Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 03/11/2024 19:09 (GMT +7)
Thai phụ mắc tiểu đường tại Quảng Ninh thường phát hiện muộn
Thứ 5, 16/01/2014 | 08:19:41 [GMT +7] A A
Trước tình trạng tỷ lệ thai phụ mắc tiểu đường đang có xu hướng gia tăng, phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Việt, Trưởng khoa Nội tiết tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh về vấn đề này.
Thai phụ Nguyễn Thị Hạnh (30 tuổi, phường Hòn Gai, TP Hạ Long) đang được y tá lấy máu để xét nghiệm sớm tiểu đường thai kỳ tại Khoa Phụ sản- Bệnh viện Đa khoa tỉnh |
- Thưa bác sĩ, tiểu đường thai kỳ là gì và nó có thể gây ra những hậu quả như thế nào?
Theo định nghĩa chuyên môn thì đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai. Định nghĩa này không loại trừ trường hợp bệnh nhân đã có tình trạng rối loạn dung nạp glucose từ trước (nhưng chưa được phát hiện) hay là xảy ra đồng thời với quá trình mang thai.
Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) nếu không được chẩn đoán và điều trị sẽ gây ra nhiều tai biến đặc biệt nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi như tiền sản giật, thai chết lưu, sảy thai, hội chứng suy hô hấp cấp và tử vong khi sinh…Vì vậy, để đảm bảo cho các thai phụ ĐTĐTK mang thai thành công và có được niềm hạnh phúc làm mẹ thì việc chẩn đoán và điều trị kịp thời ĐTĐTK là cực kỳ quan trọng.
- Tỷ lệ thai phụ mắc tiểu đường tại Quảng Ninh hiện nay như thế nào, thưa bác sĩ?
Tỷ lệ ĐTĐTK chiếm từ 1- 14% ở các thai phụ, bệnh này có xu hướng càng ngày càng gia tăng cùng với bệnh đái tháo đường chung, nhất là khu vực châu Á Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam. Trên thế giới ĐTĐTK được đặc biệt quan tâm và nghiên cứu sâu. Do vậy các thai phụ ĐTĐTK được phát hiện và chẩn đoán kịp thời, điều trị đái tháo đường đúng đã mang lại kết quả thành công cho các thai phụ ĐTĐTK, làm giảm hẳn tỷ lệ tai biến cho mẹ và thai nhi.
Tại Việt Nam, những năm gần đây các thai phụ ĐTĐTK cũng bắt đầu được các tác giả lưu tâm tới: Năm 2000 Nguyễn Thị Kim Chi và cộng sự nghiên cứu xác định tỷ lệ các thai phụ ĐTĐTK tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là 3,6 %. Năm 2002-2004, Tạ Văn Bình và cộng sự nghiên cứu tại hai Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thấy tỉ lệ các thai phụ ĐTĐTK tăng lên đáng báo động là 5,7 %.
Tại Quảng Ninh từ trước tới nay chưa có đề tài nghiên cứu khoa học nào nghiên cứu về đái tháo đường thai kỳ. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi một vài năm trở lại đây số thai phụ ĐTĐTK tần suất xuất hiện ngày càng nhiều và thường là phát hiện muộn đã có một số tai biến xảy ra cho những sản phụ đái tháo đường thai kỳ khi đến khám tại khoa phụ sản.
- Vậy nhóm thai phụ nào có nguy cơ mắc tiểu đường cao?
Mang thai là yếu tố thuận lợi thúc đẩy sự xuất hiện các rối loạn điều hòa đường huyết do tăng tình trạng kháng insulin. Và nguy cơ ĐTĐTK cao tập trung ở nhóm sản phụ gồm: Những sản phụ có chỉ số khối cơ thể (BMI) > 25, tức là bị thừa cân hoặc béo phì trước khi có thai; tiền sử bị đái tháo đường thai kỳ ở lần có thai trước; tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường (đặc biệt là có bố, mẹ, anh, chị, em ruột); tiền sử đẻ con to ≥ 4000gr; thai phụ đa ối; cân nặng thai to hơn so với tuần tuổi của lần mang thai hiện tại...
