Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:44 (GMT +7)
Rừng tự nhiên Hà Lâu
Chủ nhật, 24/10/2021 | 12:49:54 [GMT +7] A A
Hà Lâu (huyện Tiên Yên) được nhiều người biết đến với phiên chợ vùng cao nổi tiếng cùng nhiều đặc sản địa phương, nhưng ít ai biết đến Hà Lâu còn có hơn 10.000 ha rừng tự nhiên. Các khu rừng có chức năng điều hòa khí hậu bảo vệ môi trường, giữ nguồn nước, che chắn gió bão, rừng tự nhiên Hà Lâu còn nhiều tiềm năng du lịch cần được khai thác.
Rừng tự nhiên Hà Lâu có rải rác ở hầu hết các thôn trên địa bàn xã. Nhiều khu rừng có thác nước, có hang mang hình dáng kỳ lạ. Nổi tiếng nhất phải kể đến hang Rồng được phát hiện vào trung tuần tháng 4 năm 2018. Hang nằm trong rừng tự nhiên khu vực Khe Lù cách trung tâm xã khoảng 10km, vị trí giáp ranh giữa thôn Bản Danh và thôn Khe Tao của xã Hà Lâu. Trước cửa hang là khối đá lớn mang hình dáng con rùa khổng lồ, trong hang có nhiều hóa thạch đá mang hình dáng kỳ lạ giống như xương sống của loài bò sát lớn hình rắn...
Thời điểm hang Rồng mới được phát hiện, rất nhiều khách phượt đã đến đây chiêm ngưỡng hang và để đắm mình trong các khu rừng tự nhiên của Hà Lâu, nhất là vào dịp cuối tuần. Trên con đường đến hang, mỗi mùa đều có vẻ đẹp riêng của các khu rừng. Mùa xuân có nhiều loại hoa rừng, những cây mai vàng lớn đường kính hơn 20cm nở rộ hoa nhuộm vàng cả khoảng rừng... Về mùa hè thì những đồi hoa sim, hoa mái tím và nhiều loài hoa rừng khác cũng đua nhau khoe sắc, còn mùa thu ta ngắm lá vàng rơi tạo thành tấm thảm dưới chân.
Gần khu vực hang rồng có tới 3 thác nước nhỏ, tuy không tạo ấn tượng về vẻ đẹp, nhưng có nước chảy đều quanh năm. Thác nước trước cửa hang Rồng đẹp hơn cả, cao khoảng 50m, xung quanh là những vách đá dựng đứng tạo bức tường thành thiên nhiên, thật lãng mạn.
Ở thôn Nà Hắc (xã Hà Lâu) có khu rừng nguyên sinh rộng khoảng 300ha nằm giáp khu dân cư. Ở đây người ta dễ dàng tìm thấy những thân cây cổ thụ với đường kính hàng mét..
Để có khu rừng quý như thế là công lao của người dân toàn thôn, từ thế hệ này nối tiếp thế hệ kia giữ rừng. Trước đây, khi chưa có chương trình xây dựng nông thôn mới, đường xá đi lại rất khó khăn và việc giữ rừng cũng rất khó. Thời điểm đó thôn Nà Hắc chưa có điện, hệ thống thông tin điện thoại không có, khi có kẻ đến phá rừng nếu có báo đơn vị chức năng đến giải quyết đi lại mất cả ngày. Người dân Nà Hắc phải tự bảo nhau giữ rừng. Khi phát hiện ra lâm tặc, trưởng thôn Nà Hắc huy động cả làng ra đuổi. Bà con tự hiểu được rừng che chở cuộc sống của họ, chắn những đợt gió khủng khiếp của bão tố làm sập nhà, khi mà trước đây họ chỉ có nhà tranh tre. Ngoài ra, rừng giữ nguồn nước để có nước sinh hoạt và tưới tiêu các cánh đồng, cung cấp cho họ nhiều loại thuốc quý để cứu sống con người.
Trong rừng tự nhiên Nà Hắc có thác nước đẹp gọi là thác Cá Nhảy (tiếng địa phương là thác Nhì Thiu). Những ngày trời nắng, những đàn cá suối nhảy nhót vượt thác mà thành tên gọi. Do nằm sâu trong rừng, nên thác Cá Nhảy có nước chảy quanh năm.
Nhiều năm qua, Đảng bộ và chính quyền xã Hà Lâu đã đồng hành với người dân cùng bảo vệ rừng. Hướng tới tương lai, Hà Lâu sẽ đẩy mạnh việc phát triển du lịch cộng đồng, trong đó có các tour khám phá rừng nguyên sinh. Hiện tại xã có Chợ phiên Hà Lâu, thu hút người Dao đến từ các thôn bản của Hà Lâu và các xã của huyện Tiên Yên, huyện Bình Liêu và các huyện Đình Lập, Lộc Bình của tỉnh Lạng Sơn sang mua bán trao đổi hàng hóa. Từ đó, giúp người dân tiêu thụ tốt các sản phẩm của địa phương như: Măng rừng, quế, gà Tiên Yên, bánh chưng gù, mía, gạo nếp nương, khau nhục, kẹo lạc hồng, quần áo thổ cẩm… giúp đời sống người dân dần được nâng cao hơn.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()