Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 17:27 (GMT +7)
Xây dựng Hạ Long là đô thị dịch vụ, du lịch văn minh
Thứ 7, 18/03/2023 | 06:43:36 [GMT +7] A A
Ngày 11/3/2023, Bộ Xây dựng bàn giao tài liệu Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 theo Quyết định số 72/QĐ-TTg (ngày 10/2/2023) của Thủ tướng Chính phủ cho TP Hạ Long. Quy hoạch là dấu ấn quan trọng để Hạ Long bước vào chặng đường phát triển mới, phấn đấu trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ du lịch quốc gia tầm quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại và đồng bộ.
Quy hoạch - Yêu cầu từ thực tiễn
Từ 2 địa phương có sự phát triển không tương đồng, đầu năm 2020, huyện Hoành Bồ (đô thị loại IV) sáp nhập vào TP Hạ Long (đô thị loại I) để trở thành đô thị Hạ Long mới trực thuộc tỉnh, có diện tích tự nhiên lớn nhất nước; phong phú về cảnh quan, địa hình, tài nguyên du lịch... Việc sáp nhập đã giải quyết kịp thời những khó khăn về dư địa, không gian phát triển, quỹ đất khả dụng, tuy nhiên khiến cho quy hoạch trước đây không còn phù hợp.
Trước khi sáp nhập, Hoành Bồ và Hạ Long được quản lý quy hoạch xây dựng bằng 2 đồ án riêng biệt, gắn với điều kiện thực tế và vai trò của mỗi địa phương trong cục diện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh. Trong đó, Hoành Bồ quy hoạch phát triển theo hướng đô thị công nghiệp, dịch vụ sinh thái chất lượng cao, là đô thị loại IV, phấn đấu lên thị xã vào năm 2025 (theo Quyết định số 1989/QĐ-UBND ngày 14/5/2019 của UBND tỉnh).
Hạ Long là đô thị dịch vụ - du lịch quốc gia, có tầm quốc tế, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; trung tâm hành chính kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật, giáo dục của tỉnh (theo Quyết định số 702/QĐ-TTg ngày 7/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ).
Việc sáp nhập được thực hiện theo Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 2/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đã hình thành TP Hạ Long mới, phong phú về cảnh quan, địa hình, tài nguyên du lịch...; mở cơ hội phát triển mới của 2 địa phương nói riêng, cho tỉnh Quảng Ninh nói chung. Tuy nhiên, giai đoạn đầu để đảm bảo hài hòa, giải bài toán về phân bổ nguồn lực, chênh lệch vùng miền, mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái... trong cùng một địa bàn là thách thức không nhỏ với TP Hạ Long.
Điển hình, địa giới hành chính, diện tích tự nhiên được mở rộng, trở thành đô thị loại I có diện tích tự nhiên lớn nhất nước, tuy nhiên phần lớn khu vực phía Bắc là địa hình đồi núi; quỹ đất xây dựng thuận lợi chiếm khoảng 30% diện tích tự nhiên, nhưng bị chia cắt thành nhiều khu vực, kết nối chưa thuận lợi, một số khu vực đang được sử dụng khai thác khoáng sản, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng ngập mặn; hệ thống kết nối giao thông đường bộ đã được đầu tư, song chưa thực sự phù hợp với mục tiêu tăng cường liên kết vùng.
Về tổ chức không gian khu vực xung quanh Vịnh Cửa Lục và các khu vực đồi núi phía Đông, phía Tây, phía Bắc, cần có giải pháp phát triển mới đột phá, tổng thể, kết nối các quy hoạch riêng lẻ theo mục tiêu phát triển Vịnh Cửa Lục trở thành trọng tâm phát triển đô thị Hạ Long... Trên cơ sở đó, TP Hạ Long đã nhanh chóng định vị lại những tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, thực hiện lập Quy hoạch chung đến năm 2040 theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND TP Hạ Long Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Quy hoạch của TP Hạ Long không chỉ là sự sắp xếp, phân bổ không gian để tạo ra động lực, không gian phát triển, giá trị mới và có các dự án đầu tư mới; mà quy hoạch còn là công cụ quan trọng để quản lý nhà nước, phương tiện giám sát của nhân dân, là niềm tin lựa chọn đầu tư của các nhà đầu tư và doanh nghiệp... Vì thế, thành phố đã thuê các chuyên gia, đơn vị tư vấn để tiến hành nghiên cứu rất kỹ lưỡng, bám sát điều kiện thực tế, hiện trạng của từng khu vực, tầm nhìn mới để xây dựng Quy hoạch. Ngày 10/2/2023, Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg. Hạ Long là địa phương đầu tiên của tỉnh công bố quy hoạch.
