Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 29/12/2024 15:08 (GMT +7)
Tham quan hầm mộ Paris, vương quốc của hài cốt
Thứ 4, 07/08/2019 | 14:42:13 [GMT +7] A A
Đến thủ đô Paris của Pháp, du khách thường tìm đến những địa danh nổi tiếng như đại lộ Champs – Elysee, tháp Eiffel, nhà thờ Đức bà, bảo tàng Louvre hay cung điện Versailles. Nhưng những người ưa thích sự mạo hiểm, kỳ bí sẽ không thể bỏ qua một nơi nằm sâu dưới lòng đất hàng chục mét và đến nay vẫn ẩn dấu vô số điều bí ẩn. Đó là Les Catacombes hay còn gọi là hầm mộ Paris.
Hầm mộ Paris vốn là một hầm mỏ khai thác đá có từ thời kỳ La Mã, nằm ở số 1 đại lộ Colonel Henri Rol- Tanguy thuộc quận 1 của Paris. Nó được mệnh danh là hầm mộ trong lòng đất lớn nhất thế giới, nơi cất giữ hơn 6 triệu bộ hài cốt, tức là bằng già nửa dân số của Paris hiện nay.
Khi kết thúc 131 bậc thang đi xuống, hành trình khám phá hầm mộ Paris của du khách sẽ bắt đầu từ lối vào bên trên ghi dòng chữ: Hãy dừng lại, nơi đây là đế chế của thần chết |
Vào cuối thế kỷ 18, các nghĩa trang lớn trong thành phố trở nên quá tải vì số người chết do chiến tranh và dịch bệnh, nhất là bệnh dịch hạch. Người chết được chôn cất bừa bãi, thậm chí bị khai quật khiến môi trường ô nhiễm, dịch bệnh càng lây lan. Trước tình trạng này, vua Louis XV đã ra sắc lệnh cấm chôn cất trong thủ đô song vấp phải sự phản đối kịch liệt của nhà thờ.
Chỉ đến năm 1780, nghĩa trang Les Innocents, nghĩa trang lớn nhất thành phố có từ thế kỷ thứ X với hai triệu bộ hài cốt bị sụp do mưa lớn, người ta mới quyết định biến mỏ đá thành hầm mộ và đưa các hài cốt xuống đây. Sau đó, nhiều nghĩa trang khác cũng bị dẹp bỏ phục vụ cho việc quy hoạch lại thành phố, Hàng triệu bộ hài cốt đã được di dời xuống hầm và việc này chỉ dừng lại vào năm 1859.
Hơn 6 triệu bộ hài cốt đã được sắp xếp lại gọn gàng |
Là một hầm mỏ nên Les Catacombes vốn dĩ đã có nhiều lối vào. Nhưng sau này, nhà chức trách Paris còn cho thiết kế thêm nhiều lối đi bí mật nối thẳng hầm mộ với các nghĩa trang hoặc đào thêm nhiều nhánh để gia tăng sức chứa của hầm mộ. Do đó, đã hình thành một mê cung chằng chịt dài tới hơn 300km, sâu trung bình 20 m, có chỗ tới 60 m.
Cảm giác lạnh lẽo có thể do nhiệt độ ở đây luôn ở mức 14 độ C nhưng cũng có thể do sự ám ảnh về các linh hồn đang luẩn quất quanh mình |
Trải qua hàng trăm năm, tới 1980, một số nghệ sỹ đã nảy ra ý tưởng biến nơi đây thành một điểm tham quan. Những hài cốt được chất đống theo nghĩa trang mà từ đó chúng được quy tập về đã được sắp xếp lại gọn gàng, thậm chí thành các hình khối nghệ thuật.
Những hài cốt này được đưa từ nghĩa trang Magdeleine về hầm mộ vào tháng 9 năm 1850 |
Do có quá nhiều lối đi lại không có sơ đồ rõ ràng nên nhiều người khi tới đây đã bị lạc. Do vậy đến năm 1990, chính quyền Paris đã cho lấp lối vào hầm mộ. Phải tới năm 2015, du khách mới được tham quan trở lại nhưng chỉ khoảng 1,5km của hầm mộ.
Do diện tích hạn chế nên thường chỉ có không quá 200 người được xuống hầm tham quan cùng lúc |
Hầm mộ Paris hiện đón khoảng 550.000 du khách mỗi năm. Mặc dù đã bị cấm và bị phạt nặng nhưng nhiều người vẫn mạo hiểm lẻn trốn để thăm dò những khu vực khác trong hầm mộ và thực tế vẫn còn nhiều khu vực trong lòng hầm mộ đến tận bây giờ vẫn chưa được khám phá.
Thông tin cần biết: - Giờ mở cửa tham quan của Hầm mộ Paris từ 10 h đến 20h30 tất cả các ngày trong năm trừ ngày 1/1 và 1/5 - Giá vé thông thường là 11 Euro, nếu muốn nhanh hơn, không phải xếp hàng và có máy thuyết minh bằng 3 thứ tiếng, bạn có thể đặt trước vé trên mạng với giá 29 Euro. - Thời gian tham quan khu hầm mộ mất khoảng 45 phút. Đồng thời mang theo áo ấm vì nhiệt độ dưới hầm chỉ khoảng 14oC. |
Quỳnh Tâm
Liên kết website
Ý kiến ()