Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 11/12/2024 21:44 (GMT +7)
Kịch bản tăng trưởng 2025 cần xây dựng ở mức cao hơn để đáp ứng mục tiêu đặt ra
Thứ 4, 11/12/2024 | 17:03:05 [GMT +7] A A
Ngày 11/12, đồng chí Phạm Đức Ấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì họp, nghe báo cáo, chỉ đạo rà soát, triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH năm 2024, triển khai nhiệm vụ 2025.
Tại cuộc họp, đại biểu đều thống nhất: Triển khai nhiệm vụ phát triển KT-XH trong bối cảnh khó khăn, thuận lợi đan xen, gần đây nhất là cơn bão Yagi lịch sử gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tuy nhiên, Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục sau bão, khôi phục ngay các hoạt động sản xuất, kinh doanh... từ đó đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Cụ thể, hết tháng 11, tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế có sụt giảm so với cùng kỳ, song vẫn cao hơn bình quân chung cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 48.000 tỷ đồng, bằng 91% dự toán trung ương giao; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 2 tỷ USD, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Các khu vực dịch vụ, du lịch đạt nhiều kết quả quan trọng, tỉnh đã triển khai nhiều sự kiện nhằm kích cầu du lịch, tổng lượng khách đến tỉnh hết tháng 11 đạt gần 18 triệu lượt, tăng 21% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 3,45 triệu lượt…
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình KT-XH vẫn đứng trước nhiều tồn tại, hạn chế đó là: tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; có 6 khoản thu không đạt dự toán; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp; công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, tiến độ triển khai một số dự án đầu tư công còn chậm, chưa đạt yêu cầu.
Với mục tiêu đẩy mạnh thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH năm 2024, tại cuộc họp, thành viên UBND tỉnh đã thẳng thắn làm rõ một số nguyên nhân, tồn tại tác động đến các nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh như: công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa hiệu quả; ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu, đặc biệt cơn bão số 3 vừa qua; biến động toàn cầu, suy thoái kinh tế; pháp luật về đất đai có sự thay đổi… Đồng thời, làm rõ một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH năm 2024; đóng góp ý kiến vào triển khai xây dựng kịch bản tăng trưởng 2025.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Phạm Đức Ấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2024 là năm đặc biệt khó khăn đối với tỉnh Quảng Ninh, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh. Đồng chí đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực của các sở, ngành, địa phương đã bám sát các kế hoạch để tập trung thực hiện.
Quỹ thời gian còn lại của năm 2024 không còn nhiều, nhiệm vụ của năm nhất là công tác giải ngân đầu tư công, công tác tài chính, ngân sách phải giải quyết trong một thời gian ngắn, đặt ra nhiều thách thức đối với tỉnh. Do vậy, đồng chí đề nghị cần nỗ lực cao nhất, tập trung triển khai các giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Trong đó, cần đồng hành, hỗ trợ, giải quyết dứt điểm những khó khăn, tồn tại; tạo điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, thực hiện nghĩa vụ tài chính với tỉnh, đảm bảo các khoản thu theo đúng kế hoạch.
Các địa phương cần chuẩn bị chu đáo công tác tổ chức bầu cử trưởng thôn, bản, khu phố đạt hiệu quả, đúng mục đích, bám sát các quy định hiện hành. Đồng thời, các sở, ngành, địa phương cần chủ động xây dựng, đề xuất xây dựng kịch bản phát triển KT-XH năm 2025, đặc biệt tính toán phương án xây dựng Kịch bản tăng trưởng, chi tiết tới từng sản phẩm, từng quý trong năm 2025 ở mức cao hơn để đáp ứng mục tiêu đặt ra của cả nhiệm kỳ. Đồng chí lưu ý, cần bám sát các chỉ tiêu, mục tiêu, chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết BCH Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh, chủ đề công tác năm “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới” để làm căn cứ thống nhất nội dung, xây dựng chương trình hành động.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()