Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:19 (GMT +7)
Đa dạng hình thức tuyên truyền về an toàn thực phẩm
Thứ 3, 23/01/2024 | 14:15:16 [GMT +7] A A
Thời gian qua, hoạt động tuyên truyền về an toàn thực phẩm (ATTP) được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP; khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm đảm bảo ATTP vì cộng đồng của từng doanh nghiệp, doanh nhân, hộ gia đình và người dân.
Theo thống kê, năm 2023, tỉnh Quảng Ninh có 47.975 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Với dân số 1,36 triệu người và hằng năm đón khoảng 15,5 triệu lượt khách du lịch, Quảng Ninh cần nhu cầu lớn về lương thực, thực phẩm trong khi sản lượng lương thực, thực phẩm sản xuất tại chỗ của tỉnh chỉ đáp ứng gần 60% nhu cầu thực tế. Do đó, công tác đảm bảo ATTP rất được chú trọng, đặc biệt là việc tuyên truyền, giáo dục về ATTP được quan tâm thực hiện nhằm giúp người tiêu dùng bổ sung kiến thức trong nhận diện và tiếp cận sản phẩm an toàn.
Hàng năm, Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, các phóng viên quan tâm tuyên truyền về ATTP, tập trung trong các đợt cao điểm như dịp Tết Nguyên đán, lễ hội đầu xuân, Tháng hành động vì ATTP với đa dạng các hình thức, đổi mới về nội dung trên các hạ tầng phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử và các trang mạng xã hội (zalo, youtube, fanpage...). Tính riêng năm 2023, toàn tỉnh đã thực hiện 86.843 lượt phát thanh, truyền thanh; 796 lượt phóng sự, tin bài truyền hình; 2.986 tin bài trên các trang báo; 5.780 băng rôn, phướn, áp phích; 181.553 tờ rơi, tờ gấp; 319 đĩa hình, đĩa tiếng; 148 Standee; hơn 2.000 cuốn sổ tay ATTP và 3.211 lịch tuyên truyền ATTP. Các đơn vị quản lý chuyên ngành về ATTP (Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) duy trì đăng tải tin bài, văn bản pháp luật về ATTP, kiến thức thực hành về ATTP, thông tin về cơ sở thực phẩm, sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm an toàn, xử lý vi phạm về ATTP trên website của đơn vị (http://quangninh.gov.vn/viVN/so/sonongnghiepptnt; http://antoanthucphamquangninh.vn; http://thongtinvipham@mard.gov.vn).
Đặc biệt, Trung tâm Truyền thông tỉnh đã tập trung, đẩy mạnh tuyên truyền, đăng tải 690 lượt tin, bài, phóng sự về bảo đảm ATTP trên sóng phát thanh, truyền hình. Định kỳ tổ chức sản xuất các chuyên mục Chuyện cùng bác sĩ, Tư vấn sức khỏe, Vì sức khỏe cộng đồng trong đó phản ánh tình hình ATTP trong tỉnh, giải đáp nỗi lo của người dân đối với vấn nạn thực phẩm bẩn, cung cấp thông tin chính xác, minh bạch, giới thiệu nhiều mô hình sản xuất, địa chỉ cung cấp thực phẩm sạch, an toàn; chuyên mục khoa học và công nghệ về những mô hình, hệ thống quản lý ATTP. Trên báo in, báo điện tử Quảng Ninh, Cổng thông tin điện tử, Trung tâm đã sản xuất, đăng tải hơn 420 lượt tin, bài, ảnh, chuyên mục liên quan đến ATTP.
Bên cạnh đó, công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức ATTP cũng được các sở, ngành, địa phương quan tâm tổ chức với 242 hội nghị, tập huấn bồi dưỡng kiến thức về ATTP cho 21.053 người là cán bộ quản lý, chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm; 2.636 buổi tọa đàm, nói chuyện lồng ghép phổ biến kiến thức ATTP cho 121.856 lượt người của các tổ chức hội, đoàn thể và người tiêu dùng. Hội Nông dân tỉnh tổ chức 1.420 buổi tuyên truyền vận động thực hiện bảo đảm ATTP, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản cho 99.456 lượt người. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 216 cuộc tuyên truyền cho trên 20.000 hội viên phụ nữ về bảo đảm ATTP; tổ chức 04 cuộc truyền thông tại Móng Cái, Đầm Hà, Tiên Yên, Hải Hà với chủ đề ATTP vì sức khỏe cộng đồng; duy trì 13 mô hình điểm phụ nữ kinh doanh thực phẩm an toàn tại 13 địa phương trong tỉnh và 4 mô hình điểm CLB phụ nữ thực hiện vệ sinh ATTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng tại TP Hạ Long và huyện Tiên Yên.
Ngoài ra, Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP hàng năm được coi là một trong những chiến dịch truyền thông cao điểm thay đổi hành vi về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm cùng với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP, nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đối với công tác bảo đảm ATTP. Việc tiếp nhận, xử lý thông tin về ATTP qua Đường dây nóng của ngành Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn được duy trì. Định kỳ vào ngày 05 hàng tháng, Sở Y tế tổng hợp toàn bộ danh sách cơ sở bị xử lý, xử phạt vi phạm về ATTP của các địa phương và lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh đồng thời gửi Trung tâm Truyền thông tỉnh công khai trên các hạ tầng truyền thông. Năm 2023, đã công khai danh sách 386 tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về ATTP (tăng 21 cơ sở so với năm 2022).
Việc đẩy mạnh truyền thông về ATTP với đa dạng các hình thức đã góp phần phổ biến kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về ATTP tới mọi người dân và cơ quan quản lý; thông tin kịp thời cho người dân về vấn đề đảm bảo ATTP, góp phần nâng cao ý thức, chuyển biến nhận thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.
Hoàng Nhi
Liên kết website
Ý kiến ()