Tuy nhiên, tất cả các phụ nữ có thai đều cần được đánh giá nguy cơ bị đái tháo đường ở lần khám thai đầu tiên.
- Vậy khi phụ nữ đang mang thai phát hiện bị đái tháo đường thì phải điều trị như thế nào, thưa bác sĩ ?
Điều trị đái tháo đường thai kỳ cơ bản cũng áp dụng các nguyên tắc điều trị chung của bệnh đái tháo đường, tuy nhiên có phần đặc biệt hơn vì vừa để cho mẹ vẫn đảm bảo sức khỏe khi mang thai vừa tránh được nguy cơ đến thai cũng như trẻ được sinh ra một cách an toàn nhất. Đầu tiên, cần điều trị bằng chế độ luyện tập. Bởi lẽ, tập luyện vừa phải có tác dụng làm giảm đường máu ở người mẹ. Mặc dù ảnh hưởng của tập luyện đến các biến chứng của thai vẫn còn đang được nghiên cứu nhưng Hội đái tháo đường Mỹ khuyến cáo các phụ nữ có thai, nếu không có chống chỉ định về sản khoa hoặc nội khoa, thì nên bắt đầu hoặc tiếp tục tập luyện ở mức vừa phải và được coi như là một phần của chế độ điều trị.
Chế độ luyện tập có thể áp dụng đi bộ vào thời gian một giờ sau mỗi bữa ăn chính: 15-20 phút giúp kiểm soát nồng độ đường máu sau ăn. Bơi cũng là một bài tập tốt, có thể tham gia lớp tập thể dục với cường độ thấp, nếu thấy mệt mỏi nên ngừng tập và nghỉ ngơi. Một số hoạt động nên tránh trong thai kỳ như quần vợt, bóng chuyền, bóng rổ, chạy bộ, lặn có bình khí nén. Trong quá trình luyện tập không để nhịp tim không vượt quá 140 chu kỳ/phút và không nên để nhịp tim nhanh kéo dài quá 20 phút. Không tập khi huyết áp không kiểm soát được, tình trạng phù nhiều, đường máu quá cao, hoặc quá thấp.
Thứ hai, tất cả các bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ cần được tư vấn về dinh dưỡng để có chế độ ăn hợp lý, cung cấp đủ calo và các chất dinh dưỡng cho người mẹ, cũng như phù hợp với mục tiêu kiểm soát đường máu. Các chất tạo vị ngọt không sinh năng lượng (như đường aspartam) có thể dùng vừa phải. Mục đích của điều trị ở đa số các bệnh nhân không phải là để giảm cân mà nhằm ngăn chặn tăng đường máu cả lúc đói và sau ăn. Nhưng với các phụ nữ béo phì, BMI > 30kg/m2, thì nên giảm khoảng 30% tổng lượng calo. Theo các nghiên cứu, chế độ ăn này có khả năng làm giảm đường máu và triglyceride mà không làm tăng ceton niệu.
Thứ ba là điều trị bằng thuốc làm hạ đường máu. Phương pháp này được chỉ định khi thay đổi chế độ ăn và áp dụng chế độ luyện tập mà không kiểm soát được đường máu.
- Có thể làm gì để phòng ngừa đái tháo đường thai kỳ, thưa bác sĩ?
Dựa vào các yếu tố nguy cơ của đái tháo đường thai kỳ thì chúng ta thấy các sản phụ hoàn toàn có thể phòng ngừa được bệnh bằng cách: Tránh thừa cân, béo phì trước khi có thai bằng cách thực hiện chế độ ăn uống điều độ một cách phù hợp nhất, đồng thời tăng cường hoạt động thể lực như làm việc nhà, lao động, chơi những môn thể thao tùy thuộc với điều kiện…
Những người phụ nữ có yếu tố gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường, đẻ con lần trước thai to, đa ối, đặc biệt bị đái tháo đường thai kỳ từ lần trước có thai, thì trước khi có thai cần đến khám và tư vấn bác sỹ chuyên khoa Nội tiết kịp thời.
- Xin cảm ơn bác sĩ !
Dương Hiền (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()