Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:37 (GMT +7)
Tạo thương hiệu từ các vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn
Thứ 5, 01/02/2024 | 08:26:50 [GMT +7] A A
Để đảm bảo sức khỏe cho người dân trên địa bàn và du khách khi đến Quảng Ninh, những năm qua các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng nguyên liệu sạch và chuỗi cung ứng thực phẩm vừa đảm bảo an toàn, vừa có giá trị kinh tế và sức cạnh tranh cao.
Công tác tuyên truyền, giáo dục về ATTP, xây dựng các vùng nguyên liệu sạch... luôn được các sở, ngành và các địa phương quan tâm. Sở NN&PTNT, các địa phương thường xuyên phối hợp cùng Trung tâm Truyền thông tỉnh tuyên truyền về sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp an toàn và xây dựng các vùng sản xuất an toàn.
Hình thức tuyên truyền cũng được thực hiện hết sức phong phú. Năm 2023, toàn tỉnh đã thực hiện 86.843 lượt phát thanh, truyền thanh; 796 lượt phóng sự, tin bài truyền hình; 2.986 tin bài trên các trang báo; 5.928 băng rôn, phướn, áp phích; 181.553 tờ rơi, tờ gấp... về ATTP, trong đó có nhiều thông tin về khuyến khích xây dựng vùng nông, lâm, thủy sản an toàn, đảm bảo chất lượng.
Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh tổ chức 1.420 buổi tuyên truyền vận động thực hiện bảo đảm ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản cho 99.456 lượt người; 38 hội nghị tập huấn, tuyên truyền cho trên 3.460 hội viên nông dân về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, tham gia hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Hội còn tổ chức 5 hội nghị tư vấn, đối thoại, giải đáp tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chất lượng, an toàn theo chuỗi tại các địa phương cho hơn 500 đại biểu là cán bộ, hội viên, nông dân tham gia…
Các sở, ngành, địa phương cũng tổ chức 242 hội nghị, tập huấn bồi dưỡng kiến thức về ATTP cho 21.053 người là cán bộ quản lý, chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm; 2.636 buổi tọa đàm, nói chuyện lồng ghép phổ biến kiến thức ATTP cho 121.856 lượt người của các tổ chức hội, đoàn thể và người tiêu dùng…
Hiện tỉnh tiếp tục duy trì sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng. Qua đó đã có 1.108ha diện tích trồng trọt được chứng nhận VietGAP với 91 cơ sở; 2 cơ sở trồng quế và lúa với 419ha được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ, sản lượng dự kiến trên 691 tấn/năm. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh còn có 1 cơ sở nuôi trồng thủy sản (cá tầm Nga, cá lăng nha) được chứng nhận VietGAP với diện tích 0,405ha, dự kiến cho thu hoạch khoảng 80 tấn/vụ.
Đặc biệt, việc xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn càng được các địa phương chú trọng. Hiện toàn tỉnh có 67 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAP, trong đó chăn nuôi gà thịt dự kiến cho 502 tấn/năm, gà con giống dự kiến đạt 300.000 con/năm; trứng vịt dự kiến thu 1,2 triệu quả/năm; gà Tiên Yên dự kiến đạt 122 tấn/năm; lợn Móng Cái dự kiến đạt 250 tấn/năm.
Song song với xây dựng những vùng sản xuất an toàn, các địa phương cũng chú trọng xây dựng chuỗi cung ứng đồng bộ, các sản phẩm OCOP của địa phương. Hiện toàn tỉnh có 13 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 46 sản phẩm; có 219 chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 54 doanh nghiệp, 87 HTX, 78 hộ sản xuất. Toàn tỉnh đã có 560 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó 401 sản phẩm đạt 3-5 sao.
Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp an toàn trên địa bàn tỉnh, các ngành, địa phương đã đẩy mạnh quảng bá trên thị trường. Cụ thể, Sở Công Thương tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng thương mại, phát triển hệ thống sản xuất, kinh doanh hiện đại, hiện đã phát triển và đưa vào hoạt động 7 trung tâm thương mại, 11 siêu thị tổng hợp có kinh doanh thực phẩm, 142 chuỗi cửa hàng tiện lợi, 26 điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP và hàng nghìn điểm cung cấp hàng hóa phân bố đều trên địa bàn các địa phương trong tỉnh.
Qua đó đã đưa được 560 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP lên các sàn thương mại điện tử như Voso.vn, Postmart.vn, sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh... Số lượng khách truy cập tìm hiểu, mua sản phẩm OCOP trên các sàn giao dịch này trong năm 2023 đạt khoảng 192.358.000 lượt.
Cùng với quảng bá sản phẩm tại các cửa hàng, trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử, tỉnh còn đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn tại các hội chợ trong nước, quốc tế, trong tỉnh. Riêng năm 2023, đã có 12 lượt cơ sở với trên 50 nông sản an toàn, sản phẩm OCOP tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại 11 hội chợ, sự kiện như: Hội chợ Tự hào nông sản Việt Nam, Hội chợ Thương mại xúc tiến du lịch, Hội chợ Thực phẩm đồ uống Foods, Hội chợ Tuần hàng quảng bá nông sản, Chương trình Tinh hoa làng nghề, sản phẩm OCOP... Đồng thời, tỉnh còn tổ chức, tham gia 37 chương trình xúc tiến gồm các hội chợ cấp tỉnh, cấp quốc gia, các hội chợ OCOP, chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước…
Sự hỗ trợ tích cực của tỉnh đã tạo động lực cho doanh nghiệp, người dân đầu tư sản xuất các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đảm bảo chất lượng trên địa bàn.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()