Nhìn từ thực tiễn trong nước và quốc tế, các đô thị muốn phát triển bền vững đều phải có chiến lược riêng để phát triển về không gian. Vì thế, sự cần thiết phải có quy hoạch đúng tầm sẽ giải được bài toán về phân bố không gian cho những mục tiêu phát triển. Điều này còn góp phần tháo gỡ được những điểm nghẽn cơ bản của 2 địa phương trước đây. Đó là việc thiếu dư địa về không gian phát triển, việc giảm sút chất lượng đô thị trong khu vực nội thành, quá tải trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật... ở TP Hạ Long và quá trình khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa tương xứng với tiềm năng của Hoành Bồ.
Xây dựng đô thị dịch vụ, du lịch văn minh
Phát biểu chúc mừng tại Hội nghị công bố Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, đồng chí Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nhấn mạnh: Sự phát triển bền vững của TP Hạ Long không chỉ có ý nghĩa đối với địa phương mà còn có ý nghĩa đối với cả quốc gia, vùng đồng bằng Bắc Bộ, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng.
TP Hạ Long có vị trí địa lý kinh tế đặc biệt, nằm trên hành lang kinh tế quan trọng, có tài nguyên độc đáo, có Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, có nhiều tài nguyên khoáng sản, cảnh quan sinh thái hấp dẫn; là trọng tâm trong chiến lược "1 tâm, 2 tuyến" của tỉnh, kết nối thuận lợi với quốc tế thông qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Sân bay Vân Đồn, Sân bay Cát Bi (TP Hải Phòng) và hệ thống đường biển. Đặc biệt, hệ thống hạ tầng kết nối với các địa phương lân cận được đầu tư mạnh mẽ trong thời gian qua đã tạo thuận lợi cho TP Hạ Long trở thành trung tâm dịch vụ tổng hợp chất lượng cao của vùng, thu hút sự quan tâm đầu tư của quốc tế và các nhà đầu tư chiến lược lớn của đất nước.
Cũng bởi tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh nổi trội, trong Quy hoạch chung đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP Hạ Long được định hướng phát triển theo mô hình đô thị thông minh, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh của tỉnh... Trong đó, cấu trúc phát triển gồm 5 vùng (Vùng Vịnh Hạ Long; vùng phía Đông; vùng phía Tây; vùng Vịnh Cửa Lục và khu vực phía Bắc Vịnh Cửa Lục; vùng đồi núi phía Bắc) và 1 hành lang ven Vịnh Hạ Long, lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, theo hướng đa cực, hài hòa với Di sản thiên nhiên thế giới và các vùng núi phía Bắc thành phố...
Quy hoạch cũng chỉ rõ mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Đến năm 2025 hoàn thiện hệ thống công cụ quản lý quy hoạch, hệ thống hạ tầng khung đô thị; triển khai phát triển đô thị xanh gắn với mô hình đô thị thông minh; giai đoạn 2025-2030 phát triển và nâng cao chất lượng không gian ven biển; giai đoạn 2031-2040 mở rộng kết nối ra các khu vực lân cận để tạo không gian phát triển hài hòa và thu hút phát triển các công trình kiến trúc tạo điểm nhấn đô thị.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là đồ án quy hoạch có tính chất thực tiễn cao, phù hợp với vị trí trung tâm của Hạ Long. Quy hoạch khắc phục những tồn tại của phát triển nóng, khắc phục các điểm yếu về môi trường, đặc biệt là sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các địa phương trong vùng, trong tỉnh. Các mục tiêu đặt ra phù hợp với từng giai đoạn phát triển, tăng trưởng xanh, linh hoạt, thích ứng với quan điểm phát triển nền kinh tế và cơ sở hạ tầng theo các chuẩn mực quốc tế. Từ đó, tạo cơ cấu kinh tế mở, năng động để đón bắt các cơ hội phát triển; hợp tác, kết nối nhằm tạo chuỗi dịch vụ, tiện ích hỗ trợ; kết nối dự án, công trình tạo chuỗi dịch vụ và sử dụng chung hạ tầng; tái cấu trúc đô thị sinh thái, văn hóa để phát huy các đặc trưng riêng có; phát triển hệ thống không gian công cộng, đảm bảo sự tiếp cận thuận lợi của người dân và du khách đối với các dịch vụ công cộng; xây dựng đô thị biển đặc sắc gắn với Vịnh Hạ Long và quản trị đô thị thông minh.
Với vai trò, vị thế là đô thị trung tâm của tỉnh, việc có được quy hoạch mới đủ tầm sau khi hợp nhất 2 địa phương là cơ sở cần thiết để đảm bảo kết nối không gian phát triển trên cùng một địa bàn, đảm bảo sự gắn kết của cả tỉnh, mở ra cơ hội mới, nguồn lực mới, động lực mới, là công cụ để quản lý nhà nước, niềm tin lựa chọn đầu tư để xây dựng, phát triển thành phố ở tầm cao mới. Điều này cũng góp phần quan trọng trong lộ trình nhiệm vụ xây dựng Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()