trên 350ha trồng na dai được chứng nhận VietGAP, mỗi vụ cho thu hoạch hàng nghìn tấn na đưa ra thị trường. Từ nhiều năm trước, được sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, các hộ dân đã áp dụng quy trình VietGAP cho trồng cây na dai. Từ khi áp dụng quy trình này, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học đã giảm. Qua đó, tiết kiệm chi phí đầu tư; mặt khác chất lượng quả đồng đều, mẫu mã đẹp, đảm bảo an toàn thực phẩm, năng suất và giá thành sản phẩm cũng tăng. Trung bình 1ha trồng na dai áp dụng VietGAP cho thu hoạch khoảng 16 tấn quả/năm.
Không chỉ quan tâm đến việc xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển sản xuất theo chuỗi và áp dụng quy trình sản xuất an toàn, nhiều cơ sở, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản cũng đã chú trọng áp dụng KHCN để từng bước hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm nông nghiệp. Nhiều nông sản, nhất là sản phẩm OCOP ngày càng đứng vững, vươn ra các thị trường lớn nhờ đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chế biến, bảo quản.
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh - đơn vị đi đầu trong chế biến sâu các sản phẩm thủy sản của tỉnh. Thời gian qua, Công ty đã chủ động đầu tư dây chuyền rửa, vệ sinh, đóng lọ tự động, khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tuyệt đối, thay thế cho phương pháp thủ công trước đây. Đồng thời, thường xuyên thay đổi bao bì, đa dạng hóa sản phẩm, tối ưu hóa tiện ích cho người tiêu dùng. Nhờ đó, các sản phẩm của Công ty đã được thị trường đón nhận và đánh giá cao. Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty, cho biết: Việc ứng dụng KHCN vào quy trình chế biến mang lại giá trị thương mại cao cho sản phẩm, chuyên nghiệp hơn, chất lượng hơn, nhất là đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiện nhiều sản phẩm như tinh hàu, ruốc hàu, ruốc tép, ruốc cá, ruốc ngao hai cùi... của công ty đã phân phối vào hệ thống các siêu thị lớn trong nước. Một số sản phẩm cũng đang được ký hợp đồng với các đối tác cung cấp, tiêu thụ ra thị trường nước ngoài.
Chắp cánh cho nông sản vươn xa
Quảng Ninh là tỉnh có nhiều lợi thế về phát triển nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, những năm trước, lĩnh vực này chưa phát huy được thế mạnh, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh cũng ở một mức độ nhất định, trong khi tiềm năng là rất lớn. Nhận thức rõ những điểm còn hạn chế, thời gian qua, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP; Quảng Ninh đã khơi dậy được những tiềm năng, thế mạnh trong phát triển sản phẩm nông nghiệp. Tính đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được tổng số 500 sản phẩm OCOP; trong đó, 238 sản phẩm được phân hạng, cấp sao.
Hằng năm, tỉnh tổ chức các cuộc chấm điểm, đánh giá, xếp loại sản phẩm OCOP nhằm kiểm soát, thắt chặt chất lượng các sản phẩm tham gia chương trình. Mới đây nhất, Ban Xây dựng Nông thôn mới tỉnh cũng đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét đưa 56 sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn ra khỏi chương trình. Trước đó, vào năm 2020, tỉnh cũng đã mạnh tay loại bỏ 65 sản phẩm ra khỏi chương trình với lý do không có khả năng hoàn thiện, phát triển hoặc đã ngừng sản xuất.
Ngoài những sản phẩm OCOP, hiện tỉnh cũng đang có lộ trình xây dựng Đề án phát triển chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực, giai đoạn 2020-2025 nhằm tiếp tục quan tâm dài hơi hơn đến việc nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp. Mục tiêu không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, mà còn hướng tới xuất khẩu. Được biết hồi đầu tháng 4 vừa qua, sản phẩm Quế hữu cơ của tỉnh Quảng Ninh cũng đã lên đường xuất khẩu đi các nước châu Âu, mở ra những tín hiệu vui cho nông sản Quảng Ninh trong tương lai.
Theo lãnh đạo ngành NN&PTNT tỉnh, trong thời gian tới, ngành sẽ khuyến khích người dân, các hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ, thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Đồng thời chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế các vùng, miền, tập trung đẩy mạnh phát triển bộ sản phẩm chủ lực của địa phương, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản trên một đơn vị diện tích.
Bên cạnh đó, ngành cũng xác định sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực và tăng cường hỗ trợ các HTX tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là các chính sách hỗ trợ về máy móc, thiết bị trong sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm và chính sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho HTX nông nghiệp. Qua đó thúc đẩy các HTX tham gia vào chế biến, chế biến sâu, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Về lâu dài, khuyến khích các HTX chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở nhà xưởng, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn chung để được cấp phép bổ sung doanh nghiệp xuất khẩu vào các thị trường lớn như Trung Quốc, châu Âu...
Cùng với nỗ lực của ngành nông nghiệp, về phía tỉnh, Quảng Ninh cũng đang tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách để mời gọi, liên kết các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến hợp tác đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh công tác truyền thông, xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường; chú trọng công tác truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, thương mại điện tử... để các nông sản được tiếp cận và quảng bá rộng rãi hơn ở thị trường trong nước và quốc tế.
Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, để nâng cao chất lượng nông sản, tăng sức cạnh tranh, hướng tới xuất khẩu nông sản, tỉnh cũng sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khuyến khích, định hướng người dân, các cơ sở sản xuất nhận thức rõ hơn việc tổ chức sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường và bảo đảm các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất an toàn. Đồng thời, tăng cường các giải pháp kỹ thuật thâm canh để giảm chi phí, nhất là ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến và bảo quản để chinh phục được các thị trường khó tính nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, cũng như tăng giá trị và hiệu quả sản xuất cho các nông sản của tỉnh.